Mong manh chữ Thái cổ

08:28 - Thứ Bảy, 18/07/2020 Lượt xem: 9642 In bài viết

ĐBP - Khác với chữ Thái Việt Nam chuẩn hiện nay đã được mã hóa có thể sử dụng trên máy vi tính, thuận lợi cho công tác in ấn, xuất bản và giảng dạy, chữ Thái cổ lại có các nét chữ hoàn toàn riêng và chỉ có thể chép bằng tay. Trước dòng chảy của thời gian, cùng với sự tác động của những trào lưu văn hóa và hội nhập, chữ Thái cổ ở tỉnh ta ngày càng ít người biết đến và đang đứng trước nguy cơ mai một. 

Nỗi lòng người biết chữ

Ðể hiểu rõ hơn về chữ Thái cổ, chúng tôi tìm về Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Ðại, Ðội 21, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) - người mà đã hơn 25 năm nay luôn đau đáu với tâm nguyện làm sao để lưu giữ được chữ Thái cổ cho đời sau.

Nghệ nhân ưu tú Lương Thị Ðại nghiên cứu một cuốn sách viết bằng chữ Thái cổ.

Cẩn thận lật giở từng trang sách có viết chữ Thái cổ, Nghệ nhân Ưu tú Lương Thị Ðại chia sẻ: Ðây là cuốn thơ ca dân gian “Xống trụ xôn xao” (tiễn dặn người yêu) một trong 10 cuốn sách tôi mới nhận về từ Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Ðiện Biên Phủ để dịch sang chữ Quốc ngữ. Nhận về 10 cuốn, song đã nhiều tháng nay, tôi mới chỉ dịch được 5 cuốn, bởi chữ Thái cổ rất khó để hiểu. Một chữ phải đọc thành ba tiếng, liền với chữ thứ hai và ghép thành cả câu có nghĩa thì mới hiểu được. Cùng với đó, một chữ có thể có nhiều nghĩa nên rất khó nhớ, khiến người ta phải xem đi xem lại nhiều lần. Thêm vào đó, đây là những cuốn sách cổ được viết trên giấy dó có tuổi đời hàng trăm năm. Giấy dó dù bền song qua thời gian cũng sẽ bị mục nát, mối mọt do đó cũng rất khó trong quá trình dịch và ghi chép lại. Nhiều khi phải nghiền ngẫm để suy đoán nội dung giữa các đoạn, từ đó mới có thể hiểu được. Nếu những trang không thể đọc được phải bỏ đi sẽ không hiểu các trang còn lại, nên phải rất cẩn thận và cố gắng khắc phục bằng mọi giá.

Quả thật, nhìn cái cách bà Ðại nâng niu từng trang sách, cẩn thận, tỉ mỉ ghi chép từng câu, từng từ để mỗi chữ phiên dịch ra sát và chuẩn nghĩa nhất chúng tôi cũng phần nào hiểu được niềm đam mê và hơn hết là sự nặng lòng của bà với chữ Thái cổ. Với bà, chữ Thái cổ chính là chìa khóa để mở những cánh cửa, những vốn quý văn hóa của tổ tiên người Thái để lại. Bởi, người Thái trên mảnh đất Ðiện Biên trong quá trình sống, lao động, học hỏi và giao lưu đã tạo được những giá trị văn hóa riêng biệt từ hàng ngàn năm nay. Nhờ người Thái có chữ, nên có được rất nhiều tư liệu quý của cha ông để lại mà nếu chỉ truyền bằng miệng thôi thì sẽ không mô tả được đầy đủ, chi tiết.

Mang nhiều giá trị, ý nghĩa lịch sử như vậy, tuy nhiên, tìm hiểu được biết số người biết đọc, biết viết (nhất lại là đọc thông viết thạo) chữ Thái cổ trên địa bàn tỉnh ta trên thực tế chẳng còn được bao nhiêu, vả lại, phần lớn đều là các bậc cao niên như “tia nắng cuối ngày”...

Nguy cơ mai một

Từ nhiều năm nay, tiếng Thái đã được đưa vào giảng dạy tại cấp tiểu học và THCS tại một số địa bàn theo Ðề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, những người biết đọc, biết viết chữ Thái Việt Nam chuẩn hiện nay lại không thể đọc được những cuốn sách chữ Thái cổ. Bởi chữ Thái cổ có các nét chữ cũng như cách đọc riêng và hiện nay chỉ có thể chép bằng tay. Các tài liệu được ghi chép bằng chữ Thái cổ chủ yếu do một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian sưu tầm hoặc các thầy mo nắm giữ. Bên cạnh đó, một số gia đình cũng đang lưu giữ tài liệu chữ Thái cổ, song những tài liệu này không còn nhiều.

Tài liệu lưu giữ bằng chữ Thái cổ đã hiếm, những người đọc thông viết thạo chữ Thái cổ cũng không nhiều, bởi vậy, chữ Thái cổ ngày càng đứng trước nguy cơ mai một. Tâm huyết, trăn trở níu giữ chữ viết Thái cổ để truyền lại cho thế hệ sau, nên vài năm nay, bà Ðại đã cùng các thành viên của Hội Văn học Dân gian Việt Nam xây dựng ý tưởng, đề xuất Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam hỗ trợ kinh phí mở các lớp dạy chữ Thái cổ. Trong 2 năm (2018, 2019) đã có 2 lớp dạy chữ Thái cổ được mở trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ và xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) với khoảng 60 học viên tham gia. Những người theo học đều có chung tình yêu với chữ Thái cổ, với cội nguồn dân tộc và khát khao được gìn giữ, tiếp nối giá trị truyền thống đó.             

Là một trong những người tham gia giảng dạy cả 2 lớp học đặc biệt trên, theo ông Lò Văn Cư, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên), người Thái có tiếng nói và chữ viết riêng, thế nhưng hiện nay hầu hết các thế hệ trẻ không biết đọc, biết viết loại chữ này. Bởi vậy, mong muốn của tôi là truyền dạy cho các thế hệ trẻ về chữ viết truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, họ có thể tìm hiểu về văn hóa của người Thái qua những câu ca dao, tục ngữ, bài hát... Ðồng thời, qua các lớp học giúp bổ sung, nhân rộng số lượng người am hiểu về chữ Thái cổ, hướng tới duy trì, kế thừa và phát huy giá trị của chữ Thái cổ cho thế hệ sau. Song có một thực tế đó là những học viên sau khi tham gia lớp học, họ có thể biết đọc, viết chữ Thái cổ, nhưng để có thể giảng dạy, truyền đạt lại những kĩ năng đọc, viết cho người khác thì lại là cả một quá trình cần có sự học hỏi, hiểu biết sâu rộng hơn rất nhiều, mà nếu không nhiệt huyết, không có đam mê sẽ rất khó để thực hiện.

Mang trăn trở và mong mỏi của những người đang giữ hồn chữ Thái, chúng tôi đến gặp ông Ðào Duy Trình, Trưởng phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Theo ông Trình, hiện nay không có chương trình hay đề án cụ thể nào về việc bảo tồn, phục dựng chữ Thái cổ. Việc bảo tồn nằm trong Ðề án Bảo tồn văn hóa dân tộc Thái nói chung. Nhiều năm nay, các tư liệu cổ về chữ Thái trên địa bàn tỉnh cũng đã, đang được tìm và thu thập. Tuy nhiên, do kinh phí hạn hẹp nên việc đi thu thập chưa được nhiều.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Thái, chữ Thái cổ được coi là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại và hiện nay chỉ còn lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử. Quả thật để lưu giữ, bảo tồn chữ Thái cổ, nếu chỉ dựa vào tâm huyết của một vài người thì không thể nào làm được. Nhưng không thể để những giá trị tinh thần đáng quý như vậy bị lãng quên, nhất là khi những giá trị ấy liên quan đến quá trình phát triển của một tộc người. Hi vọng rằng, thời gian tới, việc lưu giữ chữ Thái cổ sẽ có sự thay đổi, để trong tương lai không xa sẽ có thêm nhiều người, nhất là người dân tộc Thái ở tỉnh ta biết đọc, biết viết chữ của dân tộc mình.

Bài, ảnh: Thu Hằng
Bình luận
Back To Top