Ðến với bài thơ hay

Trước trang giấy

08:40 - Thứ Năm, 18/06/2020 Lượt xem: 8386 In bài viết

Anh sẽ viết gì để người đời tôn trọng

Phù phiếm ngôn từ thời gian sẽ rửa trôi

Chỉ có thủy chung với vô cùng sự thật

Ðiều nhân dân yêu mến nhất trên đời

Ðừng vội tung hỏa mù, bẻ cong công lý

Tình tiết như rừng nhưng ai có ngẫm đâu

Sao không thấy quả trứng gà cõng mười bốn phí

Và bao nhiêu thứ phí nữa ngập đầu

 

Bài báo của anh có là hoa là bướm

Nhân dân mình chỉ thích gạo vậy thôi

Sao không viết cô giáo buồn lương chậm

Lớp học vùng sâu còn thiếu chỗ ngồi

 

Ðừng tô hồng cho nhà tranh, cầu tạm

Em đến trường đu thần chết sang sông

Có nhà đói cơm vì bao mùa khô hạn

Sự thật có xấu đâu mà phải vẽ vòng

 

Trước trang giấy xin lòng anh trong sáng

Giàu thương yêu để thấu cảm cùng người

Phải cương trực như cây rừng đứng thẳng

Bởi kết đoàn nên không ngã anh ơi!

                                                              Lý Thị Minh Châu

 

Lời bình

Trang viết của tấm lòng trong sáng, yêu thương

Nghề báo là nghề lao động chữ nghĩa. Lẽ thường là vậy. Nhưng sâu xa hơn, nghề báo còn đòi hỏi đạo đức và tấm lòng cao đẹp của người cầm bút. Vậy nên trước trang giấy trắng, những suy tư và trăn trở về nghề, về cuộc sống nhân dân lao động bao giờ cũng có ý nghĩa thức tỉnh lương tri để từ đó nhà báo cất lên tiếng nói của sự thật, phản ánh được muôn mặt đời thường mà mình từng khám phá, trải nghiệm. Bài thơ Trước trang giấy là nỗi niềm tâm sự, đồng thời là lời nhắn nhủ chân thành của tác giả Lý Thị Minh Châu với những chiến sĩ trên mặt trận báo chí: Hãy sống và viết trung thực, đặc biệt là phải giàu tình “thương yêu để thấu cảm cùng người”.

Bài thơ mở đầu bằng một lời tự vấn và đó cũng là mục đích tối thượng của nghề làm báo - nghề chữ nghĩa cao quý, được mọi người tôn trọng. “Anh sẽ viết gì” để mỗi từ, mỗi câu không phù phiếm, vô nghĩa trước thời gian? Lời tự vấn ấy đã trở thành ánh lửa thiêng soi đường mỗi khi cầm bút, bởi mục đích cao cả kia đã trở thành phương châm tối thượng của nghề nghiệp suốt đời theo đuổi:

Anh sẽ viết gì để người đời tôn trọng

Phù phiếm ngôn từ thời gian sẽ rửa trôi

Chỉ có thủy chung với vô cùng sự thật

Ðiều nhân dân yêu mến nhất trên đời

Vâng, chỉ có thủy chung với sự thật là “điều nhân dân yêu mến nhất trên đời”. Vậy nên, từ khổ thơ 2 đến khổ 5 là những quan niệm của tác giả về sự đúng - sai, về hiện thực đời sống và sự tô hồng thái quá rất dễ xảy ra đối với người làm báo. Bởi lẽ, cuộc sống chỉ có một sự thật là chân lý duy nhất, vì vậy đừng mong “tung hỏa mù”, “bẻ cong công lý” làm thay đổi thực tế. Trách nhiệm nghề nghiệp buộc mỗi nhà báo ngoài phản ánh mặt tốt, tích cực còn phải nhìn thấy cả mặt xấu, tiêu cực để phản biện và góp phần điều chỉnh xã hội, có như vậy cuộc sống mới ngày càng tiến bộ và phát triển. Cái thú vị ở những khổ thơ này chính là tác giả đã liệt kê một loạt những mặt trái từ chính sách quản lý đến vấn đề nhân sinh còn đang rất ngổn ngang, cần lắm những nhà báo dám dấn thân để viết và nói lên sự thật.

Trước tiên là tâm niệm về công lý, về những sai lầm trong chính sách, điều hành xã hội làm ảnh hưởng đến đời sống nhân dân được báo chí một thời chỉ ra đã được nhà thơ Lý Thị Minh Châu đưa vào làm cho bài thơ lôi cuốn và sống động hẳn lên, nhất là hình tượng “quả trứng gà cõng mười bốn phí”:

Ðừng vội tung hỏa mù, bẻ cong công lý

Tình tiết như rừng nhưng ai có ngẫm đâu

Sao không thấy quả trứng gà cõng mười bốn phí

Và bao nhiêu thứ phí nữa ngập đầu

Thêm nữa, nhà thơ cũng xác định người làm báo phải dám dấn thân vào hiện thực nhức nhối, không được né tránh cuộc sống với những “mảng tối” còn đang ngự trị xung quanh. Giá trị và hiệu quả của báo chí là qua mỗi bài viết phải góp phần mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, làm cho nhân dân yên vui và hạnh phúc hơn. Bởi lẽ, đâu đó quanh ta mỗi ngày vẫn còn biết bao hoàn cảnh đáng thương, những phận người khổ cực, những vùng miền khó khăn, những lớp học thiếu ghế thiếu bàn:

Bài báo của anh có là hoa là bướm

Nhân dân mình chỉ thích gạo vậy thôi

Sao không viết cô giáo buồn lương chậm

Lớp học vùng sâu còn thiếu chỗ ngồi

Ðặc biệt, ở khổ thứ 5, hình tượng thơ khơi gợi và dễ gây ấn tượng thông qua nghệ thuật ẩn dụ “Em đến trường đu thần chết qua sông”. Cám cảnh trước những cuộc đời vất vả, những vùng miền nghèo khó, nhà báo phải lên tiếng để toàn xã hội hướng về cùng chung tay với Chính phủ có trách nhiệm cưu mang, giúp đỡ. Ðó là lương tâm và bổn phận của người làm báo, vì vậy anh không được “vẽ vòng”, “tô hồng” hay né tránh thực tế:

Ðừng tô hồng cho nhà tranh, cầu tạm

Em đến trường đu thần chết sang sông

Có nhà đói cơm vì bao mùa khô hạn

Sự thật có xấu đâu mà phải vẽ vòng

Bài thơ khép lại bằng khổ thơ cuối giàu cảm xúc, bộc lộ trực tiếp tâm hồn tác giả khi nghĩ về nghề viết. Trước trang giấy trắng, các nhà báo vừa phải cương trực, trong sáng, đồng thời là những người giàu lòng yêu thương đối với nhân dân. Ðó là điểm tựa vững chắc, làm nên sự đoàn kết như lớp lớp cây rừng đứng thẳng, vượt qua bão giông khắc nghiệt để hoàn thành sứ mệnh cao cả mà Ðảng và nhân dân ủy thác cho mình:

Trước trang giấy xin lòng anh trong sáng

Giàu thương yêu để thấu cảm cùng người

Phải cương trực như cây rừng đứng thẳng

Bởi kết đoàn nên không ngã anh ơi!

Trước trang giấy là một bài thơ hay viết về nghề báo và trách nhiệm của người làm báo giữa cuộc đời. Giản dị và mộc mạc qua lớp ngôn từ, bài thơ thực sự là tiếng lòng đầy trăn trở, suy tư của tác giả về thiên chức người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ. Nói như Hồ Chủ tịch: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng, cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén. Ðó là nhiệm vụ vẻ vang và thiết thực góp phần vào phong trào ái quốc”.

Lê Thành Văn
Bình luận
Back To Top