Trùng tu kiểu “làm mới”, bao giờ mới chấm dứt?

09:22 - Thứ Ba, 10/03/2020 Lượt xem: 7186 In bài viết

Chỉ trong vòng hai năm 2019 - 2020, đã liên tiếp có những công trình “bị” trùng tu theo kiểu sơn đỏ, hoặc làm mới lại, mất hết tinh thần của những chi tiết chạm trổ vô cùng tinh xảo mà cha ông chúng ta để lại. Những công trình bị trùng tu kiểu này đã xảy ra liên tiếp trong nhiều năm qua, chưa có dấu hiệu dừng lại và dường như đang có chiều hướng tăng lên.

Các chi tiết chạm khắc cũ của đình Đồng Kỵ. Ảnh do KTS Trần Hiếu chụp tháng 4-2015.

Đình Trùng Hạ là một trong hai di tích cấp quốc gia, cùng với đình Trùng Thượng, thuộc thôn Tùy Hối, xã Gia Tân, huyện Gia Viễn, Ninh Bình mới đây vừa bị sơn toàn bộ cấu kiện gỗ màu đỏ bằng sơn công nghiệp. Đình Trùng Hạ là di tích cổ từ thế kỷ 16, với rất nhiều mảng chạm gỗ tinh xảo, cầu kỳ. Nhiều chỗ các mảng chạm có ở cả hai mặt của cấu kiện gỗ, với những chi tiết mô tả cuộc sống, tinh thần, tôn giáo của người xưa… Đình bắt đầu được sơn đỏ từ tháng 9-2019, với phần sơn công nghiệp đỏ lòe phủ lên toàn bộ các chi tiết chạm trổ của các cấu kiện gỗ. Điều đáng nói là những phần chạm trổ tinh xảo này chỉ đẹp khi còn “mộc”, không sơn phết gì. Và sau khi sơn, việc khắc phục hậu quả, sửa chữa là rất khó.

Câu chuyện đình Trùng Hạ chưa kịp “nguội”, giới yêu văn hóa và mỹ thuật cổ lại một lần nữa buồn lòng bởi đình Đồng Kỵ (Đồng Kỵ, Từ Sơn, Bắc Ninh) bị thay mới toàn bộ cấu kiện gỗ cũ. Những phần cấu kiện gỗ cũ vẫn còn nguyên vẹn các mảng chạm trổ cũng vô cùng tinh xảo, tỉ mỉ đã bị thay mới bằng những mảng chạm hoàn toàn không giống với các mảng chạm cũ, sơ sài vài không tinh xảo, mặc dù cũng được làm theo hướng của các mảng chạm cũ. Điều đáng nói là, theo nhiều nhà nghiên cứu, những mảng chạm này vẫn còn rất tốt, nếu cần phải trùng tu, chỉ cần thay những phần đã hỏng, còn các mảng chạm vẫn có thể lắp lại, sử dụng tối đa các bộ phận kiến trúc cũ. KTS Trần Hiếu là người đã chụp ảnh các chi tiết của đình Đồng Kỵ từ năm 2015, và qua các bức ảnh của anh, có thể dễ dàng nhận ra các chi tiết, mảng chạm đã bị thay đổi rất nhiều. Theo KTS Trần Hiếu, đình Đồng Kỵ là ngôi đình cổ tuổi đời ít nhất hơn 200 năm, có kiến trúc bên ngoài cũng như bên trong khá đẹp. Hiện nay sau khi được trùng tu, ngôi đình đã bị làm mới gần như toàn bộ cấu kiện gỗ. Rất nhiều mảng chạm cổ, đặc biết là hệ thống đầu dư rất đẹp và còn tốt nay đã được thay mới gần như hết. Thậm chí anh cho rằng, đình đã bị phá bằng cái vỏ bọc "trùng tu".

So sánh các chi tiết trên gỗ cũ và mới để thấy khác nhau hoàn toàn.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình cho rằng, hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện trùng tu di tích mà không cần quan tâm đến giá trị của di tích thể hiện ở các phần kiến trúc, mỹ thuật, thậm chí đã vi phạm cả Luật Di sản văn hóa (cấm chiếm đoạt, làm sai lệch di sản). Kể cả ở những di tích cấp quốc gia cũng vẫn phải chịu số phận trùng tu “lem nhem” như vậy, và các địa phương cũng không chịu rút kinh nghiệm. Chính vì thế, năm nào cũng có tình trạng các di tích phải “kêu cứu” vì trùng tu.

Với đình Đồng Kỵ, ngay sau khi báo chí phản ánh, Cục Di sản văn hóa đã có đoàn công tác xuống làm việc tại hiện trường đình Đồng Kỵ. Theo báo cáo của Cục Di sản văn hóa gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau cuộc làm việc, đình Đồng Kỵ được công nhận Di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1990. Năm 2018, do đình quá xuống cấp, Ban quản lý đình chùa Đồng Kỵ đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho phép trùng tu và được cấp phép. Dự án tu bổ, tôn tạo di tích đình, chùa Đồng Kỵ do UBND thị xã Từ Sơn làm chủ đầu tư. Tháng 12-2018, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có công văn thỏa thuận dự án; tháng 3-2019, Cục Di sản văn hóa có công văn thỏa thuận thiết kế bản vẽ thi công; tháng 10-2019 tiếp tục có công văn nêu ý kiến về việc điều chỉnh Thiết kế bản vẽ thi công. Đình được sửa chữa từ tháng 5-2019.

Báo cáo của Cục Di sản văn hóa cũng cho biết, chủ đầu tư và chính quyền địa phương trong quá trình triển khai dự án đã không tuân thủ đầy đủ ý kiến của Bộ và Cục tại các văn bản liên quan việc trùng tu di tích này. Cơ bản đã lắp dựng gần xong bộ khung gỗ tòa Đại bái, tuy nhiên cấu kiện gỗ cũ bị thay mới quá nhiều, không đúng với ý kiến của Cục Di sản văn hóa tại công văn đã gửi vào tháng 10-2019, làm mất đi giá trị kiến trúc- nghệ thuật của công trình. Cục cũng nêu rõ, trách nhiệm chính thuộc về chủ đầu tư do chưa tái sử dụng tối đa các cấu kiện gỗ cũ của công trình.

Cục Di sản văn hóa cũng cho biết, thông qua làm việc tại hiện trường và báo cáo của cơ quan chức năng địa phương, các cấu kiện gỗ cũ hiện vẫn còn đang lưu giữ tại di tích, cho nên hoàn toàn có thể thay thế trở lại như cũ.

Cục cũng đã yêu cầu địa phương và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh giữ nguyên hiện trạng, bảo vệ các cấu kiện gỗ cũ, nhanh chóng thống kê, đánh giá để sớm có biện pháp xử lý.

Đối với những di tích bị trùng tu hỏng, thì dù có khắc phục, sửa chữa bằng cách nào, cũng vẫn khó có thể lấy lại được tinh thần, sự tinh tế trong cách làm của người xưa. Chỉ hy vọng rằng, các địa phương sẽ quan tâm hơn và rút kinh nghiệm trong việc bảo vệ, trùng tu di tích của mình.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top