Thú vui chọi trâu của người Xạ Phang Điện Biên

10:25 - Thứ Năm, 03/12/2020 Lượt xem: 8223 In bài viết

ĐBP - Thời điểm nông nhàn giữa mùa đông, đi qua những bản người dân tộc Xạ Phang, sinh sống tại xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ, chúng tôi được chứng kiến những màn chọi trâu tưng bừng, độc đáo của bà con nơi này. Được biết, đối với người dân tộc Xạ Phang, xã Phìn Hồ nói riêng và tỉnh Điện Biên nói chung, thì chọi trâu không đơn thuần là một thú vui, trò chơi dân dã của bà con, mà còn là nét đẹp văn hóa lâu đời của người dân tộc Xạ Phang trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở vùng cao Điện Biên.

Màn chọi trâu của người dân bản Đề Pua, xã Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ.

Lần theo tiếng hò reo, huyên náo của bà con, chúng tôi tới khu sân bãi thuộc bản Đề Pua, xã Phìn Hồ. Ở đây, đang diễn ra màn đấu chọi kịch tính giữa 2 chú trâu đực, to khỏe và hung hăng. Xung quanh là rất nhiều người dân bản Đề Pua và các bản lân cận, đang phấn khích vỗ tay, cổ vũ từng màn đấu chọi. Không khí tưng bừng của chọi trâu khiến số lượng người tới xem ngày một đông. Từ các nẻo đường, cũng có vài người dân đang dắt những con trâu đực đến sân bãi để tham gia chọi, giao lưu với nhau. Gặp gỡ chúng tôi, ông Giàng Lao Tơn, trưởng bản Đề Pua, cho biết: “Thú vui chọi trâu của người dân tộc Xạ Phang chúng tôi đã có từ xa xưa. Vào khoảng năm 1980, khi di cư từ nơi khác về bản Đề Pua và các bản lân cận trong xã Phìn Hồ sinh sống, người dân tộc Xạ Phang đã mang theo thú vui chọi trâu vào mỗi dịp nông nhàn; khi mùa màng đã thu hoạch xong hoặc vào đầu xuân năm mới, khi bà con nghỉ ngơi ăn Tết Nguyên đán cùng các dân tộc khác trên địa bàn. Năm nay, do mùa màng bội thu, bà con càng thêm phấn khởi, vui tươi hơn, nên khoảng 1 tháng trở lại đây, bà con thường đưa nhiều trâu xuống các bản chọi giao lưu. Đông vui nhất là vào các buổi sáng thứ bẩy, chủ nhật, tại khu sân bãi này thường có từ 20 – 30 con trâu của bà con người Xạ Phang bản Đề Pua và các bản lân cận, như: Mo Công, Mạy Hốc, Đệ Tinh 1, Đệ Tinh 2... đưa về đấu chọi. Để phong trào được tổ chức đông vui, mới đây, chính quyền bản chúng tôi đã huy động bà con góp công sức, san bằng khu đất rộng rãi cho bà con tập kết và tổ chức chọi trâu”.

Theo trưởng bản Giàng Lao Tơn, nếu như các dân tộc khác có thú vui chọi bò hay chọi gà, thì người dân tộc Xạ Phang đặc biệt ưa thích trò chơi chọi trâu. Trâu cũng chính là linh vật thường sử dụng để cúng tế trong các lễ tục của bà con; đồng thời cũng sử dụng làm sức kéo trong sản xuất nông nghiệp của mỗi gia đình. Chính vì lẽ đó, người dân tộc Xạ Phang thường nuôi rất nhiều trâu. Như gia đình ông Ngài Cù Lỷ, người có uy tín tại bản Đề Pua là hộ nổi tiếng nuôi nhiều trâu nhất trong bản với hơn 50 con.

Tại buổi giao lưu đấu chọi trâu, ông Ngài Cù Lỷ đã đem 5 con trâu đến để giao lưu. Sau nhiều màn đấu chọi kịch tính, con trâu đực 6 năm tuổi của gia đình ông Ngài Cù Lỷ đã giành giải vô địch vì chọi thắng tất cả những con trâu khác. Chia sẻ với chúng tôi, ông Ngài Cù Lỷ phấn khởi kể: “Gia đình tôi đã nuôi trâu nhiều năm và số lượng tương đối nhiều, có thời điểm lên tới gần 100 con. Chính vì thế, ngoài dùng làm sức kéo, ông, cha tôi còn rèn luyện, chăm sóc những con trâu đực trở thành trâu chọi. Mỗi khi nông nhàn hay lễ tết, tôi vẫn thường đem trâu đi chọi ở các bản lân cận, có lần mang cả trâu về xuôi, tham gia các giải chọi trâu quy mô cấp tỉnh. Nhiều người thập phương khi biết đến gia đình tôi có trâu chọi giống tốt cũng tìm đến tận bản, vào nhà tôi hỏi mua trâu”.

Riêng trong bản Đề Pua, chúng tôi được biết, có tới 30 hộ người dân tộc Xạ Phang nuôi nhiều trâu. Chính vì sở thích nuôi trâu chọi giao lưu nên mỗi dịp nông nhàn, người Xạ Phang thường nhốt riêng những con trâu đực, rồi chăm sóc và rèn luyện chúng trở thành trâu chọi. Điều đặc biệt là sau mỗi dịp chọi trâu giao lưu, bà con không thịt trâu để ăn mừng; mà đưa chúng về chữa trị vết thương, tiếp tục vỗ béo, nuôi dưỡng để cày kéo và tham gia chọi dịp sau.

Nói về chuyện chọi trâu, Ông Lèng Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Phìn Hồ chia sẻ thêm: “Bà con dân tộc Xạ Phang ở xã chúng tôi nuôi trâu để cày kéo là chính, chọi trâu đầu xuân hay mỗi dịp nông nhàn cho vui thôi! Đây cũng là dịp để khoe nhà mình nuôi được con trâu khỏe, trâu đẹp và cầu mong năm mới mưa thuận, gió hòa; vụ mùa mới có cây ngô nhiều hạt, cấy lúa nặng bông, nhà nhà nuôi được nhiều trâu bò, cuộc sống thêm no ấm. Trâu ai thắng thì càng vui, còn trâu ai thua cũng không quan trọng. Sau khi chọi trâu, những con trâu lại trở về với công việc chính là cày kéo, chứ không bị mổ thịt như ở sới chọi chuyên nghiệp. Vì thế, trâu đi chọi không ai được vót sừng nhọn mà phải cưa bớt sừng, tránh làm chết trâu người khác. Khi dắt trâu ra, con nào dữ quá cũng phải bịt mắt lại, dắt đến gần nhau mới thả ra chứ không cho trâu lao vào nhau từ xa để hạn chế thương tích. Chính vì thế, mỗi khi xem chọi trâu chúng tôi và bà con đều cảm thấy vui vẻ, an tâm lắm!”.

Được biết, người dân tộc Xạ Phang ở xã Phìn Hồ hiện sinh sống chủ yếu ở các bản: Mo Công, Mạy Hốc, Đệ Tinh 1 và Đề Pua, xen kẽ với các dân tộc khác. Mặc dù vậy, bà con vẫn giữ phong cách, thói quen truyền thống lâu năm là nuôi nhiều trâu. Ngoài làm sức kéo và dùng để chọi trâu, thì bà con còn chăn nuôi theo mô hình trang trại để bán lấy thịt. Do có kinh nghiệm nuôi lâu năm, trâu của bà con Xạ Phang thường to khỏe, béo tốt và bán được giá, giúp bà con tăng thêm thu nhập và thoát nghèo. Do đó, phong trào nuôi trâu hay thú vui chọi trâu của người Xạ Phang xã Phìn Hồ ngày càng phát triển lớn mạnh; từ đó thu hút và khích lệ bà con các dân tộc khác trong xã và các xã lân cận cùng nuôi trâu, để phát triển kinh tế và mở rộng quy mô chọi trâu hàng năm.

Bài, ảnh: Phương Liên
Bình luận
Back To Top