Vui Tết Khù Sự Chà

10:29 - Thứ Hai, 13/01/2020 Lượt xem: 8667 In bài viết

ĐBP - Vào mỗi độ tháng 12 dương lịch hàng năm, khi cái rét ngọt của miền biên viễn đang phủ kín khắp bản làng; dãy núi Khoan La San hùng vĩ (thuộc địa phận xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) - nơi phân chia ranh giới giữa ba quốc gia: Việt Nam - Lào - Trung Quốc khoác lên mình dải mây trắng xóa, cũng là lúc bà con người Hà Nhì nơi đây lại tưng bừng tổ chức Tết Cổ truyền dân tộc (Khù Sự Chà). Ðây là lễ tết lớn, quan trọng nhất đối với đồng bào dân tộc Hà Nhì. Chính vì thế, đã thành cái hẹn với vùng cao, năm nay nhóm phóng viên chúng tôi lại ngược ngàn hàng trăm cây số, đến chân núi Khoan La San để ăn Tết với bà con Hà Nhì.

Phụ nữ Hà Nhì mặc trang phục truyền thống trong ngày Tết Khù Sự Chà.

Người Hà Nhì tổ chức Tết Cổ truyền vào ngày Thìn trong tháng 12 và ăn tết trong vòng 3 ngày. Trước ngày diễn ra Tết Cổ truyền một hôm, chúng tôi đã thấy bản Tả Kố Khừ đông vui hơn hẳn ngày thường, bởi các con, cháu người dân tộc Hà Nhì đi công tác, làm ăn khắp nơi đã quần tụ về bản chuẩn bị đón tết với gia đình.

Ðón tiếp chúng tôi trong ngôi nhà gỗ truyền thống, anh Sùng Sinh Hừ vui mừng cho biết: “Ðối với người Hà Nhì chúng tôi, Tết Cổ truyền Khù Sự Chà là lễ tết lớn nhất trong năm. Vì thế, nhà nào cũng tổ chức rất chu đáo, hoành tráng, với sự có mặt đông đủ của các con, cháu và anh em họ hàng trong gia đình. Tết này, được đón thêm khách từ thành phố về ăn tết, chúng tôi càng thêm phấn khởi”.

Năm nay, do mùa màng bội thu nên gia đình anh Sùng Sinh Hừ mổ 2 con lợn to và làm nhiều bánh giày, xôi nếp để đón tết. Sáng ngày đầu tiên diễn ra Tết Cổ truyền, chúng tôi thức dậy từ tờ mờ sáng, đã thấy những người thân trong gia đình anh Hừ tất bật chuẩn bị cỗ tết. Ðàn ông thì mổ lợn làm nhiều món ăn, phụ nữ thì đồ xôi, giã bánh giày, làm bánh trôi; trẻ con ríu rít nô đùa, chạy nhảy và hát vang những bài hát cổ truyền dân tộc... khiến không khí trong gia đình anh Hừ càng thêm đông vui và náo nhiệt.

Khi các món ăn trong mâm cỗ đã hoàn thành, ông Sùng Phì Sinh, bố của anh Hừ, là người lớn tuổi nhất trong gia đình đặt mâm cỗ lên bàn thờ tổ tiên để khấn lạy mời tổ tiên về chứng kiến lễ tết của gia đình. Sau khi cúng xong, ông Sinh đem gan lợn vừa cúng ra xem bói. “Người Hà Nhì chúng tôi quan niệm, nếu gan lợn lành lặn, có màu sắc tươi thì đó là điều tốt đẹp và mật lợn căng đầy thì sang năm chăn nuôi phát triển, anh em, con cháu vui thuận, đoàn kết” - ông Sùng Phì Sinh chia sẻ. 

Phụ nữ Hà Nhì làm bánh giày ăn Tết Khù Sự Chà.

Khi gia chủ làm lý xong, cũng là lúc cả gia đình bày các mâm cỗ thịnh soạn để mời khách. Mâm cỗ tết của người Hà Nhì có những món ăn truyền thống, như: Xôi nếp, lòng dồi, tiết canh, rau sống, bánh trôi, bánh giày... Ðặc biệt, có nước chấm mắc có, làm từ quả mắc có do người Hà Nhì lặn lội vào rừng tìm hái về. Khi khách đã đến đông đủ, mọi người cùng sum vầy bên mâm cơm, mời nhau những ly rượu thơm. Trong men say tình, say nghĩa, họ chúc nhau một năm mới tốt lành, may mắn, làm ăn thuận lợi, mùa màng tươi tốt, bội thu…

Buổi tối ngày đầu diễn ra Tết Cổ truyền, UBND xã Sín Thầu cũng tổ chức Chương trình văn nghệ cộng đồng khá tưng bừng.

Khi tiếng chiêng, tiếng trống vang lên, các chàng trai, cô gái người Hà Nhì cất tiếng hát, điệu múa dân tộc trong sự hò reo, vỗ tay hưởng ứng nhiệt tình của bà con. Người Hà Nhì có các điệu múa truyền thống đặc biệt, uyển chuyển và độc đáo, kết hợp với các vật dụng lao động hàng ngày, khiến chúng tôi xem mãi không thấy chán, thậm chí cứ muốn đưa mình theo nhịp bài múa của họ. Rồi khi đống lửa lớn giữa sân được đốt sáng rực, bà con và du khách cùng nắm tay nhau chung vui điệu xòe dân tộc Hà Nhì, vừa hát vừa hò reo vang cả góc trời. Từ già trẻ, trai gái trong bản và khách mời đều hòa chung trong nhịp xòe tưng bừng, để quên đi những nhọc nhằn, lo âu và bắt đầu một năm mới tràn đầy sức sống.

Tạm biệt bà con dân tộc Hà Nhì dưới chân núi Khoan La San sau 3 ngày tết vui vẻ, phấn khởi, chúng tôi vẫn còn lưu luyến trong cái bắt tay bịn rịn, ánh mắt trìu mến của bà con. Ðược biết, nhiều năm nay, dù cuộc sống có thay đổi, phát triển thế nào, người Hà Nhì vẫn tổ chức đầy đủ, vẹn nguyên các lễ tết truyền thống. Ðó không chỉ là phong tục cổ truyền của người Hà Nhì Ðiện Biên mà còn là nét đẹp văn hóa trong cộng đồng các dân tộc thiểu số Tây Bắc.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top