Giá trị hòa bình trong các thông điệp năm mới

10:16 - Thứ Tư, 15/01/2020 Lượt xem: 7940 In bài viết

ĐBP - Thế giới vừa bước sang năm 2020 cùng với nhiều thông điệp của các nhà lãnh đạo thế giới. Ðó có thể là hy vọng về một năm “mưa thuận gió hòa”, “thuận buồm xuôi gió” hay sự tin tưởng vào thế hệ tương lai… Ðiểm chung của những thông điệp trên chính là mong muốn thế giới hòa bình, ổn định và phát triển.

Dân địa phương ôm bóng bay đứng trên cây cầu trước nhà thờ Lausanne tại thành phố Lausanne, Thụy Sĩ, đón năm mới 2020. Ảnh: Jean-Christophe Bott/AP.

Trong thông điệp năm mới đăng trên mạng xã hội Twitter, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, thế giới đang bước sang năm 2020 với “sự không chắc chắn và không an toàn” bủa vây. Ðiều này có thể thấy rõ khi báo chí quốc tế điểm lại những sự kiện nổi bật của năm 2019, nhưng hàm ý nhắc tới những thách thức mà thế giới phải đối mặt trong năm 2020. Ðó là cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung ngày càng gay gắt, Trung Ðông căng thẳng do Mỹ đảo chiều chính sách, làn sóng biểu tình gây bất ổn chính trị và rối loạn xã hội ở nhiều nước…

Do vậy, trong thông điệp năm mới, Nhật hoàng Naruhito “hy vọng 2020 sẽ là một năm hòa bình, an lành, không xảy ra bất kỳ thảm họa thiên tai nào”. Trong khi đó, Thủ tướng Abe Shinzo đặt mục tiêu tạo ra một hệ thống an sinh xã hội có thể giúp mọi người dân “sống mà không phải lo lắng”. Thủ tướng Ấn Ðộ Narendra Modi lại hy vọng năm 2020 sẽ là năm người dân tiếp tục nỗ lực làm thay đổi đất nước.

Thông điệp năm mới của các nhà lãnh đạo châu Âu hướng tới những ưu tiên cho chương trình hành động của chính phủ, ví dụ như Thủ tướng Anh Boris Johnson tập trung cho nhiệm vụ đưa Anh rời Liên minh châu Âu (EU) vào ngày 31/1/2020, còn Tổng thống Pháp E.Macron kêu gọi đoàn kết quốc gia, xây dựng một mô hình sinh thái mới. Về phần mình, Tổng thống Italy Sergio Mattarella cho rằng, sau một năm trải qua nhiều khó khăn và rạn nứt, đất nước hình chiếc ủng cần tự tin hơn và tăng cường gắn kết xã hội hơn. “Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy sự kiện, rất năng động và gây tranh cãi, nhưng chúng ta phải làm mọi cách để bảo đảm rằng đất nước phát triển thành công. Chỉ khi chung tay, chúng ta mới giải quyết được mọi vấn đề phía trước vì đất nước, vì xã hội của chúng ta. Tình đoàn kết là nền tảng để đạt những mục tiêu cao nhất”, Tổng thống Nga V.Putin đã truyền tải thông điệp vô cùng ý nghĩa trên trước thềm năm mới 2020.

Dù thông điệp của nguyên thủ mỗi nước khác nhau nhưng đều toát lên mong muốn chung, đó là đất nước được hòa bình, ổn định và phát triển. Có lẽ, những quốc gia đã và đang phải trải qua chiến tranh hiểu rõ nhất giá trị của hòa bình. Một cuộc chiến ở Syria kéo dài hơn 8 năm qua đã khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng, đẩy hàng triệu người phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn và tạo ra một cuộc khủng hoảng di cư chưa từng có ở châu Âu. Ðất nước Iraq vẫn chưa hồi phục sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ hai thì ngay trong đầu năm mới 2020 lại có nguy cơ trở thành nơi đối đầu giữa Mỹ và Iran. Chưa cần phán xét bên nào đúng - sai, nhưng một cuộc xung đột mới nảy sinh chắc chắn khiến người dân Iraq bị tổn thương, quốc gia Trung Ðông này rơi vào bất ổn và hòa bình sẽ xa vời nếu như các bên liên quan không có những giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.

Là một trong 6 cơ quan chính của Liên hợp quốc, Hội đồng Bảo an có trách nhiệm chính đối với việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế. Trong bối cảnh thế giới đang diễn biến phức tạp, khó lường, duy trì hòa bình và an ninh quốc tế thông qua việc thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc là trách nhiệm và nghĩa vụ của mỗi quốc gia thành viên Liên hợp quốc. Ðây cũng là nội dung phiên thảo luận mở dự kiến diễn ra vào ngày 9/1 tới tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Với vai trò là Chủ tịch luân phiên trong tháng đầu tiên của năm 2020, Việt Nam khẳng định sẽ nỗ lực hết sức nhằm bảo đảm việc tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và thúc đẩy chủ nghĩa đa phương. Ðó cũng là cách để Việt Nam đóng góp vào công việc của Hội đồng Bảo an, góp phần duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới cũng như bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XII của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Mai Ngọc (biên soạn)

Bình luận
Back To Top