Cái bụi tre

16:39 - Thứ Hai, 12/10/2020 Lượt xem: 9831 In bài viết

ĐBP - Con đường liên xã còn đúng đoạn qua nhà ông Bảo là xong. Tuyến đường dài gần chục cây số chạy dọc xã đều đã rộng rãi, rải nhựa “át phan” bóng lì, xe chạy êm ru. Ấy thế mà, đến đoạn này bỗng khựng lại, chắn lù lù trước mặt là bụi tre to tướng của nhà ông Bảo. Cả đoạn gần trăm mét lổn nhổn đất đá, ổ trâu, ổ gà xe phải lựa bánh nhích từng tí một. Ðã cho xe bò chậm như thế mà bụi vẫn cuốn theo bốc mù mịt. Hễ có trận mưa thì lầy lội làm cho cả người và xe nhuộm bùn. Có học sinh quần áo lấm bê bết, phải quay xe về bỏ buổi học, đến tội. Rất nhiều người không chịu được đã chửi đổng nghe rất khó lọt tai. Vậy mà lão Bảo vẫn coi như không biết gì. Ban giải phóng mặt bằng của xã nhiều lần đến nhà lão vận động, thuyết phục, giải thích đền bù lão vẫn khăng khăng không chịu nhận bồi thường. Lão đòi giá quá cao, chẳng vào mức quy định nào cả. Thế nên, trục đường chính huyết mạch nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của xã vẫn bị ách tắc, không thể khánh thành được. 

Lãnh đạo xã, thôn đau đầu về cái bụi tre nhà lão Bảo. Có ý kiến dùng biện pháp cưỡng chế. Lại có ý kiến “thôi thì đáp ứng yêu cầu của ông ấy cho xong, cho nó được việc”. Tính đi tính lại cả hai phương án đều không phù hợp. Cưỡng chế thì đơn giản nhưng để lại dư âm không tốt cho chương trình xây dựng nông thôn mới. Ðã đành pháp luật là phải nghiêm minh nhưng chưa đến mức phải xử lý như thế. Nếu vận động thuyết phục được thì cứ cố gắng. Dân làng hàng xã cả, có phải người ngoài đâu mà hơi tí thì cưỡng chế. Họ chưa thông thì tiếp tục giải thích cho họ thông. Gì chứ được sự đồng thuận thì vẫn hơn. Còn phương án “cứ đền bù thỏa đáng” thì cũng không ổn. Ðược ông Bảo nhưng còn bao nhiêu hộ trước nữa, có hộ còn hiến đất làm đường thì sao? Ngộ nhỡ có ai đó theo ông Bảo đòi tính lại đền bù thì phức tạp thêm là cái chắc.

Ðang lúc như thế thì trên huyện thông báo về cho xã chuẩn bị đón đoàn bộ đội đi giúp dân xây dựng nông thôn mới. Lãnh đạo thôn, xã ai cũng phấn khởi. Một tiểu đoàn sẽ về xã trong một tháng để giúp xã làm đường liên thôn, khơi rãnh, dọn cống đường liên xã và một số công việc khác nữa. Ðơn vị được xã bố trí ăn nghỉ tại làng Trung. Ban chỉ huy tiểu đoàn ở nhà ông Bảo. Ðiều này là do xã gợi ý sắp xếp. Vợ chồng ông Bảo cũng vui vẻ đón nhận. Vì nhà ông chỉ có hai ông bà, nhà lại năm gian tha hồ rộng rãi thoáng mát. Ông bà có bốn người con thì anh cả làm doanh nghiệp đã mua nhà và ở luôn trên phố huyện. Hai cô con gái lấy chồng làng bên. Con trai út mới nhập ngũ đầu năm ngoái, hiện đang là chiến sĩ hải quân đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Thế nên, khi anh xã đội đến đặt vấn đề cho bộ đội ở là ông Bảo gật đầu ngay. Ông nghĩ cho bộ đội ở sẽ vui cửa vui nhà. Ðâu đó sẽ thấp thoáng hình bóng người con trai út của ông. Chả gì họ cũng đồng ngũ với con trai ông.

Từ hôm có mấy chú bộ đội ở, nhà ông bà Bảo vui hẳn lên. Là sở chỉ huy tiểu đoàn nên không ngày nào nhà ông không có các cuộc giao ban, hội ý của các chú bộ đội. Nào là ngày mai mở rộng tuyến đường liên thôn. Bác thương binh cuối làng còn chỉ cho đơn vị nắn đường vào mãi bên trong vườn nhà bác ấy. Vì thế mà đoạn đường này thẳng ra, trông thật đẹp mắt. Chẳng cần hô hào mà công việc vẫn cứ đâu vào đấy, lại năng suất nữa. Chuyện ông Ngũ tự nguyện chặt cây mít cho đường làng nắn vào vườn cũng thật thú vị. Rồi thì rút kinh nghiệm. Rồi thì nhắc nhở các đơn vị giữ nghiêm kỷ luật dân vận, bảo đảm an toàn lao động. Rồi thì triển khai tuyến nọ, đoạn kia. Lại còn yêu cầu đảm bảo kỹ thuật, đúng tiến độ thời gian. Tuy ở nhà nhưng ông bà Bảo nắm hết chuyện làm đường, giúp dân của đơn vị bộ đội.

Chẳng những lo công việc của đơn vị, mấy chú bộ đội còn giúp ông bà Bảo đủ thứ việc gia đình. Từ quét dọn nhà cửa đến chăm sóc vườn tược. Từ rào lại đoạn vườn mà đường liên xã đi qua đến sửa lại cái cổng. Rồi làm lại đường điện, láng lại góc sân... Ðủ thứ việc không tên, các chú bộ đội làm đâu ra đấy. Nhiều lúc bà Bảo cứ ngỡ như thằng Trung, con trai bà đang làm chứ không phải chú bộ đội của đơn vị đóng quân.

Thế rồi chuyện nhạy cảm nhất là cái bụi tre chắn đường cũng hé lộ dần. Bà Bảo thủ thỉ với Hải, liên lạc kiêm anh nuôi cho Ban chỉ huy rằng ông bà cũng không muốn cản trở xã nắn đường đâu, chẳng qua là thằng con cả của bà cứ xúi giục ông bà phải làm thế. Nó bảo cũng đã từng phải giải quyết sự việc tương tự thế này rồi khi công ty của nó thi công đường điện cho một xã trên huyện miền núi. Khúc mắc lâu quá, nó liền rút tiền ra bồi thường gấp năm, gấp bảy lần cho cái nhà ngang ngạnh ấy để thông tuyến. Bố mẹ cứ kiên trì vào khắc họ phải nhượng bộ. Bà thì thế nào cũng xong, nhưng ông xem chừng nửa muốn nhận, nửa lại muốn nghe con trai.

Nắm được “vấn đề” cơ bản của bụi tre, ban chỉ huy tiểu đoàn báo cáo với lãnh đạo xã và thống nhất chọn phương án thuyết phục, động viên gia đình ông Bảo chứ không nên cưỡng chế. Lãnh đạo xã đề nghị đơn vị bộ đội giúp cho việc này.

Thứ bảy mưa to. Cả đơn vị nghỉ không ra công trường. Mấy chú sĩ quan ở nhà bà Bảo, người thì chơi cờ tướng, người thì đọc sách. Ông Bảo rất mê cờ. Thế là hôm nay, mấy chú thay nhau “hầu cờ” ông Bảo. Họ nháy nhau cùng chơi hết mình, đến đoạn gay cấn nhất thì tìm đường thua để cho đồng đội của mình vào thế chân. Vừa đưa ông đến cao trào, kích động lòng hiếu thắng của ông vừa tháo lui một cách kín đáo để ông say sưa chơi tiếp. Mục tiêu là tạo sự thân thiết, cởi mở, đồng thuận trên bàn cờ rồi dần dần dẫn dắt đến “vấn đề bụi tre” để thăm dò ông Bảo.

Cuộc cờ đang lên cao trào thì bỗng nghe có tiếng rầm ngoài cổng. Hải nhanh chân chạy ra. Ðoạn, cậu ta kêu to: “Có người bị tai nạn các anh ơi!”. Mọi người bỏ bàn cờ chạy ra ngõ. Ông bà Bảo thấy vậy cũng te tái chạy theo sau.

“Trời ơi! Cái Thanh”. Bà Bảo chợt kêu lên. Người phụ nữ bị nạn rên rỉ: “Con đi đón cháu nó đi học đến chỗ này, tránh cây tre đổ thì bị trượt cái ổ gà rồi ngã. Ðau quá!”. Minh, tiểu đoàn trưởng vội nói: “Ðưa chị ấy lên nhà. Cậu Bình dắt xe máy. Còn cậu Hải đi gọi quân y ngay xem chị ấy có bị sao không? Nhanh lên!”.

Cũng may, chị Thanh chỉ bị xây xát nhẹ. Bà Bảo xuýt xoa thở dài. Còn ông Bảo thì nhìn mưa trầm ngâm. Ngoài trời, bụi tre vẫn nghiêng ngả trong gió, đằm mình cùng mưa tuôn.

Tối đó, tiểu đoàn trưởng Minh lựa lời nói với ông Bảo: “Bố ơi, trên họ chưa bồi thường bụi tre cho nhà mình hả bố?”. Ông Bảo ậm ừ: “Cũng đã tính toán rồi nhưng thằng cả nhà tôi nó chưa thuận”. “Chắc là áp giá phải không bố?”, Minh tế nhị. “Có lẽ vậy”, ông Bảo vẫn ậm ừ. Minh tiếp tục: “Theo con gì thì gì mình cũng nên tạo điều kiện cho chương trình nông thôn mới bố ạ. Toàn tuyến đẹp rồi mà đến chỗ này tắc nó cứ làm sao ấy”. Bà Bảo xen ngang: “Trước sau thì vẫn cứ phải chặt bỏ bụi tre thôi. Thuận mắt ta cả nhà cùng thuận”. Ông Bảo trừng mắt nhìn bà Bảo: “Bà thì biết cái gì? Ðâu khắc có đó”.

Vừa lúc đó thì cái điện thoại di động của ông Bảo rung lên. Ông vội lấy điện thoại ra ngó vào màn hình, miệng lẩm nhẩm: “Thằng Trung!”. Bà Bảo nghe thấy thế sáng mắt lên: “Thằng Trung hả ông? Gớm, lâu quá mới thấy nó điện về”. Ông Bảo xua tay ra hiệu im lặng. “A lô! Trung à?”. Ông Bảo quên tắt loa nên cuộc điện đàm của hai cha con, cả nhà nghe rõ mồn một. Bà Bảo thích lắm.

“Nhà mình có bộ đội đóng quân hả bố?”. “Ừ”. “Họ làm đường, giúp dân”. “Chương trình nông thôn mới phải không bố?”. “Ừ. Vui lắm. Ðẹp lắm!”. “Con nghe bảo mở con đường liên xã qua trước cổng nhà mình thẳng to, rải nhựa đẹp lắm hả bố?”. “Ừ. To đẹp như quốc lộ ấy. Con về khéo không nhận ra đâu. Xã mình giờ thay đổi lắm”. “Thế hả bố. Vậy thì yên tâm rồi. Ngoài này theo dõi đài báo, vô tuyến con cũng có biết nhưng chưa hình dung hết được. Bố mẹ nhớ tạo điều kiện cho các anh bộ đội ăn ở, làm việc nha”. “Biết rồi. Anh không phải nhắc”.

Chợt bà Bảo nói to xen ngang: “Trưa nay chị Thanh mày bị tai nạn đấy”. “Cái gì hả bố? Mẹ con nói gì thế?”. Ông Bảo vội trừng mắt nhìn bà Bảo và nói át đi: “Không có gì đâu. Mẹ con nói là chị Thanh vừa nhắc đến con thôi”.

Một lúc sau thì dưới cổng lại có tiếng kêu. Rồi tiếng chửi đổng cất lên. Hải nhanh chân chạy xuống. Lát sau, cậu ta chạy về cho biết mới có một vụ ngã xe nhưng may không làm sao. Ông Bảo thoáng tư lự. Minh đánh một câu xa gần: “Rõ khổ! Chỉ tại đoạn đường ổ gà lầy thụt, đêm hôm mưa gió chẳng biết đâu mà tránh”. Bà Bảo chép miệng thở dài nhìn ra phía cổng. “Anh Minh này!”, ông Bảo chợt lên tiếng. “Gì vậy bố?”. “Mai anh cho quân chặt bụi tre giúp tôi nhé!”. “Chặt bụi tre hả bố?”. Ông Bảo gật đầu. Bà Bảo nói: “Thế không chờ ý kiến thằng cả hả ông?”. “Chờ gì! Quyền tôi chứ quyền nó à? Sẵn có các chú bộ đội đây, nhờ các chú ấy giúp cho vài buổi giải phóng nhanh cho xã làm nốt con đường”.

Cuối cùng, bụi tre nhà ông Bảo đã được đơn vị bộ đội chặt hạ gọn gàng. Lãnh đạo xã mừng, dân làng phấn khởi. Nửa tháng sau, đoạn cuối cùng của con đường liên xã đã được thi công xong vừa lúc đơn vị bộ đội rút đi. Hôm chia tay, ông bà Bảo ra tận ngõ, xuống tận con đường mới tiễn chân bộ đội. Nhìn đoàn quân xa dần trên con đường rải nhựa bóng loáng, hai ông bà cùng mỉm cười trong gió thu...

Truyện ngắn của Thiều Thị Xuyến
Bình luận
Back To Top