Khơi dậy lòng nhân ái qua cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc

09:58 - Thứ Ba, 17/03/2020 Lượt xem: 9427 In bài viết

Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đang tiến hành triển khai cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020”. Theo đó, vòng sơ khảo sẽ diễn ra đến ngày 15/7 và sau đó là vòng chung kết kéo dài đến đầu tháng 9/2020. 

Ham đọc sách là truyền thống của người Việt Nam. Đó cũng là một nét đẹp góp phần làm nền văn hóa Việt, nâng cao nội lực của người Việt Nam, nhất là giới trẻ trong việc tiếp cận thông tin tri thức, nâng cao dân trí, phát triển tư duy, khả năng sáng tạo, bồi dưỡng nhân cách, tâm hồn, lối sống cho thế hệ tương lai của đất nước. 

Khơi dậy niềm đam mê đọc sách, truyền cảm hứng và lan tỏa tình yêu đọc sách để nâng cao văn hóa đọc, thúc đẩy lòng nhân ái trong cộng đồng, đặc biệt là với các em học sinh, sinh viên… là hiệu quả tích cực mà Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc mang lại.

Tìm kiếm Đại sứ văn hóa đọc 2020

Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đang tiến hành triển khai cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020”. Theo đó, vòng sơ khảo sẽ diễn ra đến ngày 15/7 và sau đó là vòng chung kết kéo dài đến đầu tháng 9/2020.

Cuộc thi này dành cho các em học sinh, sinh viên ở các loại hình giáo dục. Các thí sinh tham gia dự thi sẽ chọn và trả lời các câu hỏi theo đề mà Ban tổ chức ra cho từng nhóm đối tượng, rồi gửi bài thi đến Ban tổ chức bằng một trong hai hình thức viết hoặc quay clip. 

Lễ công bố danh hiệu "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020", trao thưởng và tổng kết cuộc thi dự kiến diễn ra vào đầu tháng 9/2020.

Cuộc thi sẽ góp phần hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà cho biết: Để triển khai Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc một cách có hiệu quả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành 2 văn bản: Công văn số 426/BVHTTDL-TV ngày 4-2-2020 về việc Hướng dẫn Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020, thông báo và hướng dẫn các địa phương, cơ sở giáo dục về địa điểm, thời gian tổ chức vòng sơ khảo, vòng chung kết...

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, năm nay, thời gian tổ chức cuộc thi dài hơn, đối tượng tham gia dự thi được mở rộng hơn, nên chắc chắn sẽ thu hút nhiều người tham gia. Trong đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tham gia tích cực trong việc mở rộng thêm đối tượng là sinh viên, học viên ở các trường và học viện.

Đặc biệt, Hội Người mù Việt Nam cũng đã đề nghị được tham gia tổ chức vòng sơ khảo để đông đảo học sinh khiếm thị cả nước tham gia. Vụ Thư viện đã có văn bản hướng dẫn riêng gửi Hội Người mù Việt Nam để gửi các học sinh tham gia cuộc thi. Nhiều trường học ở các địa phương, kể cả ở các tỉnh vùng sâu, vùng xa, còn khó khăn cũng đã có những phản hồi tích cực về việc sẽ tham gia cuộc thi.

Vụ trưởng Vụ Thư viện Vũ Dương Thúy Ngà kỳ vọng, với việc chủ động tổ chức sớm, trong thời gian dài, cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020" sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều cơ quan, đơn vị trường học, nhất là các bạn học sinh, sinh viên trên toàn quốc, sự ủng hộ của các bậc phụ huynh, thầy cô giáo…, nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả xã hội.

Lan tỏa tình yêu đọc sách

Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lần đầu tổ chức cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc trên toàn quốc, thu hút hơn 536.000 học sinh, sinh viên thuộc gần 4.400 trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, đại học và học viện tham gia. Cuộc thi đã hình thành một sân chơi bổ ích, thu hút sự quan tâm không chỉ đối với học sinh, sinh viên mà còn cả các thầy cô giáo, phụ huynh học sinh.

Trong cuộc thi này, Ban tổ chức đã lựa chọn được nhiều bài thi hay, ý nghĩa, góp phần lan tỏa văn hóa đọc, lan tỏa tình yêu đọc sách trong cộng đồng để trao giải thưởng.

Từ thành công của cuộc thi đầu tiên, Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) tiếp tục tổ chức cuộc thi "Đại sứ Văn hóa đọc năm 2020, nhằm khơi dậy hứng thú, niềm đam mê đọc sách đối với thanh, thiếu niên và nhi đồng trên toàn quốc.

Từ đó, Ban Tổ chức khuyến khích, thúc đẩy phong trào đọc trong thế hệ trẻ, hình thành thói quen và kỹ năng đọc sách cho học sinh, sinh viên, một yếu tố quan trọng góp phần phát triển văn hóa đọc trong nhà trường và cộng đồng. Đồng thời, giúp các em học sinh, sinh viên có thêm kinh nghiệm tiếp nhận thông tin tốt hơn, biết chọn cuốn sách hay, sách tốt để đọc, làm cho cuộc sống phong phú hơn, góp phần đã làm thay đổi cuộc sống, làm thay đổi nhận thức…

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết, việc tổ chức cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc không chỉ góp phần hình thành thói quen đọc sách trong giới trẻ, mà cao hơn thế, các hoạt động của cuộc thi đã góp phần đánh thức lòng nhân ái của thế hệ trẻ.

Cụ thể, sau cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2019, Vụ Thư viện tổ chức cho các học sinh, sinh viên đoạt giải trong cuộc thi đến thăm và gặp gỡ với các học sinh khiếm thị trường Nguyễn Đình Chiểu, phát động phong trào cùng bạn đọc sách để các em mắt sáng giúp đỡ các em khiếm thị, động viên, khích lệ các em học sinh khiếm thị tham gia các hoạt động.

Đặc biệt, khi Vụ Thư viện tổ chức mời một nhân vật đặc biệt đến trò chuyện, truyền cảm hứng cho các em khiếm thị. Các em học sinh khiếm thị đã quyên góp tiền mua sách tặng cho các cho các bạn nhỏ bị ung thư… Bên cạnh đó, thông qua hoạt động giao lưu khơi nguồn văn hóa đọc, nhiều em nhỏ ở các địa phương đã quyên góp, trao tặng sách cho trẻ em khuyết tật, bệnh nhân trong các bệnh viện, mang sách đến cho các bạn vùng sâu vùng xa…

“Các phong trào làm việc tốt cứ diễn ra nối tiếp nhau, cho thấy việc đọc sách đã góp phần thay đổi nhận thức, để mọi người sẵn sàng chung tay tặng sách, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, thúc đẩy tinh thần tương thân, tương ái giữa các em nhỏ trong hoạt động cùng giúp nhau có thêm nghị lực sống để vươn lên. Đây là thành công lớn nhất mà cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc đã đạt được trong thời gian qua”, bà Vũ Dương Thúy Ngà nhấn mạnh.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top