Mai một nghề dệt thổ cẩm dân tộc Thái

09:11 - Thứ Năm, 06/02/2020 Lượt xem: 11319 In bài viết

ĐBP - Xưa kia, trồng bông, nuôi tằm, kéo tơ dệt vải là nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái Ðiện Biên. Từ đôi bàn tay khéo léo, óc sáng tạo của mình, họ đã dệt nên các loại thổ cẩm mang màu sắc và hoa văn đặc trưng. Thổ cẩm không chỉ có vai trò quan trọng trong đời sống và trong các nghi lễ dân gian dân tộc, mà còn mang hồn cốt văn hóa Thái. Tuy nhiên, nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái ngày nay đang dần mai một.

Phụ nữ dân tộc Thái bản Che Căn, xã Mường Phăng dệt vải thổ cẩm.  Ảnh: Anh Tuấn (Hội VHNT tỉnh)

Từ nhiều năm về trước, gia đình bà Quàng Thị Xiên, bản Chiềng Chung, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) làm nghề chăn tằm, ươm tơ, dệt vải, trong nhà lúc nào cũng có đôi chục nong tằm. Xe tơ, dệt vải không chỉ là nghề phục vụ may mặc cho cả gia đình mà còn giúp bà nuôi các con ăn học. 30 - 40 năm trôi qua, giờ đây cả bản chỉ còn mình bà Xiên vẫn chăn tằm, ươm tơ. Tiếc vườn dâu và nhớ nghề nên bà Xiên để lại một số nong tằm để nuôi cho vui. Ngày nay số người dệt lụa tơ tằm ở Ðiện Biên chỉ còn đếm trên đầu ngón tay, nên tơ tằm bà làm ra chỉ dành bán cho thương lái mang sang Lào. Bà Xiên cho hay: “Tôi nuôi tằm từ khi còn trẻ, trước đây gia đình nuôi đến hai mươi nong tằm để dệt vải và nuôi các con ăn học. Nuôi tằm rất vất vả, giờ tôi chỉ nuôi ít thôi, tiếc dâu nên nuôi. Giờ người ta không dệt vải nữa rồi, tơ thì bán cho những người hay sang Lào, gần 90.000 đồng/kg”.

Thổ cẩm có vai trò quan trọng trong đời sống đồng bào Thái từ xa xưa. Vải thổ cẩm dùng trong may mặc hàng ngày, tạo nên những bộ trang phục dân tộc, dùng làm vỏ gối, chăn, đệm và các vật dụng trang trí trong nhà giàu bản sắc. Thổ cẩm dân tộc Thái với sắc màu sặc sỡ còn là quà tặng trong đám cưới, đám hỏi. Trong lễ Xên bản xên mường, thổ cẩm cũng được sử dụng làm lễ vật cúng thần. Thổ cẩm màu đỏ, màu trắng còn được dùng làm đồ tùy táng cho người chết. Thổ cẩm dân tộc Thái trước đây đều được dệt từ các nguyên liệu tự nhiên như sợi bông, sợi tơ tằm. Mỗi cô gái Thái lớn lên đều phải học nuôi tằm, ươm tơ, làm thổ cẩm phục vụ cho nhu cầu của gia đình. Ðể đủ may mặc và sử dụng, mỗi phụ nữ Thái đều phải làm việc siêng năng. Hễ ngơi việc đồng áng, họ lại ngồi vào khung dệt. Tuy nhiên nghề dệt truyền thống ở các bản Thái Ðiện Biên ngày nay đã dần mai một. Ngày nay nhu cầu may mặc của người Việt Nam nói chung và đồng bào dân tộc Thái nói riêng, được đáp ứng bởi ngành công nghiệp dệt may phát triển. Các loại vải nhập từ Trung Quốc về Việt Nam theo nhiều con đường cũng tràn ngập khắp nơi với nhiều chủng loại, mẫu mã và giá cả khác nhau. Hàng hóa đa dạng, việc mua bán thuận lợi nên người dân bỏ dần nghề nuôi tằm, ươm tơ, dệt vải. Ðể khôi phục, gìn giữ nghề dệt truyền thống dân tộc Thái, những năm gần đây các dự án khôi phục, trao truyền nghề dệt đã được thực hiện ở một số xã, bản của huyện Ðiện Biên như: Bản Mển (xã Thanh Nưa), bản Noong Chứn (xã Thanh Xương), bản Sáng (xã Thanh An).

Bản Sáng, xã Thanh An có khoảng 10 gia đình làm nghề dệt. Công cụ làm nghề vẫn là chiếc khung dệt bằng tay, còn nguyên liệu dệt là các loại sợi nhiều màu sẵn có trên thị trường. Sản phẩm bán được nhiều nhất của những người làm nghề trong bản là vải thổ cẩm trắng và thổ cẩm màu nguyên tấm. Một sản phẩm nữa cũng được họ bán ra thị trường là những chiếc đệm nhồi bông, bọc vải thổ cẩm. Nghề dệt từng giúp các hộ gia đình bản Sáng có thêm thu nhập, nhưng những năm gần đây thổ cẩm ngày càng ít khách. Gia đình ông Quàng Văn Yên, bà Lò Thị Lẻ từng có 2 khung dệt. Thời kỳ cao điểm bà và các con dâu làm không hết việc, nhưng vài năm gần đây bà chỉ còn để một khung dệt. Chỉ khi có khách đặt hàng bà mới mua sợi, mua bông về làm. Bà Lò Thị Lẻ nói: “Ðây là đệm ngồi, mình mua sợi, mua bông về tự làm. Mỗi cái đệm ngồi  bán được 100 nghìn đồng. Trước đây mình tự làm, tự mang ra các cửa hàng để bán. Bây giờ khó bán lắm nên mình chỉ làm nếu có khách đặt. Một năm chỉ được khoảng vài khách hàng đến nhà đặt làm đệm ngồi, mỗi khách đặt vài chục cái và người ta đến tận nhà lấy đi”.

Sản phẩm thổ cẩm của bà con bản Sáng từng được tiêu thụ khá mạnh trong cộng đồng người Thái địa phương. Tuy nhiên những năm gần đây xu hướng của người dân ít dùng các sản phẩm truyền thống, khiến thổ cẩm tiêu thụ được không nhiều. Công việc của những người làm nghề dệt trong bản vì vậy cũng ít đi. Việc dệt vải và làm đệm nhồi bông hầu hết đều do phụ nữ lớn tuổi đảm nhiệm. Họ cũng chỉ làm khi có đơn đặt hàng. Ðồng bào dân tộc Thái luôn tự hào về các sản phẩm dệt vải thổ cẩm của họ, những trang phục truyền thống trên người đều được do chính bàn tay họ tự dệt nên. Vì vậy, việc giữ gìn nghề dệt thổ cẩm cũng chính là giữ gìn những nét văn hóa truyền thống của người Thái. Nếu biết kết hợp giữa tính dân tộc và tính hiện đại thì nghề dệt thổ cẩm của đồng bào dân tộc Thái sẽ tạo được những mặt hàng có giá trị kinh tế và là những sản phẩm du lịch đặc trưng góp phần quảng bá nét văn hóa truyền thống của phụ nữ dân tộc Thái, tạo nên một nét văn hóa độc đáo, ấn tượng với du khách.

Thổ cẩm không chỉ là sản phẩm may mặc mà còn là sản phẩm văn hóa của đồng bào Thái, nhưng vì sao thổ cẩm dân tộc Thái ngày nay khó tiêu thụ, không phát triển, khiến nghề dệt thổ cẩm có nguy cơ mai một, là câu hỏi và băn khoăn với nhiều người. Nhìn lại các sản phẩm thổ cẩm dân tộc Thái Ðiện Biên đưa ra thị trường hiện nay chúng ta có thể thấy, về màu sắc, mẫu mã sản phẩm còn khá đơn điệu. Chất liệu của thổ cẩm cũng không có gì độc đáo, chất lượng sản phẩm lại không cao. Vải thổ cẩm dân tộc Thái cũng khó có thể ứng dụng rộng rãi, nên thị trường tiêu thụ bị bó hẹp. Việc duy trì nghề dệt truyền thống của đồng bào dân tộc Thái đang đứng trước nhiều thách thức. Muốn duy trì và phát triển nghề, người làm nghề dệt cũng cần đổi mới tư duy, đa dạng mẫu mã, đa dạng sản phẩm, làm phong phú chất liệu cho thổ cẩm và tạo ra các loại vải có tính ứng dụng cao, được quảng bá rộng rãi trên thị trường. Khi tạo ra các sản phẩm có chất lượng cao, thị trường tiêu thụ được mở rộng thì nghề dệt cũng sẽ được duy trì và phát triển một cách bền vững.

Kông Thao
Bình luận
Back To Top