Tản văn

Chiều 30 Tết

09:58 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 9956 In bài viết

ĐBP - Chiều 30 tháng Chạp là chiều bình yên nhất trong năm. Mọi tất bật chuẩn bị Tết đã gác lại. Bánh chưng xanh vuông vắn, mâm ngũ quả tròn đầy trên bàn thờ tổ tiên, chân giò luộc, cây giò lụa treo lủng lẳng gác bếp, cành đào ấp ôm những nụ hoa chúm chím, nín thở chờ giao thừa là bung nở kiêu kì, mùi hương trầm quện lẫn hương hoa cúc, hoa lay ơn, hoa thược dược, tỏa ấm cả căn nhà, ríu ran khúc nhạc xuân từ hàng xóm vọng qua…

Chiều 30 tháng Chạp là khoảng lặng để mỗi người tự điểm danh những buồn vui năm cũ. Có lúc tự thấy mình khờ dại sao lại buồn đến thế chỉ vì một chuyện chẳng đâu vào đâu, sao lại nặng lòng đến thế vì một người không đáng. Có tiếc nuối như một khoảng trống chẳng thể nào lấp đầy để rồi mỗi khi nhớ lại khẽ run rẩy như ngọn cỏ trước gió đông. Thế nhưng ta bằng lòng tha thứ cho người, tha thứ cho chính ta trước những nông nổi, lỗi lầm của chuỗi ngày ngược xuôi bụi bặm. Lòng nhẹ bẫng như không còn mắc nợ điều gì.

Chiều 30 Tết được ướp bởi hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ những nồi nước lá mùi già. Chẳng biết tục tắm nước lá mùi vào ngày tất niên có tự bao giờ nhưng hương mùi vẫn cứ cần mẫn phả thơm bao nhiêu cuộc đời như thế.

30 Tết mới chính thức là ngày bố mẹ tạm gác lại việc đồng áng, vườn tược. Cái cuốc, cái liềm được đem ra cầu ao rửa sạch sẽ. Mẹ bảo suốt một năm qua, chúng nó đã làm bạn với bùn đất, nắng mưa nên cũng cần tắm táp ăn Tết với mình. Mẹ là thế đấy, thương từng vật dụng trong nhà như thể chúng có thể cất tiếng, có thể vui buồn cười khóc.

Chiều 30 tháng Chạp, người lớn quây quần trên chiếc chõng tre dưới giàn hoa thiên lý, nhâm nhi cốc trà nóng với dăm ba câu chuyện tầm phào. Lũ trẻ con cũng không nô đùa, hò hét như mọi ngày nữa mà túm tụm một góc thì thầm nhỏ to. Mới hôm qua còn cãi nhau òm tỏi, nay đã chia nhau từng chiếc bánh, cái kẹo. Tết kì diệu thế đấy.

Chiều 30, chuyến xe cuối cùng rời bến đưa những người con xa xứ cuối cùng về với gia đình. Những bước chân hối hả như bật lên thanh âm của niềm háo hức, của mong chờ, của đoàn tụ. Dù xe có chật chội, đông đúc đến mấy cũng chẳng thấy một nét mặt khó chịu, một câu chửi thề nào cả. Những gương mặt người xa lạ nhưng trong lòng thấy thân quen đến lạ. Họ trao nhau nụ cười như lời chúc mừng năm mới đang cận kề.

Bữa cơm tất niên đầy ắp hương vị, béo ngậy của bánh chưng, gà luộc, bánh đa nem, đậm đà của thịt kho, chua cay ngai ngái của hành muối và ngọt ngào vị của đoàn viên. Bên mâm cơm, mẹ vừa lặng lẽ gắp thức ăn cho mấy đứa con vừa luôn miệng giục: “Mấy đứa ăn nhiều đi! Ngày thường không có mà ăn đâu”. Còn bố thì nhấp ly rượu cái “khà” rồi kể chuyện Tết nhà đông con, Tết thời chiến tranh…

Hơn 10 năm nay, gia đình tôi chưa có cái Tết nào trọn vẹn hai chữ đoàn tụ. Bởi lẽ, chị gái tôi lấy chồng xa, đã hơn chục cái Tết xa nhà. Cuộc điện thoại chiều 30 Tết, chị rơm rớm nước mắt. Mẹ mắng: “Tết nhất khóc cái gì mà khóc”. Thế mà cúp máy, mẹ lẳng lặng quay đi giấu giọt nước mắt rịn ra từ những nếp nhăn xô vào nhau như sóng. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu năm qua tôi chưa một lần xa bố mẹ ngày Tết. Có đi xa mấy rồi cũng về, để cùng bố mẹ bước qua những ngày sum họp, sưởi ấm Tết quê.

Đào Mạnh Long
Bình luận
Back To Top