Thách thức trong bảo tồn di sản văn hóa

08:52 - Thứ Năm, 16/04/2020 Lượt xem: 9939 In bài viết

ĐBP - Công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh những năm qua đã được các cấp, ngành quan tâm triển khai và thu được nhiều kết quả quan trọng. Tuy nhiên, trong công tác này vẫn còn không ít khó khăn, thách thức mà đội ngũ những người tâm huyết với văn hóa truyền thống đang phải nỗ lực vượt qua.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú, huyện Tuần Giáo thêu trang phục truyền thống.

Khi nền kinh tế phát triển, mọi nhu cầu về hàng hóa của người dân đều được đáp ứng với những sản phẩm công nghiệp dẫn đến mai một tri thức dân gian và kỹ thuật nghề thủ công truyền thống như đan lát, thêu, dệt... Xưa kia kéo tơ, dệt vải, thêu thùa là nét văn hóa truyền thống phổ biến ở khắp các bản đồng bào dân tộc ở Ðiện Biên. Không chỉ tạo ra những sản phẩm sử dụng hàng ngày mà nó còn thể hiện sự khéo léo và óc sáng tạo của người phụ nữ. Ðể có một tấm vải thổ cẩm đẹp với nhiều hoa văn rực rỡ, mang màu sắc riêng của dân tộc mình, người thợ phải mất hàng tuần, có khi cả tháng, cả năm mới hoàn thành. Bởi vậy, ngoài giá trị sử dụng, các sản phẩm này còn chứa đựng trong đó cả linh hồn của dân tộc họ. Nhưng ngày nay giao thương thuận lợi, những sản phẩm may mặc hầu như được bày bán sẵn ở các chợ vùng cao với giá thành rẻ, mẫu mã đẹp. Do vậy, kỹ thuật thủ công truyền thống này chỉ còn lưu giữ trong một bộ phận những người đam mê, yêu thích, mà phần đa họ đều đã lớn tuổi.

Tập quán, nét văn hóa truyền thống, thêu, dệt đã khó tồn tại thì tất nhiên các trang phục dân tộc truyền thống cũng có nguy cơ mai một hoặc không còn sử dụng. Khảo sát của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho thấy: Hiện nay, trang phục nam của các dân tộc ít người hầu như không còn lưu giữ hoặc không nguyên bản theo truyền thống. Trang phục nữ giới gìn giữ tốt hơn, song không được sử dụng phổ biến, chỉ mặc trong dịp lễ, tết hoặc các sự kiện văn hóa của gia đình và cộng đồng. Câu chuyện của người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ, huyện Ðiện Biên Ðông là một ví dụ rõ nét. Là dân tộc ít người, sinh sống giao thoa lâu đời với dân tộc Thái nên nhiều nét văn hóa của người Xinh Mun cũng bị ảnh hưởng. Trong giao tiếp, họ sử dụng cả tiếng dân tộc mình và tiếng Thái. Trang phục truyền thống của họ giờ chỉ còn trong ký ức, lời kể của những người cao tuổi bởi từ người già đến trẻ nhỏ đều mặc trang phục của người Thái hoặc người Kinh… Hay người Phù Lá ở bản Khua Chá, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo cũng đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ gần như sinh sống chung với người Mông, nói tiếng Mông, tiếp thu văn hóa Mông và trang phục cũng không ngoại lệ. Hiện nay, người Phù Lá ở Khua Chá gần như không mặc trang phục của dân tộc mình, mà chuyển sang mặc trang phục như người Mông hoặc người Kinh.

Một thách thức nữa là việc giữ gìn, kế tục, thực hành và truyền dạy văn hóa truyền thống của người nắm giữ tri thức đó cho thế hệ trẻ của người dân còn hạn chế. Trong khi thế hệ trẻ chưa chủ động tìm hiểu, kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc. Bởi lẽ bước vào thời đại 4.0, việc hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới trong đó có hội nhập văn hóa đã dẫn tới sự du nhập, giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau vào nước ta. Có những văn hóa tích cực nhưng cũng không ít văn hóa ngoại lai làm ảnh hưởng đến văn hóa truyền thống. Giới trẻ ngày nay lại chỉ mải mê với những thứ hiện đại mà quên mất nguồn cội của mình bắt đầu từ chính những nét văn hóa truyền thống.

Hạn Khuống là thể hát đối đáp trai - gái được truyền khẩu lâu đời của người Thái đen bản Him Lam II, phường Him Lam (TP. Ðiện Biên Phủ). Nhờ sinh hoạt Hạn Khuống này, nhiều đôi trai gái đã hát giao duyên rồi kết bạn, kết duyên nên vợ, nên chồng. Có thể thấy, đây là nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng chủ yếu dành cho lớp trẻ. Thế nhưng hiện nay, vì chưa tìm được người trẻ để trao truyền, việc biểu diễn thực hành Hạn Khuống lại do một nghệ nhân đã ở tuổi lục tuần duy trì thực hiện. Ðó là niềm trăn trở của chính nghệ nhân cũng như những người làm công tác văn hóa ở nơi đây.

Lễ Kin Pang Then của người Thái trắng tại TX. Mường Lay cũng đã được công nhận là 1 trong 8 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội này đã được các cấp, ngành, đơn vị chuyên môn thực hiện phục dựng thành công. Nhưng nỗi niềm đau đáu của những người tâm huyết với văn hóa là đến nay vẫn chưa tìm được người có khả năng thực hành nghi lễ Then và có đủ “căn duyên” để tiếp nối truyền thống. Nếu không tìm được người kế thừa, rất có thể Lễ Kin Pang Then độc đáo của người Thái trắng có nguy cơ bị mai một trong tương lai không xa…

Trước những thách thức trong bảo tồn di sản văn hóa, các cấp, ngành và nhất là ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thể đứng ngoài cuộc. Ông Ðào Duy Trình, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch) cho biết: Tỉnh đã và đang triển khai Ðề án tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Ngoài việc nỗ lực bảo tồn, Ðề án còn tập trung vào đầu tư, phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, nâng cao đời sống văn hóa cho các dân tộc trong tỉnh. Ngoài ra, Kế hoạch số 2165/KH-UBND về việc bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030 cũng đang được triển khai thực hiện. Trong đó, tập trung duy trì, phát triển mô hình hợp tác xã, cơ sở sản xuất và xây dựng mới các làng nghề liên quan về trang phục truyền thống; duy trì tổ chức hoạt động tuyên truyền, quảng bá và phát huy giá trị trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Ngành Văn hóa cũng đang nỗ lực kiểm kê, lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngành tích cực tham mưu tổ chức một số hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch nhằm khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia thực hành các loại hình di sản văn hóa. Ðồng thời, tiếp tục tham mưu việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể để kịp thời tôn vinh vai trò của các nghệ nhân và tạo động lực để các nghệ nhân có thêm nhiều cống hiến trong quá trình truyền dạy, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa các dân tộc…

Diệp Chi
Bình luận
Back To Top