Suy ngẫm

Người làm quan xưa khuyên dạy con cháu

12:32 - Thứ Bảy, 21/11/2020 Lượt xem: 6664 In bài viết

ĐBP - Người xưa dạy con, cháu thì thường lấy bản thân mình làm gương, không thể chỉ dùng lời nói để dạy bảo, bởi vì “thân giáo” quan trọng hơn “ngôn giáo”. Nhà có cha nghiêm thì sẽ có con, cháu hiền tài, yêu thương chiều chuộng con, cháu quá dễ khiến con, cháu hư hỏng sau này.

Ông cha ta xưa đã từng nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình hòa thuận và yêu thương lẫn nhau có tác dụng rất lớn trong việc giáo dục con, cháu. Nuôi con, cháu mà không dạy những điều hay lẽ phải hay dạy con, cháu mà không nghiêm, đó là lỗi lầm lớn của bậc sinh thành.

Thời xưa có một số con, cháu của những gia đình giàu có hay có người làm quan do chiều chuộng quá hoặc phương pháp giáo dục không đúng khiến cho không ít người mong con, cháu mình thành tài thì lại thành ác bá, bại hoại gia phong, làm nhục tổ tông. Vì thế người xưa có câu: “Chí lạc vô như độc thư, chí yếu mạc như giáo tử”. (Niềm vui lớn nhất không gì bằng đọc sách, việc quan trọng nhất không gì bằng dạy con). Người xưa cho việc giáo dục con cái là thể hiện của sự yêu thương. Nếu yêu thương con, cháu mà không dạy dỗ những điều hay lẽ phải, đạo lý ở đời thì sớm muộn gì con, cháu cũng sẽ hư hỏng. Các quan lại ngày xưa, người có trí tuệ thì luôn dạy con, cháu: phải sống trung thực không nên xảo biện, mánh lới. Họ để lại cho con, cháu những lời khuyên dạy về đạo lý làm người, chứ không để lại tài sản. Ðể ngăn ngừa con, cháu có tư tưởng tự cao, tự đại, coi mình là con nhà quyền quý, sống hưởng thụ an nhàn để rồi trở thành kẻ bất tài. Có không ít vị quan đã cho con mình làm những việc thấp hèn như coi ngựa, lính canh thành… Các bậc minh quan chủ trương “làm quan chớ lo cho con, cháu”. Một số người làm quan sở dĩ tham nhũng, bởi vì là do tính kế lâu dài cho con cháu, nên đã làm những chuyện bất minh rút cuộc họ lại sa vào vòng lao lý. Những bậc làm quan mà luôn chiều theo ý thích tham lam vô độ của vợ, con, đó là họa lớn nhất của đời người. Xem lại trong sử sách, báo chí thì phàm những người làm quan, tham lam bẻ cong pháp luật, phép nước phần nhiều họ đều là người có tài năng, họ không phải là người xấu, nhưng vì nghe theo lời xúi giục của vợ, chiều theo ý con cái, dần dần từng bước đi đến tham lam, hối lộ, khi bị phát giác thì hối không kịp nữa. Việc này đối với người làm quan thì ngay từ đầu phải nghiêm khắc phép nhà, chớ thuận theo ham muốn của vợ, con. Làm quan phải thể hiện sự trung, hiếu, liêm, khiết, tiết tháo, dùng lời phân tích lợi, hại, đúng, sai để thuyết phục người nhà.

Có một vị quan liêm thời nhà Lý khi con trai yêu cầu giúp để được thăng quan ông đã viết thư khuyên: “Nhận thấy con có tư tưởng như thế này, ta vô cùng lo lắng, dòng tộc nhà ta, người làm quan hưởng lộc khá nhiều, thực ra không phải có tài đức gì hơn người, chỉ là may mắn mà thôi, nên cảm thấy có lỗi, áy náy trong lòng mới đúng, sao lại tham vọng muốn leo cao hơn nữa. Các con là bề dưới, nên giữ cái tâm cẩn thận khắc chế bản thân, học Ðạo tu đức lập thân, lấy sử sách làm gương, tu dưỡng cái tâm coi nhẹ danh lợi, cự tuyệt xu nịnh, tránh xa danh vọng và quyền thế. Người làm quan: Thấy lợi thì phải nghĩ đến hại, không cầu xin người đề bạt mà tự trau dồi bản thân…”. Thế đấy những vị quan thanh liêm tài đức xưa đều khích lệ con cháu đời sau, nếu có làm quan nhất định phải trong sạch, công chính, liêm khiết, không được tham lam bẻ cong phép nước mà bại hoại gia phong, hại đến bản thân.

Tóm lại, yêu thương con, cháu không gì quan trọng bằng giáo dục, mà giáo dục con, cháu không gì quý bằng dạy chính trực. Dạy con, cháu quý ở “thân giáo” lấy mình làm gương, bởi vì “thân giáo” quan trọng hơn “ngôn giáo”. Vậy nên nhà có cha nghiêm, thường có con hiền tài. Nếu chiều chuộng quá sẽ hỏng con, hỏng cháu. Vì vậy người bề trên phải tự mình quy chính bản thân, chính trực, lấy thân mình làm gương, sau mới dạy dỗ giáo huấn con, cháu. Ðó mới là phương pháp giáo dục con, cháu tốt nhất, có hiệu quả nhất.

Hoàng Bích Hà
Bình luận
Back To Top