Người Mông Xá Nhè nặng lòng với phong tục truyền thống

10:12 - Thứ Bảy, 19/09/2020 Lượt xem: 9402 In bài viết

ĐBP - Ðến xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) con đường bê tông liên bản dài thẳng tắp, dọc theo vựa ngô xanh tốt, những bao thóc chất đầy dưới mái nhà dân... cho thấy đời sống và diện mạo bản làng của người Mông ở Xá Nhè đã thực sự đổi thay, phát triển, xóa đi cái đói, cái nghèo trước đây. Tuy thế, bà con nơi này vẫn bảo tồn, giữ gìn các phong tục, tập quán truyền thống lâu đời của dân tộc như: Nếp nhà, trang phục, tiếng nói và tục “làm lý”, thờ cúng tổ tiên... lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Anh Giàng A Ký, Trưởng dòng họ Giàng bản Hẹ, xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) thực hiện nghi thức cúng tổ tiên, thần linh trong Lễ cúng mùa.

Anh Giàng A Ký, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng dòng họ Giàng tại bản Hẹ, xã Xá Nhè dẫn chúng tôi đi tham quan những căn nhà truyền thống người Mông. Anh Ký chia sẻ: “Người Mông chúng tôi đã sinh sống ở bản Hẹ nhiều thập kỉ. Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm, đầu tư của các cấp chính quyền, đời sống bà con thêm phần phát triển, đổi thay, nhưng bà con vẫn giữ gìn được các phong tục truyền thống, trong đó có cách xây dựng nhà ở, chuồng nuôi gia súc và tường rào. Nhà của người Mông ở Xá Nhè thường dựa lưng vào vách núi đá, nhìn thẳng ra lòng thung. Dù vách nhà làm bằng đất trình tường hay ốp gỗ, cũng phải có 3 gian, 2 cửa (một cửa chính và một cửa phụ) và phải có 2 cửa sổ trở lên. Trong 3 gian nhà, gian bên trái dùng để đặt bếp lò và chỗ ngủ của vợ chồng chủ nhà; gian bên phải đặt giường khách; gian giữa rộng hơn để đặt bàn thờ tổ tiên và là nơi tiếp khách, ăn uống của gia đình. Riêng bàn thờ tổ tiên của người Mông rất đơn giản, chỉ là 1 mảnh ván hoặc 3 ống cắm hương làm bằng tre nứa cắm vào tường”.

Cùng với nhà truyền thống, chuồng gia súc và hàng rào che chắn xung quanh cũng được “thiết kế” theo đúng phong tục của dân tộc Mông. Chuồng gia súc của gia đình anh Ký được làm ngay trước mặt ngôi nhà, hơi chếch so với cửa chính. Theo anh Ký, để làm chuồng gia súc, người Mông phải xem tuổi gia chủ và thắp hương cúng ma chuồng, phù hộ cho gia súc hay ăn chóng lớn, dễ nuôi. Còn hàng rào được xếp bằng những phiến đá tai mèo sắc nhọn, bên cạnh trồng cây xương rồng gai góc, uốn quanh, bao trọn ngôi nhà và chuồng nuôi, trông rất độc đáo và riêng biệt. “Cách làm hàng rào này chỉ có ở Xá Nhè và một số xã lân cận vì ở nơi vùng cao huyện Tủa Chùa, chỉ có vài xã sẵn đá tai mèo xung quanh núi đá với những cây xương rồng mọc xen kẽ trong tự nhiên” - anh Ký chia sẻ thêm.

Tới thăm các nhà dân trong bản Hẹ, chúng tôi thấy gia đình nào cũng cùng thiết kế trên. Dù nhà mới xây dựng hay đã cũ, dù gian nhà to hay nhỏ, bà con đều chọn nếp nhà truyền thống để tỏ lòng tôn kính tổ tiên và dòng họ của mình.

Ngoài các nếp nhà, thì trang phục truyền thống và tiếng nói của người Mông được bà con sử dụng giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày là nét đặc trưng dễ thấy bản Hẹ nói riêng, xã Xá Nhè nói chung. Trang phục truyền thống của nữ giới là váy, áo được trang trí màu sắc sặc sỡ, thêu hoa văn tinh tế, nổi bật đường kim, mũi chỉ do chính phụ nữ Mông tự tay thêu. Trang phục của nam giới là quần, áo màu đen.

Ðến thăm bản Hẹ đúng dịp cúng mùa, chúng tôi được chứng kiến lễ cúng mùa, “làm lý” của bà con. Do anh Ký là trưởng dòng họ, nên trong ngày làm lễ cúng mùa, bà con trong dòng họ mang nhiều lễ vật là thực phẩm (gạo, thịt, củ, quả...), tập trung về nhà anh Ký để làm lễ cúng.

Ðến giờ đẹp, trưởng dòng họ đọc lời cúng bằng tiếng Mông trước sự chứng kiến của bà con trong họ. Nội dung lời cúng là bẩm báo, tạ ơn đến thần trời, thần núi, thần nước và tổ tiên về việc dòng họ đang canh tác tại nơi này và hôm nay đã hoàn thành mùa vụ, dòng họ có lễ vật dâng lên các thần, tổ tiên, mong đấng linh thiêng nhận diện ruộng đất của gia chủ mà phù hộ cho mùa màng tươi tốt, cơm gạo đầy đủ, sức khỏe lao động dồi dào...

Cúng xong, trưởng dòng họ Ký cắt tiết gà “làm lý”, hiến tế cho các thần, tổ tiên, rồi vào nhà tiếp tục cúng trong nhà. Anh Ký tiếp tục hát lời cúng bằng tiếng Mông, mời thần trời, thần núi, thần nước, tổ tiên cùng ăn cỗ với gia đình. Ông Lờ A Tráng, Chủ tịch UBND xã Xá Nhè chia sẻ với chúng tôi: “Người Mông ở Xá Nhè từ già đến trẻ đều tự học và thuộc lòng những lời hát cúng. Riêng cúng mùa là tục lệ mang ý nghĩa tâm tinh, không thể thiếu của mỗi dòng họ nói riêng, là cách “làm lý” của bà con để cảm tạ thần linh, mong một mùa vụ mới sẽ bội thu. Vì thế, nhiều năm nay, bà con người Mông ở Xá Nhè luôn giữ gìn nguyên vẹn tục lệ này”.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top