Ðón Tết cùng người Khơ Mú

10:26 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 9890 In bài viết

ĐBP - Dân tộc Khơ Mú tại huyện Tuần Giáo có gần 3.000 người, chiếm 3% dân số, phân bố chủ yếu tại các xã Mường Mùn, Mùn Chung và Quài Tở. Do xã hội phát triển, đời sống người dân được nâng lên nên hiện nay, các nét văn hóa của người Khơ Mú đã có nhiều đổi mới nhưng một số phong tục trong ngày tết cổ truyền của họ vẫn được duy trì.

Phụ nữ Khơ Mú chuẩn bị trang phục truyền thống để đón tết.

Người Khơ Mú đón tết cổ truyền chung với tết Nguyên đán của cả nước. Tết được xem như ngày hội lớn nhất trong năm, bởi đây là dịp để cả gia đình đoàn tụ, chung vui và cùng chào đón năm mới với nhiều ước vọng mới. Tùy vào điều kiện kinh tế nhưng người Khơ Mú thường chuẩn bị những thứ tốt nhất, ngon nhất mà mình làm được trong năm để dâng lên ông bà tổ tiên.

Trong đó, bánh chưng gù là món không thể thiếu trong ngày tết của người Khơ Mú. Trước Tết nhiều ngày, người Khơ Mú đã vào rừng chọn những tàu lá dong to, đẹp, những hạt gạo nếp căng tròn để bảo đảm ngày tết có những chiếc bánh vừa đẹp, vừa thơm ngon đặt lên bàn thờ cúng tổ tiên và các vị thần. Một số hộ dân cầu kỳ hơn còn làm cốm từ trong năm để dành đồ xôi cốm thắp hương trong những ngày tết. Mâm cỗ cúng tổ tiên đêm giao thừa được chuẩn bị kỹ lưỡng với đầy đủ các món ăn truyền thống: Bánh chưng, xôi, thịt gà, thịt lợn... Khi chuẩn bị xong, chủ nhà khấn và báo cáo kết quả lao động, sản xuất một năm qua với tổ tiên, tạ ơn tổ tiên các vị thần... và mời về nhận lễ vật, phù hộ cho gia đình năm mới mạnh khỏe, mọi sự tốt lành. Ðiều quan trọng không thể thiếu nữa là người Khơ Mú còn chuẩn bị một mâm cúng khác, gồm: Bánh chưng gù, 2 chén rượu, bánh kẹo… bày trên lá hoặc ở miếu nhỏ ngoài cổng nhà. Họ quan niệm rằng, mâm cỗ đó là để cho những hồn ma không nơi nương tựa, những hồn ma ở nơi xa đi cùng tổ tiên mình về nhưng không vào được nhà có thể cùng được đón tết. Sau khi cúng trên bàn thờ tổ tiên, người Khơ Mú mang hương đi cắm xung quanh nhà, vào bếp, chuồng trại gia súc, vườn rau… để mong một năm mới may mắn, làm ăn phát đạt. 

Trước đây, người Khơ Mú đón tết từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 3 nhưng nay điều kiện kinh tế được nâng lên, họ có thể vui xuân lâu hơn, thậm chí là qua rằm tháng Giêng. Trong những ngày tết, người Khơ Mú khoác lên mình trang phục truyền thống, tới nhà anh, em, họ hàng cùng ăn cơm, uống rượu, chúc tụng nhau năm mới. Ðiều đặc biệt trong cộng đồng người Khơ Mú, già làng, trưởng họ trong bản phải là người làm lễ cúng, mời mọi người tới ăn tết đầu tiên, sau đó mới đến lượt các hộ dân khác trong bản. Ví dụ như trưởng họ mổ lợn ăn tết vào ngày mùng 1 thì phải ngày mùng 2 các hộ khác mới được cúng tết. Một điều thú vị nữa là trước đây, trong những ngày tết, người Khơ Mú thường kiêng ăn rau, vì cho rằng, sẽ làm cỏ mọc nhiều trên nương, lúa không tốt và năm đó sẽ mất mùa. Tuy nhiên, tục lệ này ngày nay chỉ còn ít hộ duy trì. Sau khi đã ngà say men rượu, cũng là lúc phong trào văn nghệ được đẩy lên cao. Người Khơ Mú rất yêu văn nghệ, nhất là vào ngày tết. Họ sẽ dành tặng cho nhau những bài hát mang ý nghĩa chúc mừng năm mới, cầu cho mọi người có sức khỏe, làm ăn thuận lợi, nhiều thóc, lúa, nhiều trâu bò…

Những phong tục trong ngày tết của người Khơ Mú thể hiện tấm lòng hiếu kính đối với tổ tiên, niềm vui ngày đoàn viên của cả gia đình, với ước mong về một cuộc sống đủ đầy. Không chỉ vậy, những phong tục đó còn thể hiện tính cộng đồng sâu sắc với nhiều nét đẹp văn hóa còn được lưu truyền cho thế hệ sau.

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top