“Đòn bẩy” hội sách online

14:47 - Thứ Sáu, 08/05/2020 Lượt xem: 8005 In bài viết

Thay vì một hội sách nhộn nhịp đón khách như các năm trước, để tránh dịch Covid-19, Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 với chủ đề Khuyến khích văn hóa đọc trong mùa dịch đã được tổ chức.

Diễn ra từ ngày 19-4 đến ngày 20-5, thành công của Hội sách không đong đếm bằng số lượt truy cập hay số lượng sách được đặt mua, mà quan trọng là đánh dấu bước chuyển của ngành Xuất bản trong cách đồng hành cùng bạn đọc.

Hội sách do ngành Xuất bản tổ chức không chỉ nhằm nâng cao hiệu suất bán hàng, mà còn lan tỏa thông điệp truyền thông về sách.

Hội sách online không quá mới mẻ đối với nhiều độc giả, đặc biệt là người trẻ khi nhiều năm qua đã xuất hiện các website bán sách trực tuyến như Tiki, Vinabook, Fahasa... Cuộc sống bận rộn, không còn nhiều thời gian để thong thả dạo qua các cửa hàng sách, độc giả ngày nay hoàn toàn có thể “rước” sách về chỉ sau một vài cú kích chuột.

Trên các website bán sách trực tuyến, thông tin về sách thậm chí còn đa chiều hơn so với khi đến các cửa hàng. Ngoài giới thiệu sơ lược nội dung sách, tác giả, dịch giả, đơn vị xuất bản, người mua sách online còn có thể đọc ý kiến bình luận, phản hồi của độc giả khác về nội dung tác phẩm, về bản dịch, về hình thức, chất lượng sách hay cung cách phục vụ của đơn vị bán hàng trực tuyến... Đặc biệt, các “sàn sách” online không chỉ thực hiện chế độ chiết khấu mà còn thường xuyên “hút” khách bằng các chương trình khuyến mãi như siêu giảm giá, bán sách đồng giá, tặng voucher...

Song, dù các website bán sách trực tuyến có hoạt động tốt đến đâu thì cũng đơn thuần chỉ là “chợ sách”. Các hội sách trực tuyến của các website này, dù được tổ chức thường xuyên và thu hút người mua mạnh mẽ thế nào thì vẫn chỉ là các chương trình khuyến mãi để tăng sức tiêu thụ. Trong khi đó, “sứ mệnh” của hội sách do ngành Xuất bản tổ chức không chỉ nhằm nâng cao hiệu suất bán hàng, mà còn lan tỏa thông điệp truyền thông về sách.

Thực tế, ngay từ những ngày dịch Covid-19 mới bùng phát, nhiều nhà xuất bản đã có chương trình hội sách online của riêng mình, song một hội sách có sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản dưới sự chỉ đạo xuyên suốt từ cơ quan quản lý nhà nước mới thực sự đem đến bữa tiệc sách phong phú cho người dân.

Tại các kỳ hội sách của ngành Xuất bản trước đây luôn có sự tham gia của nhiều đơn vị xuất bản trên cả nước với các chương trình tọa đàm về sách, các buổi giới thiệu tác phẩm mới, giao lưu tác giả - độc giả... Sự vào cuộc của toàn ngành Xuất bản ở mỗi kỳ hội sách mang lại tín hiệu vui về văn hóa đọc mà minh chứng là sự quan tâm đến sách của người dân ngày càng rõ ràng hơn.

Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 được tổ chức cũng như mọi năm, khác chăng chỉ là sự chuyển dịch từ “sàn thật” sang “sàn ảo”. Độc giả trước đây mỏi chân dạo hội sách thì nay mỏi tay kích chuột dạo các gian hàng online. Bạn đọc có thể tham khảo danh sách tác phẩm được đọc nhiều, những đầu sách nổi bật trong tuần, những tác giả tiêu biểu, xem video giới thiệu sách hoặc “ghé thăm” gian hàng sách của gần 50 đơn vị xuất bản...

Đặc biệt, Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 ứng dụng công nghệ để tổ chức nhiều buổi tọa đàm trực tuyến, các phòng xem chung, qua đó độc giả có cơ hội giao lưu với các diễn giả, tác giả ở nhiều lĩnh vực mà không còn lo ngại sự cách trở về không gian trong khi vẫn bảo đảm an toàn phòng dịch Covid-19.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ chia sẻ: “Tôi không quá kỳ vọng vào doanh thu nhưng rất hy vọng đây sẽ là đợt tập dượt, khởi đầu tốt của ngành sách trên sân chơi trực tuyến. Hội sách là hoạt động tốt trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Trong rủi có may, nhân cơ hội này, chúng ta có những hoạt động chuyển đổi số nhanh và toàn diện”.

Có lẽ, dịch bệnh là yếu tố buộc ngành Xuất bản phải đi nhanh hơn, tiến xa hơn, đồng hành với nhu cầu ngày càng cao của độc giả hiện đại. Sự quan tâm và đón nhận nhiệt tình từ bạn đọc khi Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 được tổ chức đã khẳng định vai trò quan trọng của sách, của văn hóa đọc, đồng thời cho thấy kênh online cần thiết đối với ngành Xuất bản như thế nào. Thực tế chứng minh, nhiều đơn vị làm sách đã ứng dụng tốt công nghệ, phát huy tối đa sức mạnh từ phương thức giới thiệu, bán hàng, giao lưu trực tuyến với độc giả, từ đó thêm vững chân trong thị trường sách đang có sự cạnh tranh mạnh mẽ.

Sách điện tử, thư viện trực tuyến, hội sách online... đã trở thành xu hướng trên thế giới. Ngành Xuất bản cần nhanh chóng nắm bắt xu hướng này nếu không muốn bị tụt hậu. Hội sách trực tuyến quốc gia 2020 là “đòn bẩy” để các kênh online của ngành Xuất bản hình thành và phát triển, tạo sự kết nối, liên thông trong toàn hệ thống. Rút kinh nghiệm từ lần tổ chức này, tin rằng sẽ có nhiều hội chợ sách trực tuyến khác được tổ chức nhằm tạo cơ hội tiếp cận tri thức đa dạng hơn cho bạn đọc cả nước, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc trong cộng đồng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top