Câu chuyện cuộc sống

Sự tích “Bát cơm Phiếu Mẫu”

10:57 - Thứ Năm, 16/01/2020 Lượt xem: 12184 In bài viết

Theo Sử ký Tư Mã Thiên và Dịch Trung Thiên, thời nhà Tần (thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên) có cậu bé tên là Hàn Tín mồ côi cả cha lẫn mẹ nên tuổi thơ cơ cực, kiếm sống bằng việc câu cá ở sông Hoài. Mùa đông rét mướt cá không cắn câu nên Tín không câu được cá, đói triền miên có khi cả tuần chả được miếng cơm nào. Tuy vậy, Hàn Tín lại mê đèn sách, nghiên cứu binh thư nên thường đeo kiếm như con nhà võ. Một hôm có kẻ bán thịt ngoài chợ tên là Ác Thiểu đón đường làm nhục, nói rằng: “Thằng câu cá quanh năm nghèo đói mà còn đeo gươm, có dám chém ta không, nếu không hãy chui qua háng ta thì ta tha cho”. Hàn Tín không do dự, thản nhiên khom lưng cúi mình chui qua háng Ác Thiểu trong sự cười chê, khinh bỉ của mọi người.

Xóm chợ có bà già tên là Phiếu Mẫu kiếm ăn bằng nghề giặt đồ thuê, cũng thiếu trước hụt sau nhưng thương tình cậu bé Hàn Tín đói khát nên thường chia cơm cho Hàn Tín ăn cùng. Những lần Hàn Tín ngượng không dám đến chỗ bà thì bà già đôn hậu thương người cùng khổ hàng ngày vẫn đặt cơm trước cái lều của Tín. Người trong xóm chợ biết chuyện thường gọi đó là “Bát cơm Phiếu Mẫu”.

Mãi sau này, Hàn Tín phò tá Lưu Bang, lập nên cơ nghiệp thống nhất thiên hạ. Ông được phong tước hầu, sau được về quê cũ cai trị, được phong làm Sở Vương (vua nước Sở). Khi về quê, ngay lập tức ông cho người đi tìm bà Phiếu Mẫu và tên bán thịt Ác Thiểu, cả hai đến đều phủ phục không dám ngẩng mặt lên nhìn Hàn Tín. Hàn Tín sai người lấy một ngàn lạng vàng thưởng cho bà Phiếu Mẫu để đền ơn ngày xưa bà đã cưu mang mình thuở đói khát cơ hàn.

Còn tên bán thịt Ác Thiểu thì kinh hãi lo sợ rằng lúc trước ngu đần không biết nên đã xúc phạm Vương Sở, tội ấy chỉ xin được tha chết là may. Nhưng Hàn Tín cười cái cười cao thượng, bảo rằng: “Ta chẳng phải là kẻ tiểu nhân hay cố chấp, đem lòng thù hận. Hành động đối xử tàn tệ và vô đạo đức của nhà ngươi ngày xưa, tuy có vẻ quá đáng nhưng ta không chấp và coi đó cũng là một bài học nuôi chí tiến thân cho ta. Vậy nhà ngươi đừng tị hiềm mà hãy nhận lấy chức ta ban”. Nói rồi Hàn Tín ban cho Ác Thiểu một chức quan nhỏ. Ác Thiểu sợ vã mồ hôi, lạy tạ Hàn Tín đã không chấp điều thô lỗ của mình ngày trước.

Việc Hàn Tín sai người lấy một ngàn lạng vàng đền đáp công ơn bà Phiếu Mẫu vì xưa kia thỉnh thoảng bà cho mình ăn cơm, nên trong dân gian mới có câu thành ngữ rằng: “Nhất phạn thiên kim” (Một bát cơm ngàn lạng vàng). Ðặc biệt, bà Phiếu Mẫu cũng chỉ là người kiếm sống bằng nghề giặt đồ thuê chứ có giàu sang gì đâu. Thế mới hay, nhận của người một chút ân huệ dù ít ỏi như “giọt nước” nhưng báo đáp người lại tràn đầy như “dòng suối tuôn trào”.

Dù khi đã quyền cao chức trọng, vinh hiển giàu sang, làm vua của một nước nhưng Hàn Tín vẫn không quên ân tình của người xưa, thật đúng là bản chất của một đại nhân, kẻ sĩ trong thiên hạ. Lẽ thường lấy ân báo ân, lấy oán trả oán, nhưng với kẻ đã làm nhục mình như tên bán thịt Ác Thiểu mà Hàn Tín không chỉ bỏ qua mà còn phong chức, cho hắn được hưởng bổng lộc triều đình (tương ứng với chức quan), thì đấy đúng là bản chất, là lối hành xử của người quân tử, của đấng trượng phu.

Các sử gia đời sau cho rằng: Hàn Tín có phẩm chất của một trang đại dũng trong thiên hạ; khi gặp nguy không phẫn uất làm càn, bị ức hiếp mà không kinh hãi, ứng biến tùy thời, không cố chấp nhỏ nhen, nhìn xa trông rộng chờ thời cơ để mưu cầu việc lớn...

T.K (biên soạn)
Bình luận
Back To Top