Câu chuyện sau “danh hiệu” di sản

09:58 - Thứ Tư, 08/01/2020 Lượt xem: 7842 In bài viết

Những khái niệm bị hiểu sai trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể dẫn tới những hệ quả không mong muốn. Việc bảo tồn phát huy những di sản văn hóa phi vật thể cần dựa trên những hiểu biết đúng về nguyên tắc.

Dân ca quan họ được UNESCO ghi danh trong Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện cho nhân loại năm 2009.

Phân chia thứ bậc và những đánh giá ngoại lai

Sự hiểu sai lệch về chủ sở hữu cùng với quan điểm và phương pháp “bảo tồn chọn lọc”, tư duy “phân cấp”, “xếp hạng” di sản văn hóa phi vật thể đã dẫn đến sự đánh giá “tầm quan trọng” của một di sản văn hóa phi vật thể theo “cấp” mà nó “được phong”: cấp thế giới (toàn cầu, toàn nhân loại…) được UNESCO “công nhận”, cấp quốc gia - được Bộ Văn hóa… “công nhận”, cấp tỉnh… - được Sở Văn hóa… “công nhận” (!). Việc chia thứ bậc để xác định mức ưu tiên bảo tồn hay phát triển đã dẫn đến hệ lụy “liền kề” là tạo ra cuộc chạy đua danh hiệu, phẩm cấp cho di sản “của” địa phương mình, từ đó có thể “hoành tráng hóa” di sản như một niềm tự hào nặng tâm lý ganh đua - làm sao để có nhiều di sản được “công nhận, cần “nâng cấp” để lễ hội năm nay “hoàng tráng” hơn năm ngoái...(!). Cuộc “chạy đua” này sẽ lại kéo theo những hệ lụy tiêu cực khác, dù vô tình hay hữu ý.

Một khía cạnh khác, nhìn từ phía bên ngoài, không phải là người của cộng đồng thực hành văn hóa, nhưng đánh giá, bình phẩm, thậm chí đòi “sửa” di sản bởi cho rằng chi tiết này, hoạt động kia là “phản cảm”, là “dã man”, là “lạc hậu”… cũng đã gây ra những tranh cãi, xung đột không mong muốn. Tranh cãi về tục “chém lợn” ở lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh), hay những bình phẩm hoặc soi mói quá sâu về “tục hèm” ở một số lễ hội vùng Phú Thọ là những thí dụ. Cũng như vậy, lễ “đâm trâu”, “ăn trâu” một thời bị phê phán vì quan điểm “bảo vệ sức kéo”, nay vẫn bị phê phán vì “dã man”, “phản cảm”… mà không coi con trâu đó, từ trong tâm thức, là “vật thiêng” để bày tỏ sự biết ơn của đồng bào với “giàng”, chứa đựng niềm mong mỏi và hy vọng của cả buôn làng về một vụ mùa mới sung túc, khỏe mạnh…

Việc thực hành những nét văn hóa là của cộng đồng bản địa dựa trên truyền thống. Nếu khách du lịch thấy chưa/không phù hợp với mình thì có thể lựa chọn “không xem”, cũng giống như việc lựa chọn một món để (có thể) ăn trong văn hóa ẩm thực - như người không ăn được cay sẽ không muốn/và không thể thưởng thức những món ăn (ở một vùng nào đó) có nhiều ớt (!) Không ai bên ngoài cộng đồng của di sản có thể dựa vào việc xem xét, tìm hiểu từ bên ngoài mà xác định được một hiện tượng cụ thể nào đó có phải là di sản hay không. Và cần khẳng định lại tinh thần của Công ước 2003: Cộng đồng quyết định những thực hành văn hóa của họ và quyền đó cần được tôn trọng. Tất cả những hoạt động liên quan đến di sản văn hóa phi vật thể đều cần dựa trên những nguyên tắc này. Những sự bình phẩm hoặc can thiệp từ bên ngoài đều trái với tinh thần Công ước 2003 của UNESCO nhấn mạnh vai trò của cộng đồng chủ nhân trong việc “sáng tạo, duy trì và chuyển giao” di sản văn hóa phi vật thể và bởi vậy, cộng đồng cần được tham gia đến mức tối đa trong các hoạt động bảo vệ di sản cũng như trong công tác quản lý (Điều 15).

Những giá trị bị làm sai lệch

Những giá trị độc đáo của các di sản văn hóa phi vật thể cũng là nguồn hấp dẫn mạnh mẽ du khách cả trong và ngoài nước tới địa phương để tìm hiểu, chiêm ngưỡng, thưởng thức, đặc biệt với các di sản sau khi được UNESCO ghi danh (nhã nhạc cũng đình Huế, nghệ thuật bài chòi, dân ca quan họ, cồng chiêng Tây Nguyên… Điều này đã góp phần đáng kể thúc đẩy sự phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Tuy nhiên, sự phát triển đó cũng làm cho những bối cảnh thực hành văn hóa có nhiều biến đổi. Đã có nhiều trường hợp, văn hóa (theo cả nghĩa rộng và những yếu tố cụ thể) bị tách ra khỏi cộng đồng và “được” quyết định những hình thức thực hành bởi các văn bản hành chính trong khi những giá trị làm nên “hồn cốt” của di tích, di sản bị xem nhẹ, thậm chí bị bỏ qua.

Không gian văn hóa cồng chiêng không hề có trong vài tiết mục được tổ chức để các em thiếu niên trình diễn cho khách du lịch. Lớp trẻ chủ yếu học đánh chiêng để phục vụ cho khách du lịch là người Kinh, khách nước ngoài, đánh chiêng khi có đoàn khách yêu cầu chứ không như đánh chiêng trong buôn xưa mỗi khi cùng có việc vui hay buồn - “chỉ thấy ở nhà bố mẹ nói là ngày xưa tổ chức cái gì thì người ta đánh chiêng, chỉ được nghe như vậy thôi chứ không chứng kiến, không hình dung được ngày xưa ra sao”. Và cũng chỉ cần học qua vài bài là có thể phục vụ khách nên việc học thành thục, đầy đủ các bài chiêng, đánh chiêng hay như xưa là rất khó. Kiểu học và đánh chiêng dễ dãi như vậy, vô hình chung, đã loại lớp trẻ ra khỏi những nghi lễ đánh chiêng theo truyền thống của cộng đồng vẫn còn thực hành trong các ngày lễ, trong các đám ma. Đơn giản hóa việc biểu diễn cồng chiêng phục vụ khách du lịch trong các “Câu lạc bộ cồng chiêng” cũng loại bỏ những nghệ nhân, những già làng còn thuộc nhiều bài chiêng ra khỏi việc truyền dạy theo kiểu truyền khẩu. Họ coi việc học cồng chiêng, biểu diễn cồng chiêng trong các câu lạc bộ là của “người khác”, trong khi trước đây họ đánh chiêng là để “thưa” với “giàng”, với tổ tiên, họ đánh chiêng như một niềm tự hào - “ai đánh chiêng hay còn được nhiều cô gái xinh đẹp trong buôn để ý”.

Khi di sản, lễ hội được “công nhận” và “nâng cấp”, tình trạng phổ biến là các hoạt động “lồng ghép” lai tạp cũng “chen chân” vào bên cạnh lễ thức cổ truyền. Việc “sân khấu hoá” gần như đã tách cộng đồng chủ nhân khỏi không gian văn hóa của di sản, thậm chí làm cho họ coi di sản đó không còn là của mình mà là “của Nhà nước. Người ta bịa ra những con số “thiêng” để gán cho những công trình, lao theo phong trào “lập kỷ lục” (nhiều nhất, to nhất, rộng nhất... ) một cách vô nghĩa, vô lý và tốn kém. Những điều này đã xảy ra nhiều và cũng đã gây ra nhiều điều phản cảm, làm mất đi tính “thiêng” của nghi lễ. Chỉ cần nêu vài thí dụ: Những mong muốn bánh chưng, bánh dày khổng lồ đạt “kỷ lục” (!), số người tham gia trình diễn trang phục quan họ đông nhất (?), số người tham gia vòng xòe “đạt kỷ lục Guiness” (?!)… đã làm sai lệch, làm thay đổi bản chất của di sản, lễ - hội cả từ nội dung, ý nghĩa đến phương thức thực hành.

Trở lại những nguyên tắc bảo tồn

Một trong những nguyên tắc bảo tồn căn bản cần được nhấn mạnh là trao cho các cộng đồng quyền trao truyền di sản văn hóa của họ từ thế hệ này sang thế hệ khác. Nói cách khác, các cộng đồng chủ nhân phải có quyền bảo tồn bản sắc văn hóa riêng của họ, đặc biệt là quyền xác định và quyết định họ muốn gì và văn hóa của họ sẽ ra sao. Tất cả những “hướng dẫn”, những “chỉ đạo” theo hướng từ “trên xuống” dù được biện minh là để “hay hơn”, “đẹp hơn”, “văn minh hơn” đều không đúng với tinh thần của UNESCO nhân mạnh khi nói về các Di sản văn hóa phi vật thể. Cách đúng đắn được UNESCO khuyến cáo là nâng cao nhận thức từ cộng đồng và thông qua việc vận động, trao đổi với những người đang thực hành di sản, những thay đổi sẽ được chính các chủ nhân di sản quyết định. Quan điểm này phù hợp với định nghĩa di sản văn hoá phi vật thể của Công ước 2003 (Điều 2), theo đó, chỉ bản thân cộng đồng mới có thể quyết định cái gì là (hoặc không là) một phần trong di sản của họ - không một nhà nghiên cứu, chuyên gia hay cán bộ nào có thể làm thay họ. Điều này bảo đảm tránh được sự “nhận thức giá trị di sản từ phía bên ngoài cộng đồng”.

Khác với các di tích hay các di sản thiên nhiên, các di sản văn hóa phi vật thể luôn “sống”, vận động và biến đổi. Việc đề cao tiếng nói và sự tham gia của cộng đồng chủ nhân những di sản văn hóa phi vật thể sẽ tạo ra môi trường tốt cho thực hành và truyền dạy, nâng cao tính chủ động của cộng đồng trong việc “nuôi dưỡng” những di sản đó. Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa tinh thần chỉ bền vững khi các cơ quan quản lý nhà nước làm đúng chức năng của mình, hỗ trợ cộng đồng và đặc biệt không can thiệp sâu qua cách áp đặt các kịch bản “sân khấu hóa”, đồng thời vai trò của cộng đồng được đề cao thông qua việc được quyền tổ chức và tham gia một cách tích cực những thực hành văn hóa của mình. Nhưng trước hết cần nâng cao nhận thức về những điều này của các cán bộ quản lý văn hóa và những thành viên cộng đồng đối với di sản của chính họ.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top