Vui Tết Ồ xị chờ

09:31 - Thứ Năm, 26/12/2019 Lượt xem: 9304 In bài viết

ĐBP - Cũng như nhiều dân tộc khác, vào những ngày cuối năm, trong cái lạnh cắt da thịt vùng biên viễn, người Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải (huyện Mường Nhé) lại hồ hởi, vui mừng trong men say đón Tết cổ truyền Ồ xị chờ. Ðó là một trong những hoạt động tín ngưỡng lâu đời không thể thiếu trong đời sống sản xuất, văn hóa, tâm linh truyền thống của người Si La nơi đây.

Phụ nữ Si La chỉnh sửa trang phục truyền thống cho con trẻ trong Ngày tết cổ truyền Ồ xị chờ.

Nằm nép mình bên suối Nậm Sin, điều kiện sinh hoạt của tộc người Si La vẫn còn nhiều gian khó nhưng đời sống tinh thần rất phong phú với nhiều lễ hội, mang đậm bản sắc truyền thống dân tộc Si La. Trong đó, Tết cổ truyền Ồ xị chờ là dịp để những người con đi xa trở về nhà sum họp, quây quần bên gia đình, báo hiếu tiên tổ, cha mẹ và vui chơi, thăm hỏi người thân, bạn bè. Già làng Lỳ Chà Che chia sẻ: Theo phong tục truyền thống, Tết của người Si La được tổ chức vào ngày con trâu (ngày Sửu) đầu tiên của tháng 12 dương lịch và thường kéo dài 3 ngày. Ðó cũng là lúc người dân khắp bản mường đã thu hoạch xong mùa màng, thóc ngô đầy bồ, người Si La tạm gác công việc ruộng nương, tụ họp bên gia đình, người thân đón mừng năm mới Ồ xị chờ. Dịp Tết, người dân trong bản ai cũng có ý thức trang hoàng nhà cửa, dọn dẹp đường làng ngõ xóm sạch đẹp hơn. Từ cửa ngõ dẫn vào bản và nhà văn hóa đều được treo cờ Tổ quốc trang trọng.

Ðể chuẩn bị đón Tết cổ truyền, trước đó vài ngày các gia đình đã phải chuẩn bị đầy đủ lễ vật dâng lên tổ tiên. Ðồ cúng của người Si La gồm một đôi sóc, một đôi cua, một đôi cá... Trong đó, thứ quan trọng nhất không thể thiếu được trong mâm cúng ngày Tết Ồ xị chờ của người Si La là thịt sóc. Dân tộc Si La quan niệm, sóc là con vật có vị thế đặc biệt quan trọng, được ví như vật tổ của mình. Theo quan niệm của tổ tiên truyền lại, mỗi năm người Si La phải cúng sóc vào dịp tết năm mới, tết mừng lúa mới và trong đám cưới. Nhất là khi ốm đau, bệnh tật, người Si La lại càng cần đến thịt sóc để làm lễ cúng, cầu cho tai qua nạn khỏi; sức khỏe bình an trong mỗi nếp nhà.

Khi đồ cúng đã được chuẩn bị đầy đủ, chủ nhà khấn với tổ tiên phù hộ cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, lúa ngô đầy bồ, sức khỏe bình an. Sau khi kết thúc nghi thức cúng, người Si La bắt đầu vào tiệc rượu, say men nồng ấm chúc cho nhau năm mới bình an. Lúc ấy, đi khắp bản từ nhà trên xóm dưới nhà nào cũng bày sẵn mâm cỗ để thiết đãi khách quý. Tuy mâm cỗ không quá cao sang nhưng đó là tình cảm, những sản vật mà người Si La đã cấy hái, nỗ lực sản xuất trong năm. Mỗi người đến chúc Tết ngồi lại uống với chủ nhà vài ba chén rượu, trao cho nhau những cái bắt tay thật chặt, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó cầu cho gia chủ thóc lúa đầy nhà, đàn gà, đàn lợn sinh sôi nảy nở, phát triển tốt. Tiệc tan, gia chủ không quên biếu khách những chiếc bánh dày thơm dẻo, đậm đà hương vị đặc trưng người Si La và gửi những lời hẹn sang năm lại đến với bản mường.

Trong khi đàn ông uống rượu, nâng chén chúc mừng năm mới thì nam thanh nữ tú, trẻ em trong bản lại xúng xính trong bộ quần áo truyền thống tham gia nhiều hoạt động vui chơi; hào hứng, say sưa hòa mình trong những điệu múa, câu hát giao duyên, các trò chơi dân tộc (tù lu, kéo co, ném còn). Những câu hát, trò chơi dân gian tập thể mang tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó của người dân trong bản và khát vọng về một cuộc sống đủ đầy, đầm ấm.

Ngày Tết thứ 3 cũng là ngày cuối cùng của Tết Ồ xị chờ được xem là “Ngày báo hiếu” công ơn cha mẹ. Trong ngày này, những người con gái đã đi lấy chồng không kể gần xa trở về bên gia đình thăm hỏi, tặng quà, chúc tết bố mẹ đẻ, thể hiện lòng tri ân, sự biết ơn đã nuôi dạy khôn lớn của những đấng sinh thành.

Dân tộc Si La là một trong những dân tộc rất ít người (dưới 1.000 người). Do vậy, trước nguy cơ mai một về tộc người, đồng hóa văn hóa cao nên dân tộc Si La được đưa vào Ðề án Bảo tồn dân tộc rất ít người nhằm gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống. Nhiều công trình, dự án được đầu tư để bà con phát triển sản xuất, vươn lên xóa đói giảm nghèo... Ðặc biệt, nhiều nét văn hóa đặc trưng (lễ mừng cơm mới, Tết Ồ xị chờ...) của người Si La vẫn được gìn giữ, phát triển với thời gian, truyền lửa cho thế hệ trẻ Si La thêm yêu cội nguồn, truyền thống dân tộc.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top