Mường Lay bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế

08:24 - Thứ Hai, 24/08/2020 Lượt xem: 9121 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH) giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; những năm qua, thị xã Mường Lay đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực nhằm gìn giữ, khôi phục và phát huy các di sản hiện có. Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, sưu tầm, phục dựng một số lễ hội, lễ nghi của các dân tộc; cách chế tác, thể hiện, truyền dạy loại hình văn hóa truyền thống... Nhờ đó, công tác bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần vào sự phát triển của địa phương.

Lễ hội Đua thuyền đuôi én được tổ chức ngày đầu năm tại TX. Mường Lay. Ảnh: Văn Thành Chương

Trên địa bàn thị xã Mường Lay hiện có 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Thái, Kinh, Mông, Mường, Hoa và một số dân tộc khác. Xác định bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, thị xã Mường Lay đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về bảo tồn và phát triển văn hóa; một số mục tiêu của Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển KT - XH giai đoạn 2016 - 2020 định hướng đến năm 2025; vận động nhân dân tích cực tham gia các hoạt động bảo tồn, gìn giữ và phát triển văn hóa, xóa bỏ những phong tục tập quán lạc hậu, không phù hợp. Nhiều hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng đã được thị xã triển khai, như: Qua các cuộc họp tổ dân phố, bản; qua hệ thống loa phát thanh; căng treo băng rôn, khẩu hiệu; tuyên truyền lưu động; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao... Đáng chú ý, thị xã đã phối hợp, hỗ trợ một số đoàn làm phim xây dựng các phim tài liệu, phóng sự về mảnh đất, con người Mường Lay, các giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân tộc Thái trên địa bàn. Qua đó, góp phần quảng bá, giới thiệu hình ảnh, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn đến người dân trong tỉnh và các địa phương khác trong cả nước, tạo điều kiện để thu hút khách du lịch đến với Mường Lay.

Ông Quàng Văn Sinh, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Mường Lay chia sẻ: Cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thị xã đã thực hiện các hoạt động bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Thái; bảo tồn các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể hiện có trên địa bàn. Các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc được thị xã thực hiện bảo tồn, gìn giữ  trong những năm qua, như: Xòe Thái cổ, múa Thái cổ của người Thái trắng, cắt khâu trang phục áo Thái cổ, chế tác tính tẩu, nghề đan mây tre, lễ Kin Pang Then, lễ hội Đua thuyền đuôi én, lễ gội đầu của người Thái trắng, lễ tế ta (lễ tế thần sông), các trò chơi dân gian, trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc trên địa bàn, di tích lịch sử Pú Vạp. Hàng năm, các cơ quan liên ngành còn phối hợp tổ chức hội thi ẩm thực dân tộc. Đặc biệt, thị xã chỉ đạo thực hiện việc bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc gắn với thực hiện tốt các phong trào thi đua: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh... Đồng thời, phát huy hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cơ sở, đảm bảo cho mọi người dân được hưởng thụ văn hóa thông tin, tham gia đầy đủ các hoạt động văn hóa, sinh hoạt cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.

Quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp cùng với sự nỗ lực của các cấp chính quyền và nhân dân, sau 5 năm thực hiện Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển KT - XH giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025, đến nay một số mục tiêu của Đề án đã được thực hiện hiệu quả, đạt kết quả cao. Hiện toàn thị xã có 36/38 tổ dân phố, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng, 37 đội văn nghệ quần chúng; 3/3 xã, phường có nhà văn hóa và có câu lạc bộ văn hóa, thể thao và du lịch; 2 bản du lịch văn hóa. Hàng năm, thị xã có trên 80% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa; trên 85% tổ, bản đạt danh hiệu tổ, bản văn hóa; 100% tổ, bản xây dựng và thực hiện tốt quy ước, hương ước, các hủ tục ma chay, cưới hỏi không phù hợp đã dần được loại bỏ. Đáng chú ý, để giữ gìn và khôi phục lại chữ viết của dân tộc Thái, hàng năm thị xã còn mở lớp dạy chữ Thái cho học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở thuộc xã Lay Nưa và cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Thị xã cũng phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành khảo sát một số hang động trên địa bàn; duy trì tổ chức lễ hội Đua thuyền đuôi én, lễ tế ta, lễ Kin Pang Then... Năm 2018, di tích lịch sử Pú Vạp trên địa bàn thị xã đã được UBND tỉnh quyết định công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy các giá trị lịch sử, phục vụ cho phát triển du lịch của địa phương.

Với mục tiêu tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, từng dân tộc; phát triển văn hóa cơ sở thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển KT - XH, nâng cao dân trí, đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong những năm tới, thị xã Mường Lay sẽ tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, sự quản lý, điều hành của chính quyền; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá; tổ chức các hoạt động bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống... Từ đó, thực hiện hiệu quả các mục tiêu mà Đề án Bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thị xã Mường Lay gắn với phát triển KT - XH đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025.

Đức Linh
Bình luận
Back To Top