Ðể khát vọng khởi nghiệp vươn xa

09:00 - Thứ Năm, 19/11/2020 Lượt xem: 8791 In bài viết

ĐBP - Với tư duy đổi mới, khát vọng dựng xây, nhiều chị em phụ nữ Ðiện Biên đã và đang mạnh dạn khởi nghiệp, phát triển kinh tế gia đình, làm giàu trên mảnh đất quê hương... Dù quá trình khởi nghiệp còn nhiều khó khăn; nhưng với sự nỗ lực vượt qua rào cản, định kiến, khai thác hiệu quả các nguồn lực nhiều chị em đã gặt hái được thành tựu quan trọng, đóng góp vào sự phát triển chung về kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo của mỗi địa phương.

Trang phục dân tộc Mông “Shop may thời trang dân tộc Mông” của chị Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé) trưng bày tại “Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2020”.

Vượt quãng đường gần 50km, chúng tôi về bản Na Phát, xã Na Son (huyện Ðiện Biên Ðông) tìm gặp chị Quàng Thị Hào, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quang Vinh P&T. Khởi sự từ năm 2019, HTX Quang Vinh P&T có 7 thành viên, chủ yếu là chị em người dân tộc thiểu số. Chị Quàng Thị Hào chia sẻ: HTX với các thành viên giàu đam mê, kinh nghiệm và tâm huyết trong lĩnh vực trồng, chế biến cây dược liệu sản xuất tinh dầu tự nhiên. Ðặc biệt, hiện nay nhận thấy điều kiện khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng ở Ðiện Biên Ðông có nhiều thuận lợi, phù hợp để trồng cây hương nhu chiết xuất tinh dầu nên HTX đang triển khai Dự án “Trồng cây dược liệu hương nhu phát triển kinh tế cho bà con dân tộc vùng cao”.

Với thông điệp “Sản phẩm vì sức khỏe cộng động”, tốt cho sức khỏe, an toàn với con người, thân thiện với môi trường, tinh dầu hương nhu được chiết xuất từ cây hương nhu hoàn toàn bằng phương pháp lôi cuốn nước; chưng cất tinh dầu và điều chế eugenol từ cây hương nhu dùng trong tân dược và một số ngành mỹ phẩm, dược phẩm, kỹ nghệ khác. Tinh dầu hương nhu có tác dụng chữa chứng hôi miệng, giúp mọc tóc hiệu quả, chống nấm ngứa đầu, giúp khử mùi và thư giãn tinh thần, giảm stress, có tác dụng sát khuẩn, sát trùng, cầm máu, tăng sức đề kháng... Sản phẩm hướng tới khách hàng là các công ty, tập đoàn dược; cơ sở kinh doanh tinh dầu, spa, trị liệu, chăm sóc sức khỏe. Vì là sản phẩm tự nhiên, không có hóa chất độc hại nên phù hợp với mọi lứa tuổi. Dự kiến năm đầu tiên đạt khoảng 1.500 lít tinh dầu (giá thành 70 nghìn đồng/lọ 10ml và 1 triệu đồng/lít), doanh thu ước đạt 1,5 tỷ đồng; đặc biệt HTX đã góp phần tạo việc làm tại chỗ cho lao động địa phương; cải tạo môi trường sống, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, chống xói mòn, biến đổi khí hậu.

Tiếp tục đến thăm “Shop may thời trang dân tộc Mông” của chị Mùa Thị Mỷ, bản Mường Toong 1, xã Mường Toong (huyện Mường Nhé). Shop với nhiều bộ trang phục dân tộc Mông thuần túy hoặc cách tân, hiện đại thu hút đông đảo người dân, đặc biệt là giới trẻ đến mua sắm, chọn cho mình bộ trang phục đẹp nhất. Khoe với chúng tôi, chị Mùa Thị Mỷ phấn khởi nói: “Khởi nghiệp từ năm 2015, nhận thấy trang phục dân tộc Mông bày bán trên địa bàn chủ yếu là nhập từ nơi khác tới, chất lượng không cao, mẫu mã lỗi thời, không phong phú, giá thành lại cao. Ðặc biệt, trên địa bàn huyện Mường Nhé chưa có shop chuyên may trang phục dân tộc Mông nên tôi đã nảy ra ý tưởng xây dựng và hình thành “Shop may thời trang dân tộc Mông” để phục vụ nhu cầu lựa chọn, mua sắm của người dân, khách du lịch khi tới thăm mảnh đất biên cương Mường Nhé”.

Shop với nhiều loại trang phục, mẫu mã đẹp như: Quần, áo, đồ trang sức, vòng cổ, hoa tai, dây lưng... chất liệu vải và các phụ kiện trang trí. Khách hàng của shop chủ yếu là anh, chị em người dân tộc Mông trong khu vực huyện và tỉnh. Ngoài ra trong thời kỳ phát triển mạnh về công nghệ thông tin và mạng xã hội (facebook, youtube, zalo...) thì shop cũng đã thu hút được nhiều khách hàng tiềm năng mua sắm online thông qua việc chạy quảng cáo trên mạng xã hội. Ðến nay, mỗi năm shop may 200 - 300 bộ trang phục dân tộc Mông, giá thành trung bình từ 1,5 - 2,5 triệu đồng/bộ, doanh thu mỗi năm đạt từ 300 - 400 triệu; shop đã tạo việc làm ổn định cho 2 - 3 lao động.

Những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ tỉnh nhà đã và đang mang lại những hiệu ứng tích cực; đặc biệt là góp phần truyền cảm hứng, gửi gắm thông điệp về phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin - tự trọng - trung hậu - đảm đang” với những khát vọng làm giàu. Bà Vừ Ðào My, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Thực hiện Ðề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (giai đoạn 2017 - 2025) cùng với phụ nữ cả nước, các cấp Hội LHPN đã triển khai các hoạt động thiết thực, ý nghĩa nhằm giúp chị em khởi nghiệp thành công: Tổ chức tập huấn, truyền thông cho cán bộ, hội viên phụ nữ về các chủ trương, chính sách khởi nghiệp; hỗ trợ thành lập các HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết sản xuất kinh doanh... Giới thiệu, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ tiếp cận các nguồn lực về vốn vay, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu.

Với sự nỗ lực của cán bộ hội LHPN các cấp, nhất là đẩy mạnh việc tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ hội viên phụ nữ hình thành các ý tưởng khởi nghiệp, đến nay sau gần 1 năm, từ 45 ý tưởng ban đầu, qua sàng lọc, đánh giá khách quan ban tổ chức đã lựa chọn được 22 ý tưởng tham gia cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp cấp tỉnh năm 2020”. Tiêu biểu như: Sản phẩm thực phẩm chay từ rau củ quả của chị Nguyễn Thị Ngọ (TP. Ðiện Biên Phủ); Chế biến tinh bột dong riềng, sản xuất miến dong và phân bón vi sinh của chị Cà Thị Kiều (huyện Ðiện Biên); Trang trại gà thịt đen kết hợp trồng cây ăn quả của chị Quàng Thị Hương (huyện Tuần Giáo)...

Ðể khơi gợi ý tưởng khởi nghiệp của chị em phụ nữ, theo bà Vừ Ðào My, Hội LHPN tỉnh tiếp tục chú trọng đổi mới, sáng tạo, đẩy mạnh việc tập huấn, nâng cao trình độ, khoa học - kỹ thuật, ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và đời sống. Ðồng thời, phát huy tinh thần tự chủ, tự lực, tự tin, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm để phong trào khởi nghiệp trong chị em phụ nữ ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng; từ đó góp phần cùng cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top