Bảo tồn, phát huy giá trị Lễ “Gạ Ma Thú” của người Hà Nhì

09:05 - Thứ Năm, 09/01/2020 Lượt xem: 9067 In bài viết

ĐBP - Lễ Gạ Ma Thú (còn gọi là lễ Cúng bản) của người Hà Nhì ở Sín Thầu (huyện Mường Nhé) được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia từ đầu năm 2019. Tuy nhiên, với xu thế hội nhập, giao thoa văn hóa, việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ “Gạ Ma Thú” đang trở thành thách thức không nhỏ.

Phụ nữ Hà Nhì chuẩn bị đồ cúng trong Lễ “Gạ Ma Thú”.

Lễ “Gạ Ma Thú” thường được tổ chức vào tháng 2 Âm lịch hàng năm; là nét đẹp văn hóa đặc trưng của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc, được xem là món ăn tinh thần quý báu có giá trị lịch sử, văn hóa và lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó bản mường và có tính cộng đồng cao. Ðặc biệt, Lễ “Gạ Ma Thú” còn phản ánh nhiều mặt của đời sống tâm linh, giá trị văn hóa, sự phát triển của người Hà Nhì hướng về cội nguồn; trân trọng và biết ơn cha ông đi trước đã có công khai phá, xây bản lập mường và cầu mong một năm mới mưa thuận gió hòa, thóc ngô đầy bồ, dân bản mạnh khỏe, vạn vật sinh sôi, nảy nở, làm ăn tấn tới.

Từng được dự buổi phục dựng lễ “Gạ Ma Thú” do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với UBND huyện Mường Nhé tổ chức tại Sín Thầu - mảnh đất được coi là “thủ phủ” của người Hà Nhì nơi cực Tây Tổ quốc năm 2019, chúng tôi khá ấn tượng. Lễ được tổ chức trong 3 ngày, với 2 phần chính là lễ và hội. Phần cúng trong rừng được thực hiện bởi một thầy cúng và những thanh niên khỏe mạnh. Họ mặc trang phục truyền thống dân tộc Hà Nhì, mang nhiều lễ vật như: Thủ lợn, gà, cơm nếp, rượu... vào rừng, chọn địa điểm đẹp, bằng phẳng để bày mâm cúng. Thầy cúng rót rượu, thắp hương, cúng lạy mời gọi tổ tiên, thần linh về chứng kiến lễ cúng, sau đó đọc lời cúng bằng tiếng Hà Nhì. Phần hội diễn ra những trò chơi truyền thống của dân tộc Hà Nhì như: Ðánh đu, ném còn, đánh cù... Trong những ngày này, người Hà Nhì sẽ dừng hết các hoạt động lao động, sản xuất trên nương rẫy để vui chơi, tụ hội với nhau; đặc biệt không gây mất đoàn kết, không ăn thịt thú rừng, không bắt hoặc mang vào bản các con vật sống trong hang, trong lòng đất để tránh rủi ro cho dân bản.

Già làng Lỳ Xuyến Phù, bản A Pa Chải chia sẻ: “Vậy là sau những nỗ lực gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa lâu đời, quý báu của cha ông truyền lại, cộng đồng người Hà Nhì rất tự hào khi Lễ “Gạ Ma Thú” được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðặc biệt, để không bị mai một bản sắc di sản; phát huy hiệu quả những giá trị văn hóa, không chỉ là Lễ “Gạ Ma Thú” mà còn nhiều nét đẹp khác, chúng tôi sẽ tiếp tục giáo dục con cháu, để thế hệ trẻ người Hà Nhì luôn có ý thức, trách nhiệm với cội nguồn, văn hóa dân tộc mình”.

Việc bảo tồn, phát huy Lễ “Gạ Ma Thú” trước nguy cơ bị mai một, đồng hóa giờ đây không còn là tâm nguyện của riêng các bậc cao niên, các nghệ nhân người Hà Nhì mà còn là trách nhiệm chung của cả cộng đồng. Ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé chia sẻ: Lễ “Gạ Ma Thú” là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đầu tiên được công nhận trên địa bàn Mường Nhé. Bởi thế, cùng với sự vui mừng, phấn khởi sau khi được công nhận thì Phòng tiếp tục quan tâm, định hướng cho nhân dân duy trì và phát huy những giá trị văn hóa. Ðặc biệt “truyền lửa” cho thế hệ trẻ thêm yêu và có trách nhiệm bảo tồn những nét đẹp văn hóa dân tộc mình.

Tuy nhiên, theo ông Vũ Tiến Hưng, hiện nay việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể người Hà Nhì trên địa bàn huyện Mường Nhé cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Ðặc biệt là khi các nghệ nhân người Hà Nhì đã lớn tuổi, không đảm bảo sức khỏe cũng như sự minh mẫn để truyền thụ những giá trị văn hóa cho thế hệ sau. Hơn nữa, kinh phí hỗ trợ đầu tư cho việc gìn giữ, bảo tồn, phát huy hiện nay cũng đang rất hạn hẹp. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của người Hà Nhì (trang phục, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán...) đang bị pha tạp và đứng trước nguy cơ mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian bị thất truyền...

Ðể thực hiện tốt hơn việc gìn giữ, phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, đặc biệt là Lễ “Gạ Ma Thú”, huyện Mường Nhé đề ra nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho nhân dân; giúp họ hiểu, tự hào và trân trọng hơn những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp. Huyện đặc biệt coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Ðặc biệt là khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, diễn xướng dân gian... Ðồng thời, huyện tiếp tục đề nghị tỉnh hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng và có chính sách hỗ trợ để khuyến khích những nghệ nhân phát huy và tham gia cùng với cấp ủy chính quyền giữ gìn, bảo tồn; góp phần truyền thụ nét đẹp văn hóa truyền thống, giá trị các di sản cho thế hệ trẻ trong thời kỳ hội nhập.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top