Ý nghĩa mới trong thời chống dịch của những bức tranh cũ

10:20 - Thứ Tư, 08/04/2020 Lượt xem: 10813 In bài viết

Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu chùm tranh cổ động được sáng tác trong giai đoạn từ năm 1967-1978 đang được lưu giữ tại Bảo tàng, không chỉ để ôn lại lịch sử, mà còn để khám phá thêm những ý nghĩa mới hết sức phù hợp với thời chống dịch của những bức tranh thời chiến này.

Tác phẩm "Đọc báo cho thương binh nghe" của họa sĩ Trần Hữu Tê, sáng tác năm 1975.

Chùm tranh được Bảo tàng giới thiệu nhân cuộc vận động sáng tác Tranh cổ động phòng chống dịch bệnh Covid-19 do Cục Văn hoá cơ sở (Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) tổ chức. Theo Ban tổ chức, chùm tranh này không chỉ phản ánh lịch sử hào hùng của dân tộc, mà còn có ý nghĩa gắn với thời cuộc, góp phần động viên, khích lệ tinh thần lao động, chiến đấu của Chính phủ và toàn dân trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tranh cổ động là thể loại xung kích của mỹ thuật nước nhà trước những sự kiện chính trị, những vấn đề thời sự của đất nước. Các hoạ sĩ vẽ tranh cổ động luôn là người đi đầu phản ánh đời sống xã hội bằng ngôn ngữ đồ hoạ cô đọng, súc tích, tác động mạnh mẽ đến người xem, khích lệ toàn quân, toàn dân tham gia kháng chiến, thi đua lao động sản xuất để phục vụ Cách mạng.

Những bức họa thời chiến, nhưng khi đưa ra đặt vào bối cảnh hôm nay, khi cả nước đang đồng lòng cùng nhau chống dịch, lại thấy có những ý nghĩa thời sự nhất định.

Bức tranh lụa “Đọc báo cho thương binh” của họa sĩ Trần Hữu Tê (1934 - 2002) hoàn thành năm 1975, khắc họa khung cảnh bên trong một lán cứu thương thời chiến. Nữ quân y đọc tin tức về các mặt trận, chung quanh chị là các thương binh dường như đang quên đi đau đớn của bản thân để hướng về những thông tin chiến trường. Theo thông tin của Bảo tàng, tác phẩm được thể hiện trên chất liệu lụa, với kỹ thuật nhuộm từng lớp màu, rửa nhiều lần cho đến khi nào đạt yêu cầu mới dừng. Tác giả rất thành công trong việc sử dụng màu trắng, từ độ chuyển sắc và đậm nhạt tinh tế trong trẻo, đến tạo gam màu êm nhẹ, chiều sâu của không gian xa, gần cho bức tranh.

Với góc nhìn tinh tế, tác giả ca ngợi những người chiến sĩ cho dù phải hy sinh, mất mát về thể xác, nhưng vẫn ngời sáng một ý chí quyết tâm chiến đấu bảo vệ quê hương, đất nước, hướng tới một tương lai tươi đẹp cho dân tộc.

Tác phẩm “Chiến lũy” của họa sĩ Lê Anh Vân (ảnh trên), sáng tác năm 1985, tái hiện khung cảnh Hà Nội năm 1946, quân và dân trong tinh thần sẵn sàng chiến đấu. Giữa dãy bàn gãy đổ, cùng bánh xe bò, tấm bình phong ngổn ngang, hình ảnh bốn người chiến sĩ đầu đội mũ ca-lô, người áo trấn thủ, người vận sơ-vin hiện lên trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Họa sĩ cho biết, trong khung cảnh chiến tranh đổ nát ấy, chi tiết lọ hoa tươi bằng vỏ đạn, chú chó đang nằm dưới chân người chiến sĩ, hay con gà trống mang ý nghĩa “Đại cát” của Việt Nam hiên ngang đậu trên cao, đều mang tính biểu tượng, phản ánh mạnh mẽ tinh thần lạc quan, chất lãng mạn, trữ tình cùng nét phóng khoáng, sự yêu đời của người lính Hà Nội giữa chiến tranh ác liệt, cùng những hy sinh, mất mát, đau thương. Họa sĩ cũng từng chia sẻ, trong bức tranh, chiến lũy chính là biểu tượng cho nhân dân. Nhân dân luôn đồng hành với chiến sĩ, cùng nhau bao bọc và bảo vệ Hà Nội, bảo vệ Tổ quốc…”

Bức tranh sơn dầu “Chiến lũy” đã giành giải nhất tại Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc năm 1985, được giới chuyên môn đánh giá là góp phần quan trọng hình thành nên những nhân tố đầu tiên cho nền Mỹ thuật Việt Nam thời kỳ Đổi mới.

Vinh quang được là người chiến sĩ.

Ngoài ra, theo Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, những bức tranh cổ động thời chiến cũng trở nên có ý nghĩa thời sự trong mùa dịch Covid-19 này. Bức tranh bột màu “Theo bước Hai Bà Trưng quét sạch thù xâm lược” của họa sĩ Phạm Văn Đôn vẽ năm 1978 gợi nhắc đến lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: “Nhân dân ta có truyền thống yêu nước, nhân nghĩa. Mỗi khi đất nước gặp khó khăn, truyền thống đó lại càng được nhân lên gấp bội”.

Một bức tranh bột màu khác của họa sĩ Đào Đức vẽ năm 1968 “Đẩy mạnh sản xuất, sẵn sàng chiến đấu” gợi nhắc đến Chỉ thị 11 của Thủ tướng Chính phủ: “Tập trung thực hiện “nhiệm vụ kép” là vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội”.

Cũng như vậy, bức “Lúa nhiều thắng lợi càng to của họa sĩ Bùi Trang Toà phù hợp với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ: “Nông nghiệp không chỉ giúp đủ ăn mà còn làm giàu được. Đó là cơ hội, là niềm tin mới mạnh mẽ, có thể phát triển tiềm năng, sự đa dạng của từng địa phương”.

Ngoài ra, rất nhiều tác phẩm tranh cổ động khác như “Trong mọi tình huống, côngnhân bám máy lò sản xuất” của họa sĩ Nguyễn Văn Thiện vẽ năm 1967, “Hà Nội quyết đạt 80 tấn rau/ha” của họa sĩ Trường Sinh vẽ năm 1967, “Chắc tay lái đưa hàng tới đich” của họa sĩ Nguyễn Thụ vẽ năm 1967, “Vinh quang được là người chiến sĩ” của họa sĩ Xuân Đông vẽ năm 1978, “Chung một ngọn cờ” của họa sĩ Huỳnh Phương Đông vẽ năm 1976… đều mang những ý nghĩa thời sự như “Phải đảm bảo hàng hóa lưu thông, hoạt động sản xuất kinh doanh”, “Quân đội của chúng ta luôn là trụ cột của quốc gia” của Thủ tướng Chính Nguyễn Xuân Phúc hay như lời kêu gọi “Toàn thể dân tộc Việt Nam ta hãy cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để chiến thắng đại dịch Covid-19!” của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Chung một ngọn cờ.

Nghệ thuật cũng đồng lòng cùng đất nước chống dịch, cho dù ở thời điểm nào.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top