Sách tranh, sách du ký họa: Xu hướng mới trải nghiệm vẻ đẹp đất nước

09:24 - Thứ Hai, 24/02/2020 Lượt xem: 7854 In bài viết

Khi trào lưu làm sách du ký, sách ảnh về vẻ đẹp quê hương, đất nước dường như lắng lại thì gần đây, giới xuất bản nổi lên một xu hướng mới - làm sách tranh, sách du ký họa với sự kết hợp giữa lời văn và tranh ký họa, đem đến những trải nghiệm mới, giàu cảm xúc cho độc giả. Đây được dự đoán là xu hướng sách được ưa chuộng trong thời gian tới.

Các em nhỏ trải nghiệm thực tế cùng bộ sách “Câu chuyện dòng sông”.

Vẻ đẹp đất nước qua tranh ký họa

Một trong những ấn phẩm được độc giả trẻ tìm đọc nhiều tại Phố sách Hà Nội thời gian gần đây là bộ sách tranh “Miền Trung”, với 3 cuốn: “Thực” - về ẩm thực, “Kiến” - về kiến trúc, “Tích” - về tích cổ, do thương hiệu sách trẻ Wings Books của Nhà Xuất bản Kim Đồng cho ra mắt. Bộ sách nằm trong dự án sách minh họa, nhằm lưu giữ các nét văn hóa đặc trưng của đất nước, với sự tham gia của gần 90 họa sĩ trẻ. Hào hứng cầm trên tay ấn phẩm đặc biệt này, Lã Hương Giang (sinh viên Khoa Tâm lý, Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ: “Bộ sách giống như cẩm nang dành cho những người thích du lịch, khám phá vẻ đẹp đất nước, nhất là dải đất miền Trung nắng gió, có nhiều công trình kiến trúc lâu đời, các món ăn đặc sắc, những chuyện xưa, tích cũ thú vị. Đặc biệt là chúng được thể hiện bằng những nét vẽ đơn giản mà tài hoa, khiến việc trải nghiệm sách không đơn điệu”.

Sau cuốn sách “Thiện và Ác và Cổ tích”, tác giả Thủy Nguyên cũng vừa cho ra mắt 3 tập sách tranh “Câu chuyện dòng sông” (Nhà Xuất bản Kim Đồng) về ba dòng sông ở ba miền Bắc - Trung - Nam: “Người mẹ sông Hồng”, “Em gái sông Hương”, “Chàng trai Cửu Long”. Tác giả Thủy Nguyên để cho các dòng sông hóa thân thành người kể chuyện, cùng với tranh minh họa của những “cây cọ” trẻ như Ru-oi, Tuấn Thanh, Yến Ngọc, Nhật Vũ. Người đọc hẳn sẽ ấn tượng với bức tranh gánh hàng rong của những người phụ nữ đôn hậu ở Đồng bằng sông Hồng; hay kiến trúc lăng tẩm ở Thừa Thiên - Huế; hoặc cảm nhận mùa nước nổi ở miền Tây…

Cũng với hình thức sách tranh, cuốn song ngữ Việt - Anh “Phố cổ Hà Nội - Ký họa và hồi ức” (Nhà Xuất bản Kim Đồng) với sự tham gia của 60 tác giả, nhà văn, kiến trúc sư, họa sĩ chuyên và không chuyên thuộc nhóm Ký họa đô thị Hà Nội (Urban Sketchers Hanoi) vẫn đang được săn đón sau vài tháng ra mắt. Với 200 bức tranh ký họa và những bài viết đong đầy cảm xúc về phố cổ Hà Nội, độc giả như bước vào chuyến du hành xuyên thời gian, từ quá khứ đến hiện tại, trải nghiệm những nét đẹp văn hóa, lịch sử, con người Thủ đô nghìn năm văn hiến. “Tiếp cận phố cổ Hà Nội qua tranh ký họa có nhiều thú vị vì vừa có chất hiện thực, vừa gợi những liên tưởng sâu sắc”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Thông, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ.

Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên nhận định: “Những năm gần đây, có nhiều tác phẩm sách tranh, sách du ký họa của tác giả và họa sĩ trẻ ra mắt. Các tác phẩm này lấy cảm hứng từ lịch sử, phong cảnh, văn hóa, kiến trúc, ẩm thực... của các vùng miền trên khắp đất nước, cho thấy sự quan tâm lưu giữ các giá trị văn hóa dân tộc và sự sáng tạo trong cách truyền tải của những người trẻ. Đây là một xu hướng tích cực trong sáng tác, làm phong phú mảng sách tranh, mang đến cho người đọc một món ăn tinh thần hấp dẫn, mới mẻ về hình thức tiếp cận”.

Xu hướng tích cực trong sáng tác

Điểm mới và hấp dẫn của sách tranh, sách du ký họa chính là sự thể nghiệm phong phú các chất liệu mỹ thuật và hình thức ký họa, tạo cho những nội dung du ký, trải nghiệm trở nên sống động, hấp dẫn, giàu sức gợi mở hơn. Nếu hình thức sách chữ đơn thuần buộc người đọc phải phát huy tối đa trí tưởng tượng, hay hình thức sách ảnh thiên về truyền tải các góc nhìn, khoảnh khắc chân thực, thì sách tranh mở rộng biên độ sáng tạo, kết hợp được nhiều cá tính nghệ thuật khác nhau.

Các họa sĩ, tác giả trong quá trình thực hiện dòng sách này cũng có cơ hội bộc lộ tài năng và tìm hiểu sâu hơn về quê hương, đất nước hoặc những vùng đất mà mình yêu mến. Như họa sĩ Vinh Vương, trưởng nhóm tác giả bộ sách “Miền Trung” chia sẻ: “Ý tưởng bắt đầu từ sở thích theo tàu hỏa đi dọc đất nước để vẽ tranh của tôi. Dừng chân ở mỗi ga, tôi lại gặp những câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa, đặc trưng về ẩm thực, kiến trúc và vẽ rất nhiều. Tôi mời các họa sĩ trẻ tham gia và bắt đầu với vùng đất miền Trung mà mình phải lòng đầu tiên. Chúng tôi đang thực hiện bộ sách “Miền Bắc” và “Miền Tây” cũng với hình thức như vậy”.

Theo Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên, nhiều cuốn sách khởi nguồn từ các dự án mỹ thuật vì cộng đồng, hoặc các họa sĩ, tác giả tìm đến với nhau để chia sẻ đam mê, mong muốn lưu giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa thông qua mỹ thuật. Do đó, nhiều đơn vị xuất bản sẵn lòng hỗ trợ và cho rằng, đây là cơ hội để phát hiện tài năng mới trong lĩnh vực xuất bản và mỹ thuật nước nhà.

Việc cổ vũ, khuyến khích các tác giả, họa sĩ, nhất là những người trẻ tham gia vào xu hướng làm sách tranh, sách du ký họa không chỉ tăng trải nghiệm cho độc giả, phát triển tài năng, mà còn góp phần khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước, ý thức trân trọng, bảo tồn thiên nhiên và văn hóa trong mỗi người.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top