Bảo tồn văn hóa truyền thống

“Bài toán” khó đang cần lời giải

09:08 - Thứ Năm, 09/01/2020 Lượt xem: 9229 In bài viết

ĐBP - Trong xu thế phát triển và hội nhập diễn ra mạnh mẽ của toàn xã hội thì vấn đề bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống là một thách thức lớn đang đặt ra đối với mỗi địa phương. Ðặc biệt, Ðiện Biên là tỉnh có tiềm năng về du lịch, trong đó nền văn hóa phong phú được coi là một thế mạnh nổi bật. Vì vậy, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa càng trở nên cấp bách nhằm giảm, tránh việc các giá trị truyền thống bị mai một, xâm lấn…

Một nghi thức trong Lễ Tủ Cải của dân tộc Dao ở xã Huổi Só (huyện Tủa Chùa). Ðây là nghi lễ truyền thống vẫn đang được bảo tồn.

Những năm gần đây, Ðiện Biên đạt nhiều thành tựu quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên một sự đổi thay mạnh mẽ về mọi mặt, từ thành thị đến nông thôn. Ði cùng với sự phát triển đó là sự cạnh tranh giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại. Ðô thị hóa nhanh chóng cũng là một trong những nguyên nhân chính tạo nên thách thức trong bảo tồn các giá trị truyền thống. Sự giao thoa giữa các nền văn hóa thông qua du lịch, các phương tiện thông tin đại chúng và các thiết bị công nghệ hiện đại một cách thiếu định hướng đã làm thay đổi các giá trị truyền thống. Bên cạnh đó, cùng sự phát triển về kinh tế - xã hội thì cũng luôn xuất hiện các mâu thuẫn giữa việc bảo tồn các giá trị truyền thống và tiếp thu các yếu tố hiện đại. Các công trình kiến trúc bằng bê tông và các vật liệu công nghiệp đang ồ ạt thay thế các vật liệu thân thiện với tự nhiên hay việc triển khai xây dựng nông thôn mới ở nhiều nơi chưa được định hướng một cách toàn diện dẫn đến không gian văn hóa làng bản bị phá vỡ một cách nhanh chóng.

Từ các yếu tố đó đã dẫn đến một thực trạng là phát triển nhưng không chọn lọc, thiếu định hướng và mất kiểm soát trong việc duy trì các giá trị truyền thống. Trong đó có những giá trị không thể khôi phục hoặc khôi phục rất khó khăn, đặc biệt là các yếu tố văn hóa phi vật thể. Ðơn cử như: Các phiên chợ vùng cao là nơi thể hiện một cách toàn diện nhất về đặc trưng văn hóa địa phương, vùng miền. Thế nhưng hiện nay các yếu tố đó đã cơ bản bị thay thế bằng sự hiện đại, công nghiệp và tiện dụng. Hay ở các địa phương trong tỉnh hiện nay rất khó để tìm được một bản làng có không gian, kiến trúc, văn hóa mang đặc trưng của một dân tộc vì hầu hết đã bị pha tạp…

Xác định bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, những năm qua tỉnh Ðiện Biên đã triển khai nhiều chương trình, hành động cụ thể. Trong đó có Chương trình Bảo tồn và Phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Tuy nhiên, đến nay chương trình chỉ đạt được kết quả khiêm tốn trên một số phương diện nhất định.

Ông Ðào Duy Trình, Trưởng phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết: Việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa là nhiệm vụ khó khăn trong giai đoạn hiện nay, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội; trong đó ngành Văn hóa đóng vai trò chủ đạo. Qua triển khai Kết luận số 01-KL/TU ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 20/12/2012 của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh (khóa XII) về Chương trình Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, có thể thấy: Ngoài kết quả đạt được thì còn một số yếu tố rất khó thực hiện, trong đó chủ yếu xuất phát từ nguyên nhân khách quan và việc giải quyết các vấn đề mâu thuẫn giữa “phát triển” và “bảo tồn”. Ðơn cử như, việc vận động người dân làm nhà sàn, nhà gỗ truyền thống thay vì làm nhà bê tông cốt thép là một “bài toán” chưa có lời giải. Bởi vì hiện nay làm ngôi nhà sàn cần có diện tích đất rộng, mặt khác giá trị một ngôi nhà sàn có thể còn đắt hơn làm một ngôi nhà xây kiên cố. Hơn nữa, hiện nay đang thực hiện Lệnh đóng cửa rừng của Thủ tướng Chính phủ nên nguyên liệu gỗ ngày càng trở nên khan hiếm. Bên cạnh đó, sự thay đổi về tín ngưỡng, tôn giáo của một số đồng bào cũng kéo theo sự thay đổi về văn hóa. Chẳng hạn như, ở những vùng có đồng bào theo đạo thì họ sẽ không còn múa hát hay thực hiện các nghi lễ truyền thống như trước nữa…

Bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống trong sự phát triển hiện nay vẫn đang là thách thức, không chỉ với ngành Văn hóa. Ngoài những kết quả đã đạt được, như: Phục dựng, duy trì một số lễ hội, phong tục tập quán, trùng tu tôn tạo di tích... thì việc kiểm kê, đánh giá lập hồ sơ di sản hay phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hỗ trợ phát triển nghề truyền thống… mới chỉ là một phần trong vô số việc cần làm. Kết quả của việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống không chỉ thể hiện ở những đầu mục, những con số trong báo cáo mà nó phải thấy được, phải cảm nhận được từ thực tế cuộc sống hàng ngày.

Muốn đạt được hiệu quả trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống thì bên cạnh các chương trình, dự án của Nhà nước, cần phải có sự đồng thuận của các chủ thể văn hóa. Ðể làm được điều đó cần có sự nhìn nhận một cách toàn diện, nghiêm túc và vào cuộc đồng bộ của các cấp, ngành và toàn xã hội. Hơn ai hết, mỗi cán bộ từ tỉnh đến cơ sở phải là một tấm gương trong việc trân trọng các giá trị văn hóa truyền thống, đặc biệt cán bộ là người thuộc dân tộc có nền văn hóa đặc trưng. Ðó chính là cách truyền cảm hứng tốt nhất để mỗi người dân thêm trân trọng các giá trị truyền thống của dân tộc mình. Có như vậy, việc bảo tồn mới thực sự đem lại hiệu quả và bền vững.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top