Tranh dân gian Đông Hồ sẽ có thêm nhiều cơ hội bảo tồn, phát triển

15:18 - Thứ Năm, 26/03/2020 Lượt xem: 7449 In bài viết

Sau nhiều thăng trầm, thậm chí có thời điểm tưởng chừng biến mất vĩnh viễn, nghề làm tranh dân gian Đông Hồ đang được kỳ vọng sẽ phát triển trở lại.

Nhất là mới đây, tỉnh Bắc Ninh vừa hoàn thiện hồ sơ “Nghề làm tranh dân gian Đông Hồ”, trình Thủ tướng xem xét, đề nghị UNESCO xét đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.

Vất vả khôi phục, bảo tồn

Sản xuất tranh dân gian Đông Hồ là nghề thủ công đặc biệt của người dân làng Đông Hồ. Đây là một làng Việt Cổ nằm ở bờ Nam sông Đuống nay thuộc địa phận xã Song Hồ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Theo nhiều tư liệu, nghề làm tranh dân gian hình thành ở Đông Hồ vào thế kỷ XVI. 

Vào khoảng năm 1944 - 1945, địa phương có tới 17 dòng họ còn theo đuổi nghề làm tranh truyền thống, với vô số xưởng làm tranh trong làng. Tuy nhiên, đến nay, Đông Hồ chỉ còn lại một vài gia đình nghệ nhân làm tranh. Hầu hết người dân địa phương đã chuyển sang làm nông nghiệp, kinh doanh và làm hàng mã.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Tâm, con trai của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế, người đã nỗ lực duy trì và thành công trong việc quảng bá, giới thiệu, phát huy giá trị nghề làm tranh dân gian Đông Hồ trong vài năm gần đây cho biết: Thời kháng chiến chống Pháp, làng tranh bị giặc đốt phá, các bản khắc tranh bị thiêu cháy. Người dân trong làng lo chạy loạn, không quan tâm lưu giữ nghề.

Sau 1954, làng tranh dần nhen nhóm hoạt động trở lại nhưng không hiệu quả nên nghề làm tranh có nguy cơ thất truyền. Tiếc vốn quý của tổ tiên, năm 1991, cha của ông – nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế - đã cùng gia đình bắt tay phục hồi nghề làm tranh.

Ông tìm mua các bản khắc gỗ còn sót lại trong các gia đình. Những bản khắc có tuổi đời hàng trăm năm không bắt đầu hư hỏng, ông mày mò tìm cách phục chế, đồng thời nghiên cứu, làm các bản khắc mới. Gia đình phải kết hợp làm vàng mã để có tiền “nuôi tranh”.

Thực tế, từ năm 2006, với tâm huyết cho sự tồn tại của một di sản văn hóa dân tộc, nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đã cùng con cháu mạnh dạn đầu tư gần 3 tỷ đồng, xây “Trung tâm trao đổi văn hóa tranh dân gian Đông Hồ” trên diện tích 5.000m2 đất thuê giá ưu đãi từ địa phương, bao gồm khu nhà sản xuất giấy, khu in tranh, giã điệp và khu nhà trưng bày bán cho du khách.

Hiện nay, trung tâm đã trở thành nơi lưu trữ thường xuyên cho 200 bức tranh Đông Hồ các loại, trưng bày 1.000 bản khắc, khuôn tranh, trong đó có nhiều bản khắc gỗ quý hiếm cách đây khoảng 200 năm. Các sản phẩm hiện tại do con cháu gia đình nghệ nhân chế tác hoặc mới được phục chế. Đây cũng là nơi để thanh niên làng đến tìm hiểu, học nghề làm tranh.

Quyết chí giữ gìn nghề tranh cổ truyền, cũng vào khoảng thập niên 90 của thế kỷ trước, nghệ nhân Nguyễn Hữu Sam đã cùng gia đình lần hồi thu gom được hơn 600 bản khắc tranh cổ quý giá từ các gia đình làm tranh của làng. Với hy vọng có ngày làng nghề lại hồi sinh, ông vừa tận tụy truyền nghề cho con cháu, vừa tiếp tục kiên trì sáng tạo.

Đến nay, một số con cháu của ông đã trở thành các nghệ nhân trẻ, nắm vững mọi bí quyết của từng công đoạn tạo ra tranh Đông Hồ. Trong đó, nghệ nhân Nguyễn Hữu Quả đã trở thành chủ nhân của một cơ sở sản xuất tranh nổi tiếng trong làng, thu hút nhiều khác trong nước và nước ngoài đến thưởng ngoạn, mua tranh.

Nghệ nhân Nguyễn Đăng Giáp tái hiện tranh trổ giấy – một dòng tranh dân gian của làng Đông Hồ.

“Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Ảnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bắc Ninh thì đến thời điểm hiện tại, làng Đông Hồ chỉ còn 2 dòng họ nói trên và một số rất ít nghệ nhân thực sự giữ được nghề làm tranh.

Để bảo vệ và duy trì nghề làm tranh Đông Hồ như hiện nay, ngoài nỗ lực của các nghệ nhân, còn có sự đóng góp tích cực từ các nhà nghiên cứu. Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội với dự án khôi phục tranh dân gian Việt Nam trong đó có cuốn sách “Dòng tranh dân gian Đông Hồ” là “kho” tư liệu quý đươc các tác giả Nguyễn Thị Thu Hòa, GS. Trịnh Sinh, nhiếp ảnh gia Lê Bích dày công đầu tư…

UBND tỉnh Bắc Ninh cũng đã nỗ lực bảo vệ, phát huy giá trị văn hóa của tranh dân gian Đông Hồ. Từ tháng 6-2014, UBND tỉnh Bắc Ninh đã phê duyệt Ðề án "Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa tranh dân gian Ðông Hồ, huyện Thuận Thành, giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến 2030" với tổng kinh phí gần 60 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn khác.

Đề án được xây dựng với mục tiêu nhằm khẳng định giá trị nổi bật của tranh dân gian Đông Hồ; xác định hiện trạng và nguy cơ mai một của dòng tranh này. Đề án đã xây dựng một số các dự án phục hồi, phát triển tranh dân gian Đông Hồ. Trong đó, Trung tâm bảo tồn và phát huy giá trị tranh dân gian Đông Hồ được thực hiện từ năm 2014 – 2020, kinh phí thực hiện là 50 tỷ đồng.

Dự án xây dựng hồ sơ ứng cử Quốc gia tranh dân gian Đông Hồ trình UNESCO đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp thực hiện từ năm 2014 – 2016 với kinh phí 7,8 tỷ đồng… Tỉnh Bắc Ninh cũng đang khuyến khích các doanh nghiệp chú trọng đẩy mạnh các tour du lịch cộng đồng về Thuận Thành, tuyến chùa Dâu - chùa Bút Tháp - làng tranh Đông Hồ, tăng cường hoạt động quảng bá tranh dân gian Đông Hồ tới trường học, thị trường quốc tế.

Việc UBND tỉnh hoàn tất hồ sơ đề nghị UNESCO ghi danh nghề làm tranh dân gian Đông Hồ vào hạng mục di sản cần được bảo vệ khẩn cấp là tín hiệu vui với người dân Đông Hồ nói riêng, người yêu quý di sản văn hóa Việt Nam nói chung. Việc UNESCO ghi danh được kỳ vọng sẽ tạo thành cú hích để “hồi sinh” dòng tranh dân gian đặc sắc này.

Khẳng định tranh dân gian Đông Hồ xứng đáng được công nhận và bảo tồn bởi giá trị nghệ thuật cũng như giá trị truyền thống mà nó đem lại nhưng ông Ảnh cũng chia sẻ: 

Để một di sản được vinh danh đã không dễ, nhưng để lưu giữ, bảo tồn di sản ấy lại là một câu chuyện dài. Tránh tình trạng di sản bị mai một hay bị tước danh hiệu, việc lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau thông qua giáo dục, tuyên truyền, biểu diễn... cần thực hiện đồng bộ, sâu rộng trong cộng đồng. 

Có như thế, di sản văn hóa mới thực sự ăn sâu vào đời sống cộng đồng và được cộng đồng bảo vệ, tôn vinh. Hi vọng với sự “chung sức đồng lòng” của chính các nghệ nhân, nhà nghiên cứu, chính quyền và cộng đồng địa phương, một ngày không xa, tranh Đông Hồ sẽ phát triển trở lại, rực rỡ như lịch sử vốn có của nó, góp phần làm nên bản sắc Việt Nam như lời thơ của thi sĩ Hoàng Cầm "Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp”.

P.V (Theo CAND)
Bình luận
Back To Top