''Đòn bẩy'' phát triển thư viện và văn hóa đọc

15:26 - Thứ Sáu, 10/07/2020 Lượt xem: 5951 In bài viết

Đầu năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố 10 sự kiện tiêu biểu trong năm 2019, trong đó, Luật Thư viện - động lực phát triển thư viện và văn hóa đọc, dẫn đầu kết quả bình chọn này. Điều đó cho thấy sự quan tâm của cộng đồng về sách đang ngày một nâng cao và việc ban hành Luật Thư viện 2019 giữ vai trò quan trọng trong việc phát triển văn hóa đọc...

Quan tâm đến các đối tượng yếu thế

Pháp lệnh Thư viện ra đời cách đây 16 năm nhưng đến nay nhiều nội dung đã không còn phù hợp với tình hình mới. Từ đầu tháng 7-2020, Luật Thư viện 2019 chính thức có hiệu lực, góp phần khắc phục hạn chế đó. 

Luật Thư viện 2019 được coi là dấu mốc quan trọng của ngành Thư viện, góp phần mở ra những cánh cửa mới cho văn hóa đọc phát triển khi quan tâm đến quyền và lợi ích của người dân, trong đó có các đối tượng đặc biệt như người cao tuổi, người dân tộc thiểu số, người khuyết tật... 

Phòng xử lý âm thanh trong thư viện sách nói.

Theo đó, người khiếm thị, khiếm thính được tạo điều kiện sử dụng tài liệu in chữ nổi Braille, tài liệu nghe, nhìn, tài liệu ngôn ngữ ký hiệu hoặc tài liệu đặc biệt khác của hệ thống thư viện. Tương tự, người dân tộc thiểu số được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin bằng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình.

Tài nguyên thông tin thư viện sẽ được bổ sung sản phẩm phù hợp với người cao tuổi; nếu đối tượng bạn đọc đặc biệt này không thể tới thư viện thì họ sẽ được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin tại nhà thông qua dịch vụ thư viện lưu động hoặc nội dung gửi qua bưu chính, không gian mạng khi có yêu cầu phù hợp với hoạt động của thư viện. Trẻ em được bố trí không gian đọc, sử dụng tiện ích thư viện và tài nguyên thông tin phù hợp với lứa tuổi, cấp học.

Ngoài ra, thương binh, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo được miễn các khoản chi phí khi làm thẻ thư viện. Người đang chấp hành hình phạt tù, học tập, cải tạo tại trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc được tạo điều kiện sử dụng tài nguyên thông tin của thư viện tại nơi giam giữ, nơi học tập và chữa bệnh.

Cơ chế liên thông giữa các thư viện cũng là một trong những điểm mới của Luật Thư viện 2019. Việc liên thông này có ý nghĩa rất lớn khi giúp bạn đọc trên cả nước có điều kiện tiếp cận nguồn tư liệu quý mà trước đây không thể thực hiện được.

Luật Thư viện 2019 thể hiện sự quan tâm đến các đối tượng yếu thế không chỉ trong vai trò bạn đọc, mà còn ở vị trí của những người sáng lập, quản lý các thư viện, phòng đọc cơ sở. Thực tế, trong vài năm trở lại đây, hàng trăm thư viện tư nhân, phòng đọc cơ sở do người cao tuổi, người khuyết tật thành lập đã ra đời và hoạt động hiệu quả tại nhiều địa phương. Những không gian đọc này trở thành địa chỉ văn hóa thu hút người dân sở tại, đặc biệt là trẻ em. Là nội dung được quy định cụ thể trong Luật, các không gian đọc có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn nhờ các cơ chế chính sách hỗ trợ như hướng dẫn nghiệp vụ tổ chức và quản lý thư viện; luân chuyển tài nguyên thông tin; hỗ trợ sách và các tiện ích thư viện...

Bên cạnh các tổ chức, cá nhân người Việt Nam tham gia thành lập thư viện, Luật Thư viện 2019 cũng mở rộng điều kiện thành lập thư viện ngoài công lập cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, yêu cầu.

Động lực cho văn hóa đọc cất cánh

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho rằng, để Luật Thư viện được áp dụng một cách hiệu quả trong đời sống, “đòi hỏi các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và có liên quan đến hoạt động thư viện trên lãnh thổ Việt Nam phải có sự hiểu biết và thực hiện nghiêm túc những quy định của Luật". Không ai đứng ngoài, từ các cấp lãnh đạo, người quản lý thư viện, nhân viên thư viện, tổ chức, cá nhân hỗ trợ thư viện, các cộng tác viên, người sử dụng thư viện. Chỉ khi mọi người đều nhận thức được ý nghĩa của việc đọc sách, tầm quan trọng của việc xây dựng thói quen đọc sách thì văn hóa đọc mới thực sự phát triển.

Luật Thư viện 2019 ra đời được coi là đòn bẩy tạo động lực cho ngành Thư viện phát triển, văn hóa đọc ở Việt Nam “cất cánh”. Có nghĩa là người dân Việt Nam sẽ có được điều kiện và môi trường đọc phù hợp, thuận tiện hơn, tốt hơn; và ngược lại, các hoạt động của thư viện sẽ được nhiều độc giả đón nhận và ủng hộ.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top