Hướng đổi mới cho sân khấu

14:55 - Thứ Hai, 30/03/2020 Lượt xem: 8273 In bài viết

Thời gian gần đây, khán giả được chứng kiến những “phép thử” táo bạo của sân khấu truyền thống với sự kết hợp của nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau. Sự kết hợp này không những mang đến sự phong phú, hấp dẫn cho sân khấu mà còn mở ra hướng đi mới giúp sân khấu thoát khỏi sự trầm lắng để tiếp cận gần hơn công chúng.

Một cảnh trong vở Ngàn năm mây trắng kết hợp nhiều loại hình sân khấu truyền thống.

Tiêu biểu nhất cho sự kết hợp nêu trên phải kể tới vở kịch hát “Ngàn năm mây trắng” của tác giả PGS, TS Nguyễn Thế Kỷ. Sự đồng hành của hai đạo diễn ở hai bộ môn nghệ thuật truyền thống khác nhau là NSND Thanh Ngoan - Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam và NSND Triệu Trung Kiên - Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam đã làm nên một vở diễn đặc biệt với sự pha trộn của cả chèo, cải lương, hát xẩm và hát văn Huế. Khi biết ý tưởng dàn dựng vở, nhiều người trong nghề không khỏi e ngại vì sự kết hợp này nếu không khéo có thể tạo nên một món pha tạp. Nhưng thật bất ngờ, khi trình làng, vở diễn đã khẳng định được sự tài tình trong xử lý nội dung và nghệ thuật của ê-kíp sáng tạo và biểu diễn khi cùng lúc tôn vinh được vẻ đẹp của nhiều loại hình nghệ thuật âm nhạc khác nhau. Trước vở diễn này, Nhà hát Cải lương Việt Nam cũng đã từng thử nghiệm khá thành công với “Chuyện tình Khau Vai” khi mang lên sân khấu cải lương những giai điệu âm nhạc dân gian miền núi Tây Bắc; hay với “Ngạ quỷ” là sự kết hợp lần đầu giữa ngôn ngữ cải lương và ngôn ngữ rối...

Với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, những dự án được Liên đoàn ra mắt gần đây cũng đã thể hiện quyết tâm kéo khán giả tới rạp khi mạnh dạn kết duyên xiếc với nhiều ngôn ngữ biểu diễn khác. Đó là trường hợp của “Phù thủy đại chiến” - một vở xiếc có sự kết hợp đậm đặc giữa ngôn ngữ xiếc và ngôn ngữ ảo thuật để tạo nên vở diễn có nội dung hoàn chỉnh. Hay mới đây nhất là sự bắt tay giữa lãnh đạo Liên đoàn và Nhà hát Cải lương Việt Nam để lên ý tưởng thực hiện dự án dài hơi mang tên “Huyền sử Việt”.

Dự án là sự kết hợp giữa ngôn ngữ cải lương và xiếc nhằm thể hiện những huyền tích dân gian về các vị thánh trong tứ bất tử của Việt Nam, hứa hẹn mang đến nhiều thú vị cho công chúng yêu sân khấu...

Có thể thấy, trong bối cảnh sân khấu truyền thống đang ở thế khủng hoảng thiếu khán giả, sự xuất hiện của những tác phẩm nghệ thuật nêu trên đã mang đến hơi thở, tín hiệu mới, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa sân khấu và công chúng hiện đại. Điều này thể hiện nỗ lực không ngừng của các đơn vị nghệ thuật truyền thống trên hành trình chinh phục khán giả, đồng thời cũng gợi mở hướng đi mới để những người làm sân khấu chiêm nghiệm và thử sức. Đó là tìm ra những mắt xích để liên kết và khám phá đến tận cùng vẻ đẹp của nhiều loại hình nghệ thuật khi kết hợp chúng trên cùng một sàn diễn sân khấu.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải bất cứ sự kết hợp tương tự nào cũng mang đến thành công cho ê-kíp sáng tạo. Có những vở diễn đi theo hướng này vừa thành hình đã phải dừng lại vì bị đánh giá là lộn xộn, lai tạp. Có trường hợp khi đưa ô-pê-ra vào cải lương đã tạo ra sự khiên cưỡng, khó chấp nhận với người xem... Vì thế, hướng đi này vừa mở ra cơ hội vừa là thách thức khó khăn. NSND Triệu Trung Kiên cho biết: Bằng cách kết hợp nhiều loại hình nghệ thuật trong một vở diễn sân khấu, những người thực hiện có thêm nhiều “đất” để thử sức, để khám phá và thỏa mãn khả năng sáng tạo của mình. Nhưng cái khó nhất là làm thế nào để khi đặt cạnh nhau, các loại hình không bị lẫn, bị nhòe vào nhau mà vẫn thể hiện được những nét đẹp riêng; loại hình này tôn vinh, làm bật vẻ đẹp của loại hình kia và ngược lại... Điều này đòi hỏi những người sáng tạo vừa phải mạnh dạn, quyết tâm trong thử nghiệm, vừa phải tài tình, khéo léo trong xử lý. Đối với các nghệ sĩ biểu diễn, sự kết hợp này mang đến cơ hội để họ được cọ xát, giao lưu với các đồng nghiệp ở nhiều loại hình nghệ thuật khác. Song đây cũng là thách thức buộc họ phải học hỏi và khám phá, đa dạng hóa năng lực diễn xuất của bản thân. Nghệ sĩ cải lương Văn Đáng chia sẻ, tham gia vở diễn “Ngạ quỷ”, anh đã đổ mồ hôi, sôi nước mắt vì khi phải vào vai chính Dương Khương, khi phải thực hiện động tác của rối ác, rối thiện. Vai diễn không những bắt anh phải làm quen và luyện tập đến độ nhuần nhuyễn những động tác của nghệ thuật rối, mà còn đòi hỏi thay đổi sắc mặt, giọng nói liên tục, vừa ca cải lương, vừa phải diễn rối. Nếu không quyết tâm và luyện tập với cường độ cao sẽ không thể thể hiện tròn vai...

Qua những thử nghiệm nêu trên mới thấy, cùng lúc đưa nhiều loại hình nghệ thuật vào một vở diễn sân khấu đích thực tiềm ẩn không ít rủi ro cho vở diễn hay chương trình sân khấu. Nhưng đó là những “phép thử” cần thiết đòi hỏi sự dám dấn thân của cả những người sáng tạo và biểu diễn, bởi đây là cánh cửa hứa hẹn mở ra nhiều điều bất ngờ, thú vị để chấn hưng sân khấu nước nhà.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top