Sách rút gọn - bước đệm đến văn chương kinh điển

15:53 - Thứ Năm, 13/08/2020 Lượt xem: 8081 In bài viết

Khi các loại hình giải trí văn hóa mới xuất hiện và ngày càng phát triển thì thời gian dành cho việc đọc của mỗi người ít nhiều giảm sút. Nhịp sống gấp gáp, những trang sách cổ điển dường như càng khó tiếp cận với độc giả trẻ đương thời. Những bộ sách rút gọn, sách tóm tắt, lược dịch, hoặc chuyển thể truyện tranh, vì thế, đã được “chào đời”...

Nhiều đơn vị xuất bản đã cho ra đời những phiên bản sách rút gọn ở dạng chuyển thể truyện tranh.

Sách “mì ăn liền”

Có thể nhận thấy trên thị trường sách, những tác phẩm kinh điển thế giới được giới thiệu với độc giả Việt Nam rất phong phú, đa dạng. Đã hết thời hiệu bản quyền tác phẩm, do đó, các đơn vị xuất bản có thể mặc sức tung ra thị trường các phiên bản.

Bên cạnh việc tái bản các tác phẩm kinh điển thế giới với bản dịch mới, hình thức mới thì nhiều đơn vị xuất bản cũng cho ra đời những phiên bản sách rút gọn, sách tóm tắt, lược dịch hoặc ở dạng chuyển thể truyện tranh. Có thể kể đến các bộ sách như Danh tác rút gọn của NXB Trẻ, Văn học cổ điển tóm lược của NXB Thanh niên, Danh tác thế giới của NXB Kim Đồng, Tủ sách văn học kinh điển rút gọn dành cho thiếu nhi của NXB Mỹ thuật, Cùng bé khám phá tác phẩm kinh điển của NXB Văn học, Văn học kinh điển dành cho thiếu nhi của Đinh Tị Books, Văn học kinh điển rút gọn có tranh minh họa màu của Huy Hoàng Bookstore... Hầu hết các phiên bản sách này hướng đến độc giả trẻ.

Trên một số diễn đàn mạng xã hội, không ít phụ huynh phàn nàn về thể loại sách “mì ăn liền” khiến các tác phẩm kinh điển một thời mất đi vẻ đẹp vốn có. Nhưng, ngược với suy nghĩ của người lớn, khi đến hiệu sách hoặc vào thư viện, độc giả trẻ thường lựa chọn sách rút gọn, sách tóm tắt, đặc biệt các học sinh tiểu học sẽ tìm các phiên bản chuyển thể truyện tranh.

Hiện nay, đa số phiên bản sách rút gọn, chuyển thể truyện tranh ở Việt Nam được dịch từ các phiên bản của nước ngoài. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Hữu Ngọc, phát triển truyện tranh là khuynh hướng chung của thế giới chứ không riêng ở nước ta khi con người có nhiều mối bận tâm, không có thời gian để ngồi đọc những cuốn sách dày.

Tại nước Pháp đã có những bộ tiểu thuyết cổ điển nhiều tập, mỗi tập dày vài trăm trang được “làm” gọn dưới 100 trang. Tương tự, tại Anh, loạt sách rút gọn các tác phẩm kinh điển đã được tung ra thị trường sau khi kết quả thăm dò dư luận cho thấy rất nhiều người than phiền rằng họ không thể “nuốt” hết những tác phẩm cổ điển dài lê thê, diễn biến chậm chạp.

Đường đến với văn học kinh điển

Với những người mê văn chương, việc “tiêu hóa” một tác phẩm kinh điển hàng nghìn trang với nhiều dữ kiện, hệ thống nhân vật phong phú và mang văn phong cổ điển không phải là điều khó khăn, thậm chí có người đọc đi đọc lại nhiều lần. Song, nhiều người khác, đặc biệt là trẻ em rất khó tiếp cận dòng sách này.

Em Trần Hạnh Quyên, học sinh Trường THCS Việt Nam - Angiêri bày tỏ: “Dù bố mẹ khen truyện Tây Du ký rất hay nhưng em không đọc được hết cả bộ mà nhảy cóc đến phần kết luôn, vì mô típ của các chương hồi khá giống nhau, lặp đi lặp lại nên nhàm chán”. Nhưng với những bộ truyện kỳ ảo của thời hiện đại như Harry Potter, Chúa tể những chiếc nhẫn, Học viện viễn thám..., mặc dù rất dài vẫn được các em đón đọc nồng nhiệt. Điều đó cho thấy không phải các em không thích đọc sách, mà có lẽ văn học kinh điển với văn phong cổ, diễn biến chậm, dùng nhiều điển tích, điển cố, kết cấu phức tạp, ôm đồm nhiều chi tiết, tư liệu... đã không phù hợp với nếp tư duy hiện đại. Các tác phẩm kinh điển, bởi thế, dù có hay đến đâu nhưng nếu lứa tuổi thanh niên, thiếu niên không được chuẩn bị những bước đệm để tiếp cận thì khi đọc các em sẽ không cảm nhận được cái đẹp, cái hay của tác phẩm.

Sách rút gọn, sách tóm tắt có lẽ là bước đệm, là đường dẫn đầu tiên đưa độc giả trẻ đến với tác phẩm văn học kinh điển. Thực tế trước đây, khi lần đầu được dịch ở Việt Nam, rất nhiều tác phẩm văn học nước ngoài đã được lược dịch hoặc dịch phóng tác để phù hợp với thị hiếu và cảm thụ của người dân. Bản rút gọn, tóm tắt chỉ là cốt truyện “nhập môn” để độc giả nắm sơ lược nội dung tác phẩm, sau đó, nếu có hứng thú thì họ tìm đến các ấn bản đầy đủ.

Trong thời hiện đại, phiên bản rút gọn có lẽ sẽ góp phần xây dựng nền tảng đọc, dẫn độc giả đến với kho tàng văn chương của nhân loại. “Tình yêu đọc” của độc giả trẻ nhiều khi được khơi nguồn từ chính những phiên bản “mỏng dính” của các tác phẩm nổi tiếng như Tiếng gọi nơi hoang dã, Tám mươi ngày vòng quanh thế giới, Robinson Crusoe…

Tuy nhiên, sách rút gọn sẽ không bị coi là “thảm họa” nếu các nhà làm sách đầu tư về hình thức, chăm chút kỹ lưỡng về nội dung để bảo đảm giá trị của tác phẩm, văn phong của tác giả được giữ gìn. Đặc biệt, dù là ấn bản tốt đến đâu, sách rút gọn cũng chỉ nên là một sự gợi mở giúp độc giả, đặc biệt là độc giả trẻ tìm đến với danh tác nguyên bản.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top