Tuần Giáo nỗ lực bảo tồn văn hóa phi vật thể

08:18 - Chủ Nhật, 11/10/2020 Lượt xem: 9929 In bài viết

ĐBP - Nằm ở cửa ngõ của tỉnh, huyện Tuần Giáo có 6 dân tộc chủ yếu: Thái (chiếm 57,72%); Mông (chiếm 27,62%), Khơ Mú (chiếm 2,76%), Kinh (chiếm 7,71%), Kháng (chiếm 3,7%), Phù Lá (chiếm 0,13%). Trước xu thế hội nhập hiện nay, vấn đề bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, đòi hỏi sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền và cả hệ thống chính trị.

Phụ nữ dân tộc Khơ Mú, bản Hua Ca (xã Quài Tở) thêu trang phục truyền thống.

Mỗi dân tộc đều có nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán riêng, tạo nên bản sắc độc đáo. Tuy nhiên, tốc độ đô thị hóa nhanh đã kéo theo phong tục tập quán, bản sắc văn hóa của các dân tộc bị mai một. Thậm chí, một số dân tộc trên địa bàn còn chưa hình thành nhận thức bảo tồn văn hóa dân tộc mình. Chính vì vậy, cấp ủy, chính quyền huyện Tuần Giáo đã phối hợp với các cấp, ngành của tỉnh và chỉ đạo cơ quan, đơn vị của huyện tập trung giữ gìn, khôi phục các nét văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn. Cụ thể, trong giai đoạn 2016 - 2020, huyện tiến hành kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể đối với 5 dân tộc thiểu số, gồm: Thái, Mông, Kháng, Khơ Mú và Phù Lá với 167/237 bản (chiếm 70% số khối, bản trên địa bàn huyện). Lượng thông tin điều tra ghi trong phiếu đạt 85 - 90%; tập trung vào 7 loại hình di sản: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian. Cùng với đó, huyện chỉ đạo Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Phòng Di sản (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về cơ sở, ghi hình thu thập thông tin, phục dựng, bảo tồn Lễ hội Cầu mùa dân tộc Khơ Mú tại bản Huổi Lốt, xã Mường Mùn và ghi hình điệu múa dân tộc Khơ Mú tại bản Hua Ca, xã Quài Tở; phục dựng lễ hội Pang Phoóng (Lễ tạ ơn) của dân tộc Kháng tại xã Rạng Ðông. Ngoài ra, các Lễ hội dòng họ, Lễ Nào Pê Chầu của dân tộc Mông, Lễ hội Xên bản của dân tộc Thái tiếp tục được duy trì thực hiện. Ðặc biệt, năm 2019 huyện Tuần Giáo có 1 nghệ nhân được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (tập quán xã hội) đã tiếp thêm động lực cho những người tâm huyết với lĩnh vực văn hóa trên địa bàn.

Ðến nay, 4 di sản phi vật thể tiêu biểu của huyện Tuần Giáo: Lễ Xên bản của dân tộc Thái, Lễ hội dòng họ của dân tộc Mông, Lễ Pang Phoóng của dân tộc Kháng, Lễ Cầu mùa của dân tộc Khơ Mú đã được lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận. Trong đó, Tập quán xã hội và tín ngưỡng lễ Pang Phoóng của người Kháng xã Rạng Ðông vừa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Ông Vũ Ðức Lâm, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo cho biết: Việc bảo tồn Lễ hội Pang Phoóng nằm trong những nỗ lực gìn giữ các giá trị văn hóa đặc trưng của dân tộc Kháng - một dân tộc tương đối ít người trên địa bàn huyện. Việc bảo tồn này đã nâng cao ý thức cho thế hệ trẻ giữ gìn, trân trọng và tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình. Bởi đây là một trong những lễ hội đặc trưng, phản ánh hiện thực đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng, luôn lấy cội nguồn, tổ tiên để rèn tâm dưỡng đức; là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị về cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Ðược công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia sẽ tạo điều kiện để công tác bảo tồn Lễ hội Pang Phoóng và các di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Kháng được thực hiện tốt hơn trong thời gian tiếp theo.

Vệc hỗ trợ, bảo tồn và phát triển một số loại hình dân ca, dân vũ, nhạc cụ, lễ hội truyền thống được Tuần Giáo triển khai thông qua các hội thi, hội diễn, các buổi giao lưu văn nghệ từ huyện đến cơ sở chào mừng các ngày lễ lớn, các dịp kỷ niệm mang lại nhiều hiệu quả. Toàn huyện hiện đang duy trì hoạt động của 177 đội văn nghệ khối, bản, góp phần thúc đẩy phong trào văn hóa văn nghệ phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, giai đoạn từ năm 2016 - 2020 từ huyện đến các xã, thị trấn, khối bản đã tổ chức được trên 600 buổi biểu diễn, hội thi, hội diễn và giao lưu văn nghệ thu hút hàng vạn lượt người tham gia hưởng ứng. Công tác phát triển nguồn nhân lực, xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ làm công tác văn hóa được huyện quan tâm; đã bố trí công chức, viên chức có trình độ văn hóa công tác tại phòng Văn hóa - Thông tin, Trung tâm Văn hóa - Truyền thanh - Truyền hình huyện; 19/19 xã, thị trấn có công chức văn hóa. Công chức, viên chức ngành Văn hóa từ huyện đến cơ sở thường xuyên được cử đi đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đảm bảo cho công tác tham mưu thực hiện nhiệm vụ.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top