Khó khăn trong bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống

09:26 - Thứ Sáu, 13/03/2020 Lượt xem: 11531 In bài viết

Những năm gần đây, tỉnh Ðiện Biên đã từng bước chú trọng bảo tồn các lễ hội văn hóa truyền thống trong cộng đồng các dân tộc. Ðó là yếu tố quan trọng để phát triển du lịch bền vững cùng với việc phát huy các giá trị của di tích lịch sử. Tuy nhiên, việc bảo tồn và phát huy giá trị của các lễ hội, di sản văn hóa cũng đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức cho ngành văn hóa và các địa phương.

Chủ tế thực hiện nghi lễ Tế thần sông nước trong Lễ hội Ðua thuyền đuôi én. Ảnh: Văn Thành Chương

Có thể thấy, công tác gìn giữ, bảo tồn, tôn tạo các nghi thức, lễ hội văn hóa truyền thống của cộng đồng các dân tộc trong những năm qua đã được ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh quan tâm, chú trọng và bước đầu đã đạt những kết quả đáng ghi nhận. Chỉ riêng trong năm 2019, đã có thêm 2 di sản được công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, đó là: Tết Hoa mào gà của cộng đồng dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú của dân tộc Hà Nhì, nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia của tỉnh lên 8 di sản. Ðây là kết quả sự nỗ lực của ngành Văn hóa cùng với sự quan tâm của Ðảng và Nhà nước đối với việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hoá. Qua đó góp phần nâng cao trách nhiệm của người dân trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa, quảng bá nét độc đáo của địa phương đến đông đảo người dân trong nước và bạn bè quốc tế.

Những năm gần đây, nhiều hoạt động lễ hội, văn hóa đã được tổ chức quy mô, bài bản và duy trì thường niên như: Lễ hội Hoa Ban, Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, Tết Té nước của dân tộc Lào, Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất hay Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông… Tuy nhiên, việc bảo tồn và duy trì mỗi lễ hội truyền thống lại đang đặt ra những khó khăn, thách thức khác nhau. Lễ hội Ðua thuyền đuôi én ở TX. Mường Lay là một ví dụ điển hình. Qua 6 lần tổ chức quy mô, bài bản, mặc dù đã gây được nhiều ấn tượng và từng bước khẳng định “thương hiệu”; thế nhưng, đến nay việc duy trì và phát huy các giá trị truyền thống của lễ hội này vẫn đang phải đối diện với những khó khăn chưa có lời giải.

Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa TX. Mường Lay cho biết: Mỗi lần tổ chức Lễ hội Ðua thuyền đuôi én phải chi phí khoảng trên 200 triệu đồng; trong đó nguồn xã hội hóa đóng góp không đáng kể, vì vậy vấn đề kinh phí luôn là việc phải tính toán và cân đối từ nhiều nguồn khác nhau. Hiện nay, thị xã đang có 6 chiếc thuyền đuôi én, để có thể phục vụ cho lễ hội hàng năm thì việc bảo dưỡng thuyền phải được thực hiện thường xuyên. Bên cạnh đó, các mái chèo cũng chỉ sử dụng được qua một mùa lễ hội, chưa kể các thuyền bằng gỗ có tuổi thọ không cao và hàng năm đều phải sửa chữa, sơn mới… Bên cạnh đó, việc mực nước sông Ðà lên, xuống thất thường cũng là trở ngại lớn trong việc tổ chức lễ hội. Ðầu năm 2020 vừa qua, do mực nước xuống quá thấp nên ban tổ chức đã phải chuyển địa điểm đua thuyền đến khu vực khác, điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến thành công của lễ hội.

Ðó là khó khăn về kinh phí để chuẩn bị cho phần hội, còn phần lễ mới thực sự đang đặt ra những thách thức mà đến nay địa phương vẫn loay hoay tìm lời giải. Ðể thực hiện phần nghi lễ, trong đó có lễ Kin Pang Then và Lễ tế thần sông nước cần có những người “thầy” hội đủ cả khả năng và uy tín. Ðó là những nhân vật đặc biệt, có yếu tố tâm linh và quyết định thành công của nghi lễ. Những năm vừa qua, việc thực hiện lễ Kin Pang Then trong Lễ hội Ðua thuyền đuôi én thường do nghệ nhân Vàng Văn Thức làm chủ lễ, tuy nhiên đến nay ông Thức đã nhiều tuổi, chưa kể cũng có lúc ốm đau nên việc tìm người kế cận là cần thiết. Thế nhưng đã nhiều năm nay vẫn chưa tìm được ai có đủ khả năng theo học để làm người kế cận. Bên cạnh đó, TX. Mường Lay cũng chưa tìm được người có đủ khả năng để đảm nhiệm vai trò chủ lễ trong phần Lễ tế thần sông nước. Do vậy, mỗi lần tổ chức lễ hội đều phải mời thầy từ tỉnh Lai Châu hoặc Sơn La đến làm chủ lễ…

Mặc dù đang phải đối diện với những khó khăn cả về chủ quan và khách quan nhưng có thể nhận thấy việc bảo tồn và duy trì lễ hội truyền thống đã và đang đem lại những hiệu quả thiết thực cho ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói chung và người dân nói riêng. Vào mỗi dịp diễn ra Lễ hội Ðua thuyền đuôi én, các nhà nghỉ, khách sạn trên địa bàn thị xã đều kín phòng, các nhà hàng, quán ăn cũng luôn tấp nập. Bên cạnh đó, người dân địa phương cũng có cơ hội để giới thiệu rất nhiều sản vật đến du khách mọi miền. Ngoài ra, những giá trị về mặt tinh thần đã tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi; những giá trị văn hóa truyền thống theo đó cũng được tái hiện vô cùng sinh động. Ðó là những giá trị không thể đo đếm được.

Ðể giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong việc bảo tồn và phát huy các lễ hội truyền thống thì ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và mỗi địa phương còn nhiều việc phải làm. Tuy nhiên, với những giá trị mà các lễ hội truyền thống mang lại sẽ là động lực để vượt qua những khó khăn, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa một cách bền vững và hiệu quả.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top