Tản văn

Cày bừa một thuở

09:04 - Thứ Năm, 02/07/2020 Lượt xem: 14775 In bài viết

ĐBP - Cuối tuần, gọi điện về hỏi thăm mẹ, rằng: Mấy thửa ruộng ở nhà đã cày bừa xong để chuẩn bị xuống đồng cấy chưa? Mẹ thủng thẳng bảo: Lo gì, làng giờ đã có mấy cái máy, loáng một cái là xong ấy mà! Tôi chợt ngỡ ra: Giờ còn mấy ai cày bừa bằng trâu bằng bò nữa. Và rồi, những kỷ niệm bên cái cày bừa của một thời xa xưa ấy lại hiện về trong tâm trí…

Ở quê thời trước, vui nhất là mỗi dịp xuống đồng vào mùa, khi thì cày bừa, khi gieo cấy, rồi gặt lúa mang về. Thuở nhỏ, mới tờ mờ sáng, lúc anh em tôi còn cuộn tròn trong chăn, mẹ đã lọ mọ thức dậy lo cơm nước rồi vác cày vác bừa theo trâu ra đồng. Cả làng đều thế! Chẳng ai đợi đến sáng bảnh mới xuống đồng. Nhà nào cũng sớm đỏ đèn đỏ lửa. Rồi cứ thế là tiếng trâu bò bước đi thình thịch trên con đường làng quen thuộc, tiếng hàng xóm í ới nhau đi cày bừa.

Vào mùa cày bừa, cả cánh đồng quê chẳng khác nào một công trường lớn nhộn nhịp, huyên náo. Trên mỗi thửa ruộng, trâu bò cùng người trực tiếp cầm cày bừa cứ thế qua lại đều đặn. Tiếng lội nước bì bõm, tiếng người điều khiển, trò chuyện cùng vật nuôi, rồi người người hỏi han nhau chuyện cày cấy cứ thế râm ran cả một khoảng đồng làng. Những chú trâu vừa ngoan ngoãn kéo cày kéo bừa vừa tranh thủ gặm những ngọn cỏ non ven bờ hay nhẩn nha những ngọn lúa từ mầm rạ trên ruộng khiến ta thấy yêu sao những câu ca thuở mới cắp sách tới trường: “Trâu ơi ta bảo trâu này/ Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta”...

Mẹ bảo, để có được những luống cày, đường bừa thẳng tắp, bằng phẳng thật chẳng phải đơn giản. Người cầm cày cầm bừa phải điều khiển trâu bò đi sao cho thẳng, từng đường cày đường bừa lặp lại phải đi cạnh sát với đường cày đường bừa cũ, nếu không sẽ bị bỏ sót. Cày bừa khó nhất là chỗ góc ruộng, phải điều khiển trâu bò, lái cày, kéo rê bừa lượn vào góc sao cho đi vào được hết phần đất trong góc. Người cầm cày bừa đôi khi tùy từng chỗ đất mà phải ấn xuống hay kéo lên để cho lưỡi cày, răng bừa không phập sâu xuống cũng không quá nông, làm cho đất được lật lên hay đánh nhuyễn như ý muốn.

Nhớ nhất là những ngày mẹ tập cho chú bò của gia đình biết cày. Tôi lẽo đẽo theo mẹ ra đồng, giúp mẹ dắt bò đi trước trên mỗi đường cày. Vì còn yếu sức lại chưa quen đeo ách để kéo nên chú bò lúc thì bước đi chuệch choạc, khi lại đứng ì một chỗ chẳng chịu bước, rồi khi lại nhảy cẫng lên lộn thừng lộn chảo, tháo ách bỏ chạy. Nhớ cả những khi mang cơm trưa ra đồng cho mẹ... Một ngày theo bò trên mặt ruộng mỏi nhừ, mẹ lại vác cày vác bừa trở về với tấm áo cũ sờn, đẫm mồ hôi, chiếc nón ngả màu và khuôn mặt lấm lem bùn đất. Nghĩ mà thương mẹ thật nhiều!

Nhớ cả những kỷ niệm chẳng thể nào quên bên chiếc roi mỗi lần mẹ dùng để đi cày đi bừa. Roi thường được làm bằng một nhánh tre hay một đoạn cây mây đã phơi khô, gác bếp cho dẻo dai, bền chắc. Chiếc roi suốt năm tháng cứ ngự trị dưới mái hiên nhà. Roi dùng để đánh trâu nhưng lại trở thành nỗi ám ảnh của cả anh em tôi. Là bởi, mỗi lần phạm lỗi là bố lại rút chiếc roi xuống nghe cái “roạt” làm anh em tôi lạnh hết sống lưng. Tiếp theo, đứa nào cũng nằm thẳng, úp mặt xuống giường để chuẩn bị nghe bố hỏi tội và “phân chia phần thưởng” bằng những làn roi bỏng rát, nhớ đời.

Ðã xa rồi cái thời “Con trâu là đầu cơ nghiệp”. Giờ thì trâu bò chỉ được nuôi để sinh sản, lấy thịt, lấy sữa, chẳng mấy ai dùng để kéo cày. Cái cày cái bừa thủ công khi xưa cứ thế nằm buồn thiu nơi góc bếp, góc vườn… Rồi một ngày, có khi chẳng còn ai biết đến chúng nữa. Nghĩ mà thấy nao nao, thấy thân thương một thuở quê nghèo!

An Viên
Bình luận
Back To Top