Suy ngẫm

Trường đời

09:31 - Thứ Năm, 12/03/2020 Lượt xem: 10285 In bài viết

ĐBP - Trong trường học, có thầy, có cô hướng dẫn chúng ta biết rõ cái gì là đúng, cái gì là sai. Còn trong trường đời, chúng ta nhiều lúc phải đưa ra những quyết định quan trọng mà chẳng có cách nào để ta biết được thế nào là trắng, thế nào là đen. Vì lẽ đó, cuộc sống thực tế chưa bao giờ có điểm 10 hoàn hảo cả. Có chăng từ đó, chúng ta học được những kỹ năng và phương pháp sống, để dễ dàng thích nghi và linh hoạt với cuộc đời hơn.

Trong cuộc sống xã hội hiện đại mối quan hệ giữa con người với con người là vô cùng quan trọng, mọi sự thành công hay thất bại cũng đều xuất phát từ đó mà ra. Mạnh Tử người Trung Hoa đã từng nói: “Thương người thì người thương lại mình, kính người thì người kính lại mình”. Thực ra biết tôn trọng người khác là yêu cầu tối thiểu của làm người, đó là một đức tính tốt đẹp. Dù người đó giàu hay nghèo, dù yếu hay mạnh, hèn hay sang, thì họ cũng là một con người. Mà đã là con người thì cần nhận được sự tôn trọng tối thiểu từ những người khác. Một người khi kết giao với người khác, nếu như có thể hiểu về họ, tôn trọng họ thì người đó cũng sẽ được người khác hiểu về mình và tôn trọng lại mình gấp trăm lần. Khi chúng ta làm điều ác với người khác, dù họa chưa tới, phúc đã biến mất. Ðôi khi, giúp người cũng là giúp chính mình. Nhà văn người Anh nổi tiếng Robert Browning từng có câu rằng: “Bỏ qua sai lầm của người khác là sự khoan dung, đồng thời, quên đi sai lầm đó chính là sự rộng lượng với chính mình”.

Trong cuộc sống của một người, chúng ta không chỉ cần bao dung với bạn bè và người thân xung quanh, mà hãy thứ tha cho cả những lỗi lầm của bản thân mình. Hãy nhớ rằng, ở đời ganh ghét, chẳng được gì cả, xã hội rộng lớn, con người thì mỗi người mỗi tính, bao dung rộng lượng là điều nên làm. Câu tục ngữ “Muốn ăn gắp bỏ cho người” dùng để ám chỉ những người thích quanh co lẩn tránh, tìm mọi cách lòng vòng để cố gắng giành lấy lợi ích về mình. Người xưa đã dạy “Gieo nhân nào, gặt quả nấy”. Nếu chúng ta muốn mọi người yêu quý và tôn trọng mình thì trước tiên, bản thân chúng ta phải là một người tốt trước đã. Mà muốn thành một người tốt thì: Nhìn phải nhìn cho rõ; nghe phải nghe cho thấu hiểu; thái độ phải giữ sự ôn hòa; dung mạo cần giữ sự khiêm tốn; lời nói cần phải trung thành; gặp điều nghi vấn phải tìm hiểu ngay; khi giận dữ phải nghĩ tới hậu họa để lại; đạt được ích lợi cần phải hợp với đạo nhân nghĩa. Người có bản lĩnh không chỉ là người thông minh, mà còn phải biết đối nhân xử thế, bình tĩnh vững vàng, tinh tế và kiên trì, không vô tâm, nhưng đủ tự trọng. Những người trong tâm luôn biết cảm ơn người khác thì họ thường rất ít đố kỵ với người khác, có năng lực thích ứng tốt hơn rất nhiều trong cuộc sống, biết cách đối mặt với nhiều khó khăn. Lòng biết ơn sẽ giúp chúng ta mở ra một cánh cửa có sức mạnh diệu kỳ, khơi dậy tiềm năng vô hạn trong chúng ta, cho nên cơ hội thành công ngày càng nhiều hơn, tốt hơn. Khiêm tốn trong cuộc sống có nghĩa là từng lời ăn tiếng nói, hành động đối nhân xử thế của mỗi chúng ta cần tuân thủ một khuôn thước kỷ luật, vừa vững vàng, vừa tỉnh táo để không vì tự đắc mà quên mất mình là ai.

Sống tốt với mọi người chính là cầu nối để liên kết giữa người với người, cũng là nền tảng để chúng ta sống với nhau trong một cộng đồng, hình thành sự hòa thuận và chân thành. Có tin tưởng thì mới hình thành nghĩa tình. Có nghĩa có tình thì các mối quan hệ mới trở nên dài lâu và bền chặt. Con người biết đặt trọn niềm tin vào nhau thì mới có thể đoàn kết, gắn bó, cùng nhau chung sức tạo nên những sức mạnh to lớn cho cả đời sống và ảnh hưởng trong công việc.

Hoàng Bích Hà (Hội VHNT Khánh Hòa)
Bình luận
Back To Top