Trò chơi dân gian gắn kết cộng đồng

09:03 - Thứ Năm, 06/02/2020 Lượt xem: 10622 In bài viết

ĐBP - Ðể bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, gắn kết cộng đồng tại hầu hết các lễ hội truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh, những trò chơi dân gian luôn là điểm nhấn hấp dẫn thu hút sự quan tâm của người dân. Mỗi trò chơi mang đặc trưng riêng của từng dân tộc, nhưng đều xuất phát từ cuộc sống lao động, sản xuất hàng ngày và phục vụ mục đích vui chơi, giải trí, rèn luyện sức khỏe, tăng cường đoàn kết cộng đồng.

Tó má lẹ - trò chơi dân gian của dân tộc Thái được tổ chức trong dịp tết Canh Tý.

Dịp tết Canh Tý, tại Sân hành lễ Tượng đài chiến thắng Ðiện Biên Phủ đã diễn ra Chương trình chào đón năm mới và “Giao lưu hội xuân Canh Tý 2020”. Cùng với các hoạt động biểu diễn văn hóa, văn nghệ, thì các môn thể thao dân tộc, trò chơi dân gian, như: Cờ tướng, kéo co, chọi gà, tung còn, ném pao, tó má lẹ… thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của những ngày đầu năm mới, tất thảy người chơi và người xem hội vốn chẳng thân quen nhưng thông qua các trò chơi họ trở nên gần gũi, thân tình, chỉ dẫn, cổ vũ nhiệt tình cho các đội chơi. Ðiển hình là trò chơi kéo co luôn thu hút đông người tham gia và cổ vũ. Trong tiếng trống rộn rã hòa cùng tiếng reo hò, cổ vũ, các thành viên tham gia phối hợp nhịp nhàng cùng đồng đội để kéo dây về phía mình. Trò chơi kéo co không chỉ để rèn luyện sức khỏe mà còn giúp các thành viên trong đội có sự gắn kết, phát huy tinh thần đồng đội.

Khác với kéo co, trò chơi ném còn của đồng bào dân tộc Thái lại là trò chơi bắt cặp 1 nam, 1 nữ hay mỗi bên có cả nam và nữ đứng về 2 phía của cây còn sau đó từng đôi sẽ tung còn qua vòng tròn gắn trên cây, cứ như vậy cuộc tranh tài diễn ra sôi nổi hào hứng. Vừa dừng cuộc chơi, khi quả còn đã bay xa, chị Cà Thị Hiên, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) cho biết: Trong tất cả các lễ hội, ngày tết của người Thái ở Ðiện Biên, bên cạnh phần lễ là các nghi thức, nghi lễ thuộc về tâm linh thì phần hội không thể thiếu các trò chơi dân gian, đặc biệt là trò chơi ném còn. Ðây là trò chơi thể hiện tinh thần đoàn kết, vui vẻ trong cộng đồng, không phân biệt trai gái, già trẻ nên thu hút được đông đảo người dân và du khách tham gia. Hình thức chơi tuy không khó, song đòi hỏi người chơi phải khéo léo, khi tung, khi bắt thì mới có thể tung quả còn một cách chính xác.

Ngoài trò chơi tung còn, người Thái còn có một trò chơi khác cũng hết sức độc đáo đó là tó má lẹ. Theo tiếng Thái, tó nghĩa là chơi hoặc đánh, còn má lẹ là tên một loại quả được lấy từ một loài dây leo trong rừng, có hình dẹt, vỏ cứng, to bằng 3 - 4 ngón tay, có màu nâu đậm, đường kính từ 4cm, dày hơn 1cm, hạt chắc và nặng. Cách chơi tó má lẹ cũng khá đơn giản nên tất cả mọi người đều có thể tham gia, nhưng chủ yếu vẫn là phụ nữ. Ðể chơi tó má lẹ tối thiểu cần 2 người hoặc 2 đội chơi. Thông thường người chơi, đội chơi càng đông thì càng vui.

Nếu như ném còn, tó má lẹ được coi là trò chơi yêu thích của người dân tộc Thái thì trò chơi được chờ đợi nhất trong các trò chơi dân gian của đồng bào Mông bao giờ cũng là giã bánh giày. Ðến với huyện Ðiện Biên Ðông trong những ngày đầu xuân năm mới, chúng tôi thấy được sự khéo léo, di chuyển nhịp nhàng, nhanh chóng, những tiếng chày giã thậm thịch chắc nịch cùng tiếng hò reo của khán giả tạo nên không khí rộn ràng của trò chơi này. Bánh giày là loại bánh truyền thống không thể thiếu trong dịp tết cổ truyền của đồng bào dân tộc Mông, là biểu tượng cho tình yêu, sự thủy chung son sắt của trai gái; tượng trưng cho mặt trăng, mặt trời, là nguồn gốc sinh ra con người và muôn loài. Cối giã bánh giày thường được làm bằng thân cây gỗ trắc có mùi thơm, còn chày được làm từ loại gỗ cứng và nặng. Do đó, đảm nhiệm việc giã bánh thường là đàn ông trai tráng, khỏe mạnh. Khi cơm nếp giã đến độ dẻo nhất định, các bà, các chị với đôi bàn tay khéo léo sẽ nặn những chiếc bánh đầy đặn, tròn trịa gói vào lá chuối xanh (hoặc lá dong). Sau khi ban giám khảo đã chọn ra được đội thắng cuộc, người dân và du khách thập phương sẽ cùng thưởng thức bánh giày tạo không khí vui vẻ, đoàn kết.

Ông Trần Thế Sơn, du khách đến từ Nam Ðịnh chia sẻ: “Ðây là lần đầu tiên tôi được xem và thưởng thức hương vị của chiếc bánh giày mà các đội thi vừa giã xong. Tôi thấy trò chơi giã bánh giày mang tính cộng đồng rất cao, đòi hỏi sự đoàn kết, phối hợp nhịp nhàng, tập trung của những chàng trai, cô gái người Mông. Nếu chỉ một người sẽ không thể làm nên được những chiếc bánh giày vừa ngon vừa đẹp. Tôi thấy, việc tổ chức hội thi giã bánh giày không chỉ tạo không khí vui tươi, phấn khởi mà còn đưa mọi người đến gần nhau hơn. Ðồng thời, đây cũng là một cách bảo tồn, gìn giữ và giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mông với du khách thập phương.

Hoàng Linh
Bình luận
Back To Top