Thực hành Then của người Thái Ðiện Biên

Cần có nhiều “con nuôi” để kế thừa di sản

09:30 - Thứ Năm, 26/03/2020 Lượt xem: 8671 In bài viết

ĐBP - Nghệ thuật Then của người Thái trắng ở Ðiện Biên cùng với việc thực hành Then của các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam đã chính thức được UNESCO ghi danh tại danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào tháng 12/2019. Cùng với đó, Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay (TX. Mường Lay) cũng đã được công nhận là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại tỉnh Ðiện Biên. Tuy vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản trong đời sống cộng đồng hiện nay đang thiếu những người “con nuôi” để nối nghiệp. Ðó là những người có khả năng thực hành nghi lễ Then và có đủ “căn duyên” để thầy Then tổ chức “lễ bắc cầu” truyền nghề Then cho họ trong “lễ then cấp sắc”!

Một nội dung của nghệ thuật thực hành Then trong khuôn khổ Lễ hội đua thuyền đuôi én tại TX. Mường Lay. 

Trong các nội dung của nghệ thuật Then thì thầy Then (chủ lễ) là người quan trọng nhất. Chủ lễ được coi là người có năng lực đặc biệt, có khả năng hát Then và sử dụng tính tẩu. Nghệ thuật Then là loại hình nghệ thuật tổng hợp trong đó bao gồm những sắc thái văn hóa dân gian chứa đựng các yếu tố về tập quán và tín ngưỡng, quan niệm thế giới quan, nhân sinh quan của người Thái trắng. Bên cạnh đó, quá trình thực hành Then còn là sự kết hợp tinh tế giữa khả năng đặc biệt của chủ thể trong việc ứng biến các giai điệu hát Then phù hợp với hoàn cảnh, nội dung nghi lễ với âm thanh trầm bổng của cây đàn tính. Do vậy, thực hành Then cũng đồng nghĩa với việc bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp về văn hóa của cộng đồng dân tộc Thái, ngành Thái trắng.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 5 chủ thể văn hóa tiêu biểu của di sản thực hành Then, đó là ông Vàng Văn Thức, ông Khoàng Văn Quán, bà Lò Thị Xính (TX. Mường Lay); bà Lừ Thị Thiếm (huyện Ðiện Biên) và ông Khoàng Văn Dọng (huyện Mường Chà). Trong đó, ông Vàng Văn Thức là một trong số ít thầy Then có khả năng thực hành Then với đầy đủ các nghi lễ: Then giải hạn, Then cấp sắc, Lễ gọi hồn cho người ốm, Lễ tạ ơn ông bà đã mất, cúng đuổi ma… Ông cũng là người chủ lễ chính trong Lễ Then Kin Pang - một nghi lễ quan trọng được tổ chức vào mỗi dịp đầu năm mới trong Lễ hội Ðua thuyền đuôi én tại TX. Mường Lay, nơi được coi là “thủ phủ” của người dân tộc Thái, ngành Thái trắng tại Ðiện Biên. Người Thái trắng quan niệm, phía trên thế giới của con người là thế giới của Trời, cõi Trời cũng là một Mường, trong đó các tướng lĩnh của vua Trời là các Then. Hàng năm, vào ngày mồng 3 tháng giêng và ngày 14 tháng 8 âm lịch, vua Trời phái các vị Then xuống hạ giới. Ðó cũng là lúc để những người hành nghề Then ở trần gian tổ chức cúng khai đàn, tạ ơn các vị Then trên trời và để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt; cầu phúc, cầu lộc cho mọi người dân trong bản mường.

Trong việc phục dựng thành công hai loại hình di sản văn hóa truyền thống đặc sắc của người Thái trắng ở Mường Lay là Lễ hội Ðua thuyền đuôi én và nghệ thuật múa xòe Thái thì ông Vàng Văn Thức cũng là người có nhiều đóng góp. Do vậy, năm 2015 ông đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú trong loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng. Trong dịp diễn ra Lễ hội đua thuyền đuôi én tại TX. Mường Lay đầu năm vừa qua, chúng tôi có dịp trao đổi với nghệ nhân Vàng Văn Thức và được ông chia sẻ: Bản chất của hát Then vốn không phải là để biểu diễn mà là để hành lễ trong các nghi lễ Then. Do vậy, hát Then chỉ có thể truyền miệng, những người có thể truyền được chỉ là các thầy Mo. Thế nhưng, mất một thời gian dài hát Then không còn được duy trì trong các dịp lễ, Tết, thậm chí, có thời kỳ hát Then đã bị lãng quên. Ðó là lý do thế hệ trẻ hôm nay đa phần không còn cảm nhận được vai trò của nghệ thuật Then trong đời sống tâm linh của cộng đồng dân tộc Thái trắng.

Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin TX. Mường Lay cũng cho biết: Trong xu thế phát triển của xã hội, thế hệ trẻ có nhiều cơ hội tiếp xúc với các loại hình nghệ thuật qua các phương tiện thông tin đại chúng do vậy yếu tố giao thoa văn hóa đã ảnh hưởng không nhỏ đến văn hóa truyền thống. Bởi thế cho nên những năm qua, Phòng Văn hóa và Thông tin thị xã chú trọng việc tìm kiếm những người có khả năng, có điều kiện đáp ứng để theo học thực hành Then và kế thừa di sản. Tuy nhiên, sau nhiều lần và nhiều người được ông Thức truyền dạy đều bỏ dở, đến nay vẫn chưa tìm được ai có ý định và có khả năng theo đuổi và đam mê môn nghệ thuật này. Ngay cả những người con của nghệ nhân Vàng Văn Thức cũng không ai có nguyện vọng nối nghiệp cha vì mỗi người đều theo đuổi công việc khác nhau. Duy chỉ có con trai út của ông, do nhiều lần cùng ông đi làm lễ nên đã có sự gắn bó và có thể coi là có căn duyên với môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, đó mới chỉ là một tia hi vọng, bởi từ việc có căn duyên đến việc theo đuổi đam mê để kế thừa truyền thống lại là cả một quyết định khó khăn bởi còn nhiều chi phối về công việc và cuộc sống. Mặt khác, hiện nay ông Vàng Văn Thức và những chủ thể của di sản cũng đều đã nhiều tuổi, bởi vậy việc tìm kiếm người kế thừa là việc làm vô cùng quan trọng…

Việc thầy Then tổ chức “lễ bắc cầu” truyền nghề là nghi lễ để một người “con nuôi” đã có căn duyên hành nghề Then được chính thức nối nghiệp. Thế nhưng nhiều người vẫn chờ đợi đã lâu rồi nhưng nghi lễ ấy vẫn chưa được diễn ra. Hiện nay, ngoài “tia hi vọng” từ người con đẻ của mình thì nghệ nhân Vàng Văn Thức cũng như cộng đồng người Thái trắng vẫn đang cần thêm nhiều hơn nữa những “con nuôi” để một di sản vô giá của dân tộc mình được kế thừa và phát huy giá trị.

Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top