Những người “truyền lửa” nhỏ tuổi

08:17 - Thứ Năm, 04/06/2020 Lượt xem: 8771 In bài viết

ĐBP - Cuối giờ chiều ngày cuối tuần, những tiếng ghi ta vụng về bập bùng phát ra từ căn phòng học của Trung tâm Bảo trợ trẻ em (BTTE) tỉnh. Ðó là tiếng đàn “nhập môn” của các em đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm. Bên trong, hơn chục em với nhiều độ tuổi đang ôm đàn say sưa tập từng nốt nhạc, từng thao tác dưới sự hướng dẫn của các bạn thuộc Dự án In Our Life - dự án tạo cơ hội, điều kiện giúp phát triển sự ưu tú cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn.

Một giờ học ghi ta của trẻ em Trung tâm BTTE tỉnh.

Một dự án ý nghĩa

Em Sùng Thị Y Na năm nay 14 tuổi, từ huyện Tủa Chùa được đón đến Trung tâm BTTE tỉnh đã 5 năm. Em thích hát, thích nhảy múa nhưng lại nhút nhát. Và em rất thích các loại nhạc cụ nhưng không có điều kiện “chạm tay” đến mong ước đấy. Hôm nay, được học ghi ta là điều em chưa từng nghĩ có thể thành hiện thực. Chăm chú theo dõi lời giảng, những lạ lẫm, bỡ ngỡ của buổi học đầu tiên nhanh chóng trôi qua, Y Na ôm đàn không còn gượng gạo, gảy vài tiếng lại càng hào hứng, say mê. Y Na chia sẻ: “Em thích lắm ạ! Em đăng ký học cả lớp đàn và lớp sáo. Khi các anh chị của In Our Life đến, em rất vui, đây là điều may mắn và ý nghĩa đối với em và các bạn. Tham gia các hoạt động ban đầu của Dự án, em được học nhảy, hát, vẽ, bây giờ chính thức học đàn, sáo. Và còn được đứng trên sân khấu, thể hiện bản thân. Chỉ thời gian ngắn nhưng em thấy mình tự tin hơn, mong muốn mình có thể làm được nhiều hơn nữa”.

Ngoài Y Na, hầu hết các em ở Trung tâm BTTE vẫn còn nhút nhát, e dè khi được hỏi lý do tham gia lớp học đàn, chỉ trả lời ngắn gọn: “Vì em thích ạ”. Chơi một vài nhạc cụ hay tham gia loại hình nghệ thuật nào đó là sở thích của nhiều người. Nhưng có người được tạo điều kiện học hỏi, phát hiện, bồi dưỡng năng khiếu, có người không. Giống như một phần ý nghĩa tên của Dự án In Our Life - Trong cuộc sống của chúng ta. “Trong cuộc sống có nhiều vấn đề, vui có, buồn có. Ví dụ như khi chúng em có ước mơ nghệ thuật hay chỉ đơn giản là yêu thích một thứ gì đó, có thể được bố mẹ đáp ứng, hỗ trợ. Còn với các bạn trong Trung tâm thì khó có điều kiện thực hiện được ước mơ, mong muốn, sở thích của bản thân. Vì vậy Dự án được thành lập với mục đích mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn, cơ hội phát triển bản thân cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và lan tỏa yêu thương tới mọi người” - em Lê Thu Hằng, Trưởng ban Truyền thông Dự án chia sẻ.

Ðược biết, Dự án được lập và triển khai hoạt động từ 28/4/2020, với sứ mệnh khơi gợi, phát triển sự ưu tú cho các học sinh trên địa bàn. Hoạt động hiện tại là giúp các em Trung tâm BTTE tỉnh phát triển năng khiếu âm nhạc và hội họa. Cụ thể đào tạo cho các em 3 loại hình nghệ thuật: Ðàn ghi ta, sáo trúc và hội họa. Ðợt đầu tiên mở lớp này, có 63 lượt học sinh Trung tâm đăng ký tham gia học. Thông qua các lớp nghệ thuật sẽ giúp các em phát huy năng khiếu bản thân, tăng khả năng tư duy, óc sáng tạo và sự tự tin, tạo tiền đề để phát triển, thích ứng và học tập tốt hơn. Trong mọi hoạt động, Dự án luôn hướng đến “phát triển sự ưu tú”. Phó Chủ tịch Dự án - em Nguyễn Tiến Khánh cho biết: “Chúng em cho rằng sự ưu tú của bản thân không chỉ xây dựng bởi năng lực, kiến thức mà còn là kỹ năng xã hội, sự tự tin và năng khiếu. Thực tế trong cuộc sống, có nhiều năng khiếu, tài lẻ sẽ có nhiều cơ hội hơn. Vì vậy thông qua các lớp âm nhạc, hội họa, Dự án vừa bồi dưỡng tài năng cho các bạn trong Trung tâm vừa chia sẻ kỹ năng sống, giao tiếp xã hội, khả năng truyền đạt và tự tin thể hiện bản thân, biểu diễn trước đông người, trên sân khấu cho các bạn”. Em Lương Thị Hậu (17 tuổi), đăng ký tham gia lớp học đàn tâm sự: Em đăng ký học đàn vì thích và cũng vì thấy các bạn của Dự án đều tài giỏi, tự tin, giao tiếp tốt. Em cũng muốn được như các bạn. Tham gia các hoạt động của Dự án, em đã học hỏi được các bạn rất nhiều, bản thân em sôi nổi hơn một chút và bớt nhút nhát”.

Những người “truyền lửa” nhỏ tuổi

Hoạt động ý nghĩa, gửi gắm nhiều mong đợi này không phải của tổ chức, đoàn thể lớn mà ít ai ngờ rằng là chương trình do các em học sinh, sinh viên trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ xây dựng. Thành viên Dự án chủ yếu là học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Ðôn và Trường THPT thành phố Ðiện Biên Phủ. Trực tiếp đứng lớp dạy các môn năng khiếu cũng là các cô, cậu học trò. Ðược biết Ban Ðào tạo của Dự án có 8 bạn. Các em đều là học sinh, thanh niên nổi bật, tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các em có sự say mê, tự học hỏi, trau dồi hoặc được bồi dưỡng thêm các môn năng khiếu. Em Hoàng Tùng Lâm là người dạy chính lớp đàn ghi ta, học đàn từ khi học lớp 5, có thể đệm được hầu hết các bài hát. Tuy mới là học sinh lớp 10 nhưng đứng trước hơn 10 bạn xấp xỉ tuổi mình, Lâm rất tự tin, dõng dạc và có phong thái như một người thầy thực thụ. Ôm cây ghi ta, Lâm giới thiệu về cây đàn, hướng dẫn các bạn tập gảy, bấm làm quen cho tay, rồi cùng các bạn trợ giảng của Dự án xuống từng học viên chỉ dạy tỉ mỉ. Ðể lớp học diễn ra suôn sẻ, Lâm đã có sự chuẩn bị rất kỹ càng. Lâm cho biết: “Em tham khảo rất nhiều giáo án dạy ghi ta, từ nhiều nguồn để tự soạn giáo án hướng dẫn các bạn ở Trung tâm. Dự kiến lớp của em sẽ kéo dài 15 - 20 buổi, sau chương trình, các bạn có thể thuần thục ghi ta cơ bản, đệm được các bài hát. Tuy nhiên cùng với học đàn tại lớp, các bạn phải thường xuyên tự luyện tập thì mới đạt được trình độ như mong muốn. Trước khi mở lớp, em đã vào Trung tâm làm quen và tham gia nhiều hoạt động với các bạn nên khá thân quen. Em cũng luôn cố gắng tạo bầu không khí học thoải mái, nhờ vậy mọi người đều tham gia vui vẻ, không áp lực gì”.

Ðể mở được các lớp năng khiếu, 28 thành viên Dự án In Our Life đã có 1 tháng vận động gây quỹ bằng nhiều hình thức. Với sự năng động, nhiệt huyết, sáng tạo cùng tài năng của mình, các em đã tổ chức 10 buổi du ca, bán hàng gây quỹ tại trung tâm TP. Ðiện Biên Phủ. Ðồng thời kêu gọi các nhà tài trợ, cá nhân ủng hộ. Từ nguồn lực đó, Dự án tổ chức được 1 đêm giao lưu, tặng quà mang tên “Vì ngày mai” tại Trung tâm, mua sắm dụng cụ và tặng cho các em tham gia lớp học được tổng 8 cây đàn ghi ta, 10 cây sáo trúc, 10 bộ vẽ. Ðều là học sinh, sinh viên trong guồng quay học tập, Phó Chủ tịch Dự án - Nguyễn Tiến Khánh chia sẻ: Các bạn đều rất tích cực và say mê với Dự án nên ban đầu chúng em cũng lo sẽ ảnh hưởng đến việc học, sẽ không được gia đình ủng hộ. Dự án phải bố trí thời gian và nhân sự hợp lý. Thời gian bận rộn nhất (gây quỹ) đã qua, bây giờ các lớp học mở ổn định, 3 buổi/tuần nên sẽ không tốn nhiều thời gian. Nhờ vậy thầy cô và các phụ huynh cũng ủng hộ, hỗ trợ chúng em tham gia hoạt động của Dự án.

Nhận xét về Dự án, cô Ðinh Thị Nết, Bí thư Chi đoàn Trung tâm BTTE tỉnh cho rằng: “Trung tâm hiện đang nuôi dưỡng 62 cháu. Nhiều em có năng khiếu văn nghệ, nghệ thuật nhưng các cô lại không có khả năng hướng dẫn, bồi dưỡng các em những môn ấy. Dự án In Our Life thực sự thiết thực và ý nghĩa, các bạn Dự án đã “truyền lửa”, giúp khơi dậy năng khiếu, niềm đam mê âm nhạc, hội họa cho các con trong Trung tâm. Hơn nữa cũng giúp các em yêu đời, tự tin, yêu thương, giúp đỡ nhau hơn. Các em trong Trung tâm đều rất phấn khởi, mong đến chiều để các anh, chị, bạn thuộc Dự án vào dạy. Ðây là cơ hội để các em phát triển bản thân, tự tạo cơ hội và nắm bắt cơ hội trong cuộc sống.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top