Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nông thôn mới

08:45 - Thứ Năm, 19/11/2020 Lượt xem: 8898 In bài viết

ĐBP - Trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh việc quan tâm phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng về điện, đường, trường, trạm... việc giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa dân tộc cũng được các xã trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Không chỉ vì đây là một trong những tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà nó còn góp phần tạo nên bản sắc của vùng nông thôn, giúp người dân nâng cao đời sống tinh thần, xây dựng nếp sống văn hóa tại các thôn, bản.

Lễ tế thần sông nước cầu may cho những đội tham gia đua thuyền đuôi én tại thị xã Mường Lay năm 2020 và nhân dân trên địa bàn.

Là một trong những xã đi đầu trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mường Chà, xã Sa Lông đã chú trọng thực hiện các tiêu chí về văn hóa trong xây dựng nông thôn mới, nhất là việc xây dựng đời sống văn hóa, đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Ðến nay, xã đã xây dựng được nhà văn hóa xã, 4/6 thôn, bản có nhà văn hóa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc tổ chức các cuộc họp, sinh hoạt thôn, bản, giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao. Vào các dịp lễ, tết, xã đều tổ chức hoạt động giao lưu văn nghệ, vui chơi nhằm duy trì và phát triển các trò chơi dân tộc của bà con trên địa bàn, như: Ném Pao, đánh tù lu, đẩy gậy, múa khèn... Buổi trưa hay tranh thủ thời gian rảnh rỗi, chị em phụ nữ dân tộc Mông còn tập trung cùng nhau dệt và thêu hoa văn trên trang phục truyền thống. Hầu hết các sản phẩm như: Váy áo, thắt lưng, khăn cuốn đầu, xà cạp… của người Mông đều dựa trên kỹ thuật thêu, trang trí chắp vải màu, vẽ sáp ong với các hình chữ thập, chữ đinh kết hợp với ô hình quả trám, tam giác. Các sản phẩm này có kiểu hoa văn phong phú hàm chứa những giá trị đẹp đẽ, sự linh hoạt, khác biệt, không lẫn với các kiểu trang trí của các dân tộc khác và mang nét riêng biệt của người phụ nữ Mông. Ðây là nghệ thuật dân gian đặc sắc đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn xã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018. Ðặc biệt, đến nay hầu hết đồng bào dân tộc trong xã đều thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, không có hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan, đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú...

Ðược công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2018, đến nay đời sống văn hóa tinh thần của bà con dân tộc xã Thanh Nưa (huyện Ðiện Biên) đã được nâng cao và có sự chuyển biến tích cực. Hiện toàn xã có 12/13 thôn, bản được công nhận là bản văn hóa, hơn 82% hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa, người dân sống hòa thuận, đoàn kết, các tệ nạn xã hội từng bước được đẩy lùi. Ðặc biệt, việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của bà con dân tộc Thái trên địa bàn cũng được xã chú trọng thực hiện. Bà Lò Thị Hoa, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Thanh Nưa chia sẻ: Nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của bà con dân tộc trên địa bàn, hàng năm xã đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao, chơi trò chơi dân tộc vào các dịp lễ, tết, như: Ném còn, tó má lẹ, kéo co, hoạt động múa hát... Vào dịp tháng 3 hàng năm, người Thái bản Tông Khao còn duy trì và tổ chức Lễ hội Xên bản để cầu an cho nhân dân trong dịp đầu năm, cầu cho mưa thuận gió hòa, con người luôn mạnh khỏe, sinh sôi và phồn thịnh, là dịp để mọi người hàn gắn những rạn nứt, mâu thuẫn góp phần cho bản làng được yên vui. Tại các thôn, bản, bà con người Thái còn giữ gìn và phát huy được nét đẹp văn hóa truyền thống về phong tục tập quán, trang phục, ẩm thực.

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) cho biết: Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần, vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển, trong quá trình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Sở đã tham mưu cho tỉnh chỉ đạo các địa phương quan tâm bố trí nguồn lực, triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh việc thực hiện 2 tiêu chí về văn hóa (tiêu chí số 6 và 16), nhất là việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; phối hợp với Sở Giáo dục và Ðào tạo chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức tốt các hoạt động cho học sinh tham gia phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc, như: Sưu tầm ca dao, dân ca; tìm hiểu và học cách sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tìm hiểu văn hóa ẩm thực; tìm hiểu về tết, lễ hội truyền thống của một số dân tộc. Kết quả thực hiện về cơ sở vật chất văn hóa, đến nay toàn tỉnh có 77/115 xã có nhà văn hóa (chiếm 67%) 11/14 phường, thị trấn có nhà văn hóa (chiếm 78,6%) và 635/1.441 nhà văn hóa thôn, bản, tổ dân phố (chiếm 44%). Ðây là điều kiện quan trọng để các địa phương có điểm sinh hoạt và tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Về văn hóa, phong trào xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, trở thành phong trào sôi nổi và rộng khắp, góp phần huy động sự đóng góp về kinh phí và ngày công của nhân dân trong việc xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, thực hiện tốt nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, dần xóa bỏ các hủ tục. Việc bình xét danh hiệu “Thôn, bản, tổ dân phố văn hóa” được thực hiện đúng quy trình, thủ tục và tiêu chuẩn. Ðáng chú ý, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, hàng năm Sở đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao và một số lễ hội; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ cơ sở và các lớp truyền dạy loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Ðồng thời, đẩy mạnh việc thành lập các đội văn nghệ quần chúng, câu lạc bộ thể thao ở cơ sở; bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể đã được công nhận, như: Nghệ thuật Xòe Thái; Tết Nào Pê Chầu của người Mông đen tại bản Nậm Pọng, xã Mường Ðăng, huyện Mường Ảng; Lễ Kin Pang Then của người Thái Trắng tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay...

Tiếp tục thực hiện tốt việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong xây dựng nông thôn mới, theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp, thời gian tới cùng với việc tập trung đảm bảo cơ sở vật chất văn hóa, Sở VHTT&DL sẽ nghiên cứu xây dựng và triển khai các dự án bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh. Quan tâm phục dựng, bảo tồn một số lễ hội truyền thống; bảo tồn, phục dựng và tổ chức duy trì hoạt động thường xuyên một số di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số để phát triển du lịch; hỗ trợ phát triển nghề thủ công truyền thống của các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh; chú trọng phát triển đội văn nghệ thôn, bản; tổ chức các hội thi, hội diễn nghệ thuật quần chúng... Từ đó, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân.

Ðức Linh
Bình luận
Back To Top