"Thấp thoáng Đông Dương"

14:57 - Thứ Hai, 02/12/2019 Lượt xem: 9397 In bài viết

Với cảm thức mong muốn tiếp nối những giá trị trường tồn của lớp họa sĩ thời "Mỹ thuật Đông Dương", các họa sĩ trẻ đã cùng hội tụ trong một triển lãm mang lại nhiều cảm xúc cho người xem. 24 tác phẩm là góc nhìn đa chiều thông qua lăng kính nghệ thuật tươi mới của những người trẻ hôm nay. Triển lãm "Thấp thoáng Đông Dương" đang diễn ra tại Hanoi Studio Gallery, từ ngày 27-11 đến ngày 18-12-2019.

Tiếp nối những giá trị trường tồn

Trong kho tàng tác phẩm đồ sộ mà những bộ tứ huyền thoại như Trí – Lân – Vân - Cẩn, như Nghiêm – Liên –Sáng – Phái hay Phổ - Thứ - Lựu – Đàm để lại, nhiều tác phẩm đã trở thành di sản quý giá của mỹ thuật Việt Nam. Những Thiếu nữ bên hàng hiên của hoạ sĩ Mai Trung Thứ, Hai thiếu nữ ngồi thêu của bậc thầy Vũ Cao Đàm, Thiếu nữ tắm hồ sen của tác giả Lê Thị Lựu hay Thiếu nữ dâng trà của danh hoạ Lê Phổ, Thiếu nữ bên hoa huệ của hoạ sĩ Tô Ngọc Vân … đã định hình một không gian mỹ thuật đong đầy hoài niệm, một vẻ đẹp xưa cũ dường như đã biến mất vĩnh viễn trong nhịp sống hiện đại xô bồ, gấp gáp hôm nay.

Tác phẩm “Đi chơi với gió”, 2019, màu nước trên lụa, 120cmx78cm - TG Vũ Đình Tuấn.

Bà Dương Thu Hằng, chủ nhân của không gian nghệ thuật Hanoi Studio Gallery vô cùng tâm đắc. “Trong dòng chảy mỹ thuật hôm nay, tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy thời mỹ thuật Đông Dương vẫn xuất hiện trong rất nhiều sự kiện nghệ thuật uy tín. Sức sống mãnh liệt của những lấp lánh vàng son quá khứ ấy đã đặt ra trong tôi nhiều câu hỏi”. Và chủ nhân của gallery này đã đi đến ý tưởng khơi nguồn tìm lại những giá trị của mỹ thuật thời đó, hành trình mà họ đã đi và cốt lõi của những thành công một thuở...

Tác phẩm “Xuân muộn”, 2019, sơn dầu trên toan, 110cmx90cm - TG Mai Xuân Oanh.

Ý tưởng ấy được bà chia sẻ với bảy hoạ sĩ - hoặc đã thành danh hoặc đang sở hữu nội lực sáng tạo dồi dào từng nhiều năm đồng hành cùng Hanoi Studio Gallery. Là thế hệ hậu sinh (Vũ Đình Tuấn lớn tuổi nhất sinh năm 1973, trẻ nhất là Đoàn Văn Tới sinh năm 1989), để nắm bắt được trọn vẹn một hồn cốt mỹ thuật Đông Dương và chuyển tải nó vào tranh không dễ dàng. Ai cũng nhận thấy “đề bài” rất hay, ai cũng háo hức tham gia nhưng như bà Hằng tâm sự, có người trăn trở tới vài tháng mà không thể bắt tay vào việc. Bởi cái bóng của tiền nhân quá lớn, bởi ám ảnh về “chất Đông Dương” của các cụ quá mạnh nên để chạm tới được tinh thần của họ nhưng vẫn trung thành với bút pháp và cảm xúc của bản thân là một bài toán khó. Rất may, bà chủ gallery đã thu được khá nhiều trái ngọt bởi “các bạn đều coi đây một thử thách mang tính học thuật rất cần thiết trên bước đường sự nghiệp nên họ đã dành trọn tâm sức trong nhiều tháng để hoàn thành bộ sưu tập này”.

Tác phẩm “Ngày hoa nở 01”, 2019, màu nước trên lụa, 65cmx120cm - TG Lưu Chí Hiếu.

Trong không gian nhỏ nhắn ở 13 Tràng Tiền, 24 tác phẩm được trưng bày mang đến sự giản dị rất đỗi hồn nhiên, những nét đẹp ẩn sâu trong nhịp sống thường ngày. Những duyên dáng, lãng mạn chắt chiu từ muôn điều thân thuộc đó, qua thời gian, đã trở thành tầng sâu của vẻ đẹp, tạo nên giá trị nhân văn của mỹ thuật Đông Dương gần một thế kỷ trước.Và hôm nay, chúng được tiếp nối, sống động trong những tác phẩm màu nước trên lụa, sơn dầu trên toan.

Tác phẩm “Chiều bâng khuâng, 2019, màu nước trên lụa, 65cmx120cm - TG Đặng Đình Nguyên.

Và “điểm nhấn” Đặng Hiệp

Bộ ba tác phẩm Xuân đến gồm ba bức sơn dầu trên toan, khổ 100cmx80cm là điểm nhấn ấn tượng nhất của triển lãm, dưới góc nhìn của riêng tôi. Có lẽ bởi đặt bên những hoài nhớ bàng bạc tông màu trung tính của những bức tranh lụa (của các hoạ sĩ Đoàn Văn Tới, Đặng Đình Nguyên, Lưu Chí hiếu, Nguyễn Đức Toàn, Vũ Đình Tuấn) hay không gian rực rỡ tưng bừng sắc màu Tây Bắc trong tranh sơn dầu của Mai Xuân Oanh, Xuân đến của Đặng Hiệp mang lại cho người thưởng lãm những cảm xúc bất ngờ. Một không gian thâm nâu, trầm mặc và phảng phất nỗi buồn, dù Xuân đang đến, dù Tết đang về. Sắc hồng của đào bên sắc vàng của quất, màu xanh của chuối bên vàng tươi phật thủ. Hoành phi sánh cùng câu đối, tủ chè kế bên sập gụ, bình gốm hoa văn tiệp cùng tranh Hàng Trống “Lý Ngư vọng nguyệt”. Quá đủ đầy cho thời khắc đón chào năm mới, vậy mà vẫn cảm nhận cái man mác buồn của người nghệ sĩ. Như tiếc nuối, như nhớ nhung một ánh hào quang quá khứ, gần ngay đấy mà mong manh hư ảo như sắp sửa tan biến vào hư không.

Bộ tác phẩm gồm ba bức “Xuân đến 01,02,03”, 2019, sơn dầu trên toan, 100cmx80cm - TG Đặng Hiệp

Đặng Hiệp chọn lối vẽ tả thực từ khi còn là sinh viên Mỹ thuật Yết Kiêu. Ngắm tác phẩm của anh người xem thấy được chiều sâu của không gian nhiều lớp, nhiều tầng. Trung thành với chất liệu sơn dầu trên toan, Hiệp tự nhận mình vẽ rất chậm, cả tháng mới hoàn thành một tác phẩm. Cũng dễ hiểu thôi, phải qua rất nhiều công đoạn kỳ công để có được một Xuân đến trĩu nặng hoài cổ. Từ làm hình rồi tạo lớp lót chân bám trên toan, từ lót đơn sắc tới phủ màu dần các lớp… Hiệp kể anh phải đi thực tế nhiều căn nhà cổ để tìm cảm hứng và từ đó tìm tòi cái tứ về bố cục và liên tưởng. Biết trung thành với phong cách hiện thực là chọn lối đi khó, khi hoạ sĩ tự trói mình vào những nguyên tắc khắt khe của tạo hình và bố cục, của sắc màu và ánh sáng nhưng lối vẽ gắn liền với tên tuổi Đặng Hiệp “là sở thích, là thế mạnh và là nhu cầu bộc lộ cái tôi của bản thân mình” – anh nói.

Tác phẩm “Hương Xuân”, 2019, màu nước trên lụa, 120cmx60cm - Tác giả: Đoàn Văn Tới.

Người lớn tuổi kiếm tìm những sắc màu hoài niệm, công chúng trẻ muốn hiểu thêm về quá khứ cha ông, tất cả đều có thể hài lòng, khi đến với Thấp thoáng Đông Dương. Chút hương cùng chút hoa, chút nắng ấm cùng chút lạnh lẽo, chút ngõ cùng chút nhà, chút vui khi Xuân về cùng chút bâng khuâng nhớ về mùa cũ… Chạm đến tầng sâu cảm xúc, bằng ngôn ngữ tạo hình nhẹ nhàng, thanh thoát và không ồn ào, phô trương, từng ấy bức tranh là từng ấy rung động đẹp.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top