Một năm văn hóa sôi động

10:08 - Thứ Hai, 30/12/2019 Lượt xem: 7823 In bài viết

ĐBP - Có thể nói 2019 là năm nhiều dấu ấn của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL) tỉnh ta với những hoạt động, sự kiện văn hóa quy mô lớn. Mỗi chương trình diễn ra không chỉ đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần, vui chơi, giải trí của đồng bào các dân tộc trên địa bàn mà còn để lại những ấn tượng tốt đẹp trong lòng người dân và du khách, góp phần gìn giữ, phô diễn, quảng bá nét đẹp của mảnh đất, con người Ðiện Biên.

Phụ nữ dân tộc Thái biểu diễn múa sạp trong Ngày hội Văn hóa Thái lần thứ II, năm 2019 tại TP. Ðiện Biên Phủ.

Năm 2019 là năm Ðiện Biên có nhiều sự kiện, ngày kỷ niệm lớn, tiêu biểu nhất là kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ, 110 năm thành lập tỉnh, 70 năm thành lập Ðảng bộ tỉnh. Ngành VH,TT&DL đã tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức nhiều hoạt động sôi nổi, quy mô. Mở màn năm mới là chương trình mừng Ðảng, mừng Xuân, Lễ hội Hoa Ban và nhiều hoạt động tiếp nối như: tuần phim, biểu diễn nghệ thuật, mít tinh, diễu binh, diễu hành... Bên cạnh những hoạt động cấp tỉnh là một số hoạt động quy mô cấp quốc gia, như: Liên hoan tuyên truyền lưu động toàn quốc, Liên hoan cán bộ thư viện giới thiệu sách, Ngày hội Văn hóa dân tộc Thái.

Trong các hoạt động, bà con bản địa đều được tạo điều kiện trực tiếp tham gia biểu diễn, trình diễn, nắm giữ tinh thần, truyền tải nội dung nét đẹp văn hóa và những nghi thức sinh hoạt dân gian truyền thống. Lễ hội Hoa Ban 2019 đã huy động hàng trăm nghệ nhân, diễn viên quần chúng tại các huyện, thị, thành phố tham gia, là lực lượng chính giới thiệu nét đẹp mảnh đất vùng cao Ðiện Biên tới khán giả, du khách. Còn với Ngày hội Văn hóa Thái là sân chơi riêng của đồng bào Thái, thu hút hàng nghìn người tới giao lưu, chia sẻ, giới thiệu văn hóa đặc trưng, độc đáo mà đa sắc màu của dân tộc mình. Bà Lường Thị Lả, Ðội văn nghệ người cao tuổi phường Na Lay (TX. Mường Lay) tham gia biểu diễn điệu múa cổ dân tộc Thái tại Ngày hội, chia sẻ: “Năm nay, tỉnh Ðiện Biên đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa Thái, dù ở xa nhưng được động viên, khuyến khích, chúng tôi vẫn háo hức và tích cực tham gia, hòa mình vào không khí chung. Ðến đây, tôi được gặp, giao lưu với rất nhiều nghệ nhân cùng dân tộc từ khắp các địa bàn trong và ngoài tỉnh. Dường như ai cũng tụ họp về đây, tham gia các nội dung khác nhau của Ngày hội, được thể hiện mình và góp phần trình diễn, giới thiệu văn hóa truyền thống dân tộc”.

Không chỉ bà Lả mà lực lượng nghệ nhân dân gian, diễn viên quần chúng các dân tộc đều được đánh giá đã rất tích cực và chủ động trong tham gia các hoạt động, sự kiện văn hóa. Họ coi đây không phải là nhiệm vụ mà là cơ hội để thực hành các di sản văn hóa, tham gia nghệ thuật văn hóa truyền thống cũng như quảng bá nét đẹp dân tộc mình. Không chỉ nhiệt tình tham gia các hoạt động, đồng bào các dân tộc còn có những góp ý thiết thực về các nội dung, tiết mục liên quan đến bản sắc văn hóa của dân tộc mình, góp phần nâng cao chất lượng của các chương trình, đồng thời giữ gìn, bảo tồn và phát huy di sản văn hóa truyền thống. Nhờ tinh thần ấy mà các sự kiện đều đã diễn ra thành công, nhận được sự ủng hộ và đồng thuận của nhân dân; thu hút đông đảo khán giả, để lại ấn tượng tốt đẹp cho du khách trong nước và quốc tế.

Trong lĩnh vực di sản văn hóa, năm 2019 tỉnh ta cũng ghi nhận nhiều kết quả tích cực. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa trên địa bàn tiếp tục được quan tâm, đáp ứng phần lớn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của người dân. Trong năm tỉnh ta có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận là: Lễ Gạ Ma Thú (cúng bản) của người Hà Nhì và Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của người Cống; 1 quần thể hang động Huổi Cang, Huổi Ðáp (xã Pa Ham, huyện Mường Chà) được xếp hạng di tích quốc gia danh lam thắng cảnh. Một số hoạt động khác được triển khai hiệu quả, như: Phục dựng lễ hội cầu mùa dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn (huyện Tuần Giáo); lập hồ sơ đề nghị công nhận và đưa Lễ Tủ Cải của người Dao (huyện Tủa Chùa và Nậm Pồ) và Lễ Pang Phoóng của người Kháng (huyện Tuần Giáo, Mường Chà) vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; trao tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cho 20 cá nhân. Cùng với đó ngành VH,TT&DL tiếp tục phối hợp với Bộ VH,TT&DL xây dựng hồ sơ Nghệ thuật xoè Thái của tỉnh Ðiện Biên tham gia vào bộ đề cử quốc gia “Nghệ thuật xòe Thái Việt Nam” và hồ sơ Then Thái tỉnh Ðiện Biên vào bộ hồ sơ đề cử quốc gia “Then Tày, Nùng, Thái” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Riêng đối với đồng bào dân tộc Cống bản Nậm Kè 2, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé), 2019 là năm niềm vui nhân đôi khi Tết hoa mào gà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và có 1 nghệ nhân ưu tú được vinh danh là bà Chang Thị Phơi. Người dân trong bản thêm tự hào và nâng cao trách nhiệm hơn trong gìn giữ, bảo tồn, truyền nối vốn cổ của dân tộc mình. Nghệ nhân Chang Thị Phơi chia sẻ: Khác hẳn so với trước, đời sống văn hóa tinh thần, vật chất của người dân bản tôi ngày càng nâng lên. Giờ đây, bản cũng đã được nhiều người biết đến nhờ bản sắc dân tộc riêng. Ðó là nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cấp, ngành về mọi mặt, đặc biệt là bảo tồn, gìn giữ văn hóa truyền thống, từ nếp nhà, trang phục đến lễ, tết, hát, múa… giúp bà con giữ được gốc gác tổ tiên, từ đó ổn định và tự tin xây dựng cuộc sống ấm no.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top