Đến với bài thơ hay

Tháng Bảy này

10:25 - Thứ Bảy, 29/08/2020 Lượt xem: 7574 In bài viết

Tháng Bảy này trên những chuyến xe

Có mùa Vu lan bao người về với mẹ

Con đã làm cha trong thành phố

Nhà mình vắng những về thăm.

Tháng Bảy này mùa Vu lan qua điện thoại

Con thành xa khi mẹ vẫn còn gần

Mái bếp dột đã thành quen với mẹ

Tiếng gà quê thành quạnh quẽ những trưa chiều.

 

Tháng Bảy này trên một chuyến xe

Có nải chuối quê, có tuổi già của mẹ

Con bận làm cha trong thành phố

Nên mẹ mang tuổi già đến để con thăm.

 

Mẹ ru cháu bằng lời ru con lớn

Ru nết khóc khuya mẹ bảo rất giống mày

Con dễ ngủ trong lời ru chưa lạ

Tháng Bảy này mẹ mang giấc ngủ đến cho con.

 

Thành phố không tiếng gà quạnh quẽ

Tiếng còi xe thon thót giật mình

Căn chung cư không khoảng sân rau cỏ

Mẹ bên con, mà nỗi nhớ con cong thành nếp những buổi chiều.

 

Tháng Bảy này, biết còn nữa tháng Bảy không

Buổi chiều như có gì muồn muộn

Mẹ rửa bát tiếng lanh canh còn thân thuộc

Tháng Bảy này, mẹ mang mẹ đến để con thăm.

Miên Di

 

 

Lời bình

“Mẹ mang mẹ đến để con thăm”

Vẫn là hình ảnh bà mẹ quê, tần tảo lam lũ, chỉ một suy nghĩ vì con vì cháu, vẫn là nỗi niềm day dứt khôn nguôi về mẹ của đứa con… nhưng “Tháng Bảy này” của Miên Di rất mới - lạ. Cái mới lạ không phải về kỹ thuật câu chữ, hay cố làm ra khác người… mà bật lên từ chính những điều thường thấy, bất kì ai cũng thấu - Mẹ yêu thương, lo lắng cho con, còn con giữa dặm dài mưu sinh nhiều khi “quên” mẹ, vậy nên “mẹ mang mẹ đến để con thăm”.

Chọn góc tâm tư của đứa con xa nhà, giữa phố thị trăm thứ áp lực bạc mặt, cụ thể là mùa Vu lan tháng Bảy, bài thơ đã đi một lối riêng, dấu ấn.

Đầu tiên chỉ là chung chung “Tháng Bảy này vắng những về thăm”, như thường thấy của những đứa con hôm nay. Tiếp theo là “Tháng Bảy này Vu lan qua điện thoại”, cũng kiểu “thằng alo về thăm mẹ”,  như trong không gian kỹ thuật số, biết bao tình cảm tỏ bày. Đi cùng những “lần thăm” công nghệ ấy có hình ảnh mẹ. Chỉ là “mái dột đã thành quen”, “tiếng gà quê thành quạnh quẽ những trưa chiều”, nhưng trong đấy đã ngầm sự xót xa, ân hận, day dứt...

Mạch “con không về thăm mẹ” (dù có thêm lí do “Con bận làm cha trong thành phố” nỗi lòng cũng không giải tỏa được) cứ như thế để vút cao lên - Lẽ ra, lẽ ra…lại là. Cách nói bắt đầu lạ, mẹ đến thăm con không mang những thứ thường, mẹ mang tuổi già… Mẹ chắc chắn không nghĩ mình mang cái nghèo khổ vất vả lên phố “ảnh hưởng” tới con; nhưng đây là mẹ trong con.

Khác với bài thơ “Mẹ ra Hà Nội” của Lê Đình Cánh, hình ảnh mẹ được khắc họa bằng kể, tả, chi tiết: “Mẹ ra Hà Nội thăm con/ Vừa trên tàu xuống chân còn run run/ Áo nâu còn đẫm mưa phùn/ Còn hoai vị cỏ, sực bùn lúa non….”; “Lên thang chẳng dám bước dài/ Vào khu tập thể gặp ai cũng chào…”. Hay như bài thơ “Thư gửi mẹ” của Sergei Esenin (nhà thơ trữ tình Nga), luôn hình dung, ám ảnh về mẹ - Mẹ thường đi đi lại lại trên đường/ Khoác tấm áo choàng xưa cũ nát… Mẹ của Miên Di khái quát, canh cánh cứa vào gan ruột con. Tất nhiên để thơ xanh tươi, tác giả vẫn dùng những câu chữ bình thường, da thịt - Mẹ ru cháu bằng lời ru con lớn/ Ru nết khóc khuya mẹ bảo rất giống mày… Chỉ có điều, qua mỗi đoạn như vậy, hình ảnh mẹ lại vút ngoặt. Đây, sau những mẹ bình thường, là “...mẹ mang giấc ngủ đến cho con”. Và rồi lại mẹ, giống bao bà mẹ quê khác: Thon thót giật mình còi xe, ngỡ ngàng khoảng sân chung cư không rau cỏ… để nỗi nhớ cong thành nếp mỗi buổi chiều.

Lối đi lạ của Miên Di cứ quãng quen, đoạn lạ, bằng phẳng, hẫng hụt như thế để òa ra điểm dừng - “Tháng Bảy này mẹ mang mẹ đến để con thăm”. Có vẻ như khó hiểu, sao các khổ trước… cũng là lạ nhưng vẫn hiểu là - mẹ đến thăm con. Nhưng đây, lại chuyển sang “con thăm”. Con thăm mẹ ngay tại nhà mình, ngay tại thành phố… do “mẹ mang mẹ lên”. Đây chính là điểm sâu hút, nhiều dư ba, mà tâm của nó cứ xoay xoáy quanh đứa con. Sao lại để tháng ngày trôi trượt? Sao để mình vô tình triền miên… để một ngày - Mẹ mang mẹ đến… Để rồi, khi đã rõ ràng cái sự “ngược đời”, con mới nhận ra: “Tháng Bảy này, biết có còn tháng Bảy nữa không/ Buổi chiều như có gì muồn muộn…”

Chúng ta, những đứa con, dù truyền thống hay hiện đại, chắc cũng một lần vào hoàn cảnh mừng tủi, xót xa, ân hận… như thế.

Dù đề tài quen thuộc, nhưng mới lạ về điểm nhìn, cách nói, bài thơ “Tháng Bảy này” đã chạm đến, xoáy sâu, “trưng ra” chân dung những đứa con hôm nay.

Trong bạt ngàn thơ, giữa trùng trùng người gieo vần ươm tứ, chỉ cần một câu - “Mẹ mang mẹ đến để con thăm”, Miên Di đã làm nhiều người phải choàng tỉnh.

DU AN

Bình luận
Back To Top