Hoạt động tại các cơ sở thờ tự Phật giáo: Văn minh và tiết kiệm

10:05 - Thứ Năm, 02/01/2020 Lượt xem: 8853 In bài viết

Việc thực hiện nếp sống văn minh tại cơ sở thờ tự Phật giáo đã được quy định trong luật pháp cùng nhiều văn bản của trung ương và thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, vào mỗi dịp lễ hội xuân đầu năm, tại một số cơ sở thờ tự vẫn xuất hiện những hoạt động có biểu hiện lệch chuẩn, làm ảnh hưởng đến hình ảnh Phật giáo Thủ đô. Thực tế này đòi hỏi các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao công tác quản lý nhà nước về thực hành hoạt động tôn giáo, bảo đảm các tiêu chí văn minh và tiết kiệm.

Nhiều người dân đi lễ đầu năm tại chùa Quán Sứ, Hà Nội.

Vẫn còn hình ảnh phản cảm, lệch chuẩn

Bên cạnh thành công trong công tác Phật sự, hoạt động tôn giáo tại các cơ sở thờ tự Phật giáo thời gian qua vẫn xuất hiện những hoạt động mang màu sắc mê tín dị đoan, có biểu hiện lệch chuẩn, như: Tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; tổ chức nghi lễ cầu an với số lượng người tham gia đông, ảnh hưởng đến an toàn giao thông; lạm dụng đốt vàng, mã; xóc thẻ, bói quẻ, kinh doanh dịch vụ…

Thực tế đó cho thấy nhiều người còn chưa hiểu đúng về việc thực hành tín ngưỡng, tôn giáo. Nguy hại hơn, việc này dễ dẫn đến mê tín, dị đoan và những hệ lụy kèm theo như lợi dụng nhu cầu tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng của một bộ phận nhân dân để trục lợi, gây khó khăn cho các cấp chính quyền, cơ quan chức năng trong đấu tranh, bài trừ mê tín dị đoan. Cùng đó, sự nhầm lẫn giữa tín ngưỡng và tâm linh còn lãng phí nguồn lực lớn cho xã hội. Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, ước chừng tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, mỗi năm đốt khoảng 50.000 tấn vàng mã, tương đương với khoảng 400 tỷ đồng.

Hòa thượng Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội cho rằng: “Đốt vàng mã là tục lệ của dân gian, không phải bắt nguồn từ nhà Phật. Trong Tam Tạng kinh của nhà Phật, không nội dung nào đề cập vấn đề này và qua các thời kỳ Chư Tổ Phật giáo Việt Nam, cũng không đốt vàng mã”.

Phát biểu tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam từng khẳng định: “Mê tín, dị đoan suy cho cùng là do thiếu hiểu biết nên chúng ta cần chú trọng hơn tới giáo dục, văn hóa, để nâng cao dân trí, để người dân hiểu biết về những hành vi đúng với tín ngưỡng, truyền thống của dân tộc, giáo lý. Có hành vi trước đây là đúng nhưng bây giờ không còn phù hợp với thế giới văn minh. Chúng ta phải phản đối, lên án, đấu tranh chống lại các hành vi mê tín, dị đoan; chống lợi dụng tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng để trục lợi”.

Liên quan đến vấn đề này, tại Công văn số 033/CV-HĐTS ngày 20-2-2019 của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc “Tổ chức nghi lễ nguyện cầu bình an cho phật tử và nhân dân tại các chùa nhân dịp đầu xuân năm mới” cũng đã nêu rõ: Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam yêu cầu tăng ni, nhất là chư vị lãnh đạo Giáo hội cần gương mẫu trong việc tổ chức nghi thức cầu an đầu xuân tại các chùa bằng các pháp hội Dược Sư cầu quốc thái dân an. Việc tổ chức phải bảo đảm trang nghiêm, tiết kiệm, tránh mê tín dị đoan, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, trục lợi mà phải đúng chính pháp…

Cần tăng cường công tác quản lý

Có thể nhận thấy, nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo đang có xu hướng phát triển nên rất cần có sự định hướng, tuyên truyền, quản lý của cơ quan chức năng để vừa bảo đảm đúng pháp luật, vừa bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của người dân trên cơ sở giữ gìn những giá trị truyền thống văn hóa dân tộc và phát huy giá trị, đóng góp của tổ chức tôn giáo.

Công tác quản lý về tín ngưỡng, tôn giáo đã có hành lang pháp lý khá chặt chẽ, đó là: Luật Tín ngưỡng, tôn giáo; Thông tư liên tịch 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV ngày 30-5-2014 giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Nội vụ hướng dẫn việc thực hiện nếp sống văn minh tại các cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Quy tắc ứng xử tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tại Điều 6 Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội…

Căn cứ chỉ đạo của Thành ủy, UBND thành phố, Ban Tôn giáo thành phố đã ban hành Văn bản 06/BTG-NV ngày 26-2-2019 về việc Triển khai một số nội dung trọng tâm trong công tác quản lý nhà nước về Phật giáo. Năm 2019, Ban Tôn giáo thành phố đã mở 11 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo cho 1.517 người, là cán bộ, công chức, chức sắc, chức việc, tăng ni Phật giáo, Ban Quản lý cơ sở tín ngưỡng trên địa bàn thành phố.

Để các cơ sở thờ tự Phật giáo phát huy giá trị truyền thống dân tộc và Phật giáo, tổ chức các hoạt động lễ hội tôn giáo phù hợp, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của cơ quan quản lý nhà nước các cấp, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, tín đồ, phật tử trên địa bàn thành phố. Trong đó, trụ trì các cơ sở thờ tự Phật giáo cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương tổ chức các hoạt động Phật giáo đúng tinh thần văn minh và tiết kiệm, phù hợp với truyền thống dân tộc, không để xuất hiện yếu tố dịch vụ, biến tướng, trục lợi; tuyên truyền để những người tham gia hoạt động lễ hội, sinh hoạt tôn giáo cần nâng cao ý thức, hoàn thiện hành vi của mình như: Mặc trang phục kín đáo khi bước vào cơ sở tôn giáo, di tích; không thắp hương, đốt nến trong chùa tránh gây hỏa hoạn; tránh lạm dụng việc đốt vàng mã; không xem bói, xin quẻ; giữ gìn và phát huy những giá trị tốt đẹp của Phật giáo...

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top