Nhìn lại một chặng đường văn học

10:35 - Thứ Sáu, 04/12/2020 Lượt xem: 5663 In bài viết

Một sự kiện không chỉ những người cầm bút mà còn được người dân cả nước quan tâm, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X (Đại hội X) đã kết thúc trong niềm phấn khởi và hy vọng.  

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ X đạt kết quả nổi bật trong chuyển giao thế hệ lãnh đạo. Ảnh: HV

Lâu lắm rồi mới thấy cái cảm giác êm ả và nhẹ nhõm đến vậy. Bỏ phiếu bầu một lần đủ số lượng 11 ủy viên Ban Chấp hành, tuy độ tuổi  trung bình đã hơn 50, nhưng trẻ hơn nhiều so với khóa trước. Và thật sự là một cuộc bàn giao thế hệ. Nói, lựa chọn được những người có tài, có tâm, tưởng có phần to tát, nhưng phần lớn ý kiến nhà văn, đại biểu dự đại hội cảm thấy hài lòng, vì đó là những người đại diện có uy tín văn chương, nhiệt tình với công tác xây dựng hội. Sắp tới, công việc của Ban Chấp hành Hội Nhà văn rất nhiều, rất nặng nề, nhưng mục tiêu hướng tới có thể gói gọn trong câu nói giản dị: “Tất cả vì hội viên”.

Bầu ra Ban Chấp hành là công việc hệ trọng nhưng chỉ là một trong những nội dung của đại hội. Tại Đại hội X tuy không có nhiều tham luận, nhưng qua các ý kiến tại các đại hội nhà văn cơ sở, qua các hoạt động văn học sôi nổi, rộng khắp trong cả nước, chúng ta có thể hình dung bức tranh toàn cảnh của văn học Việt Nam nói chung, hoạt động của Hội Nhà văn nói riêng trong 5 năm qua. Đó là việc đẩy mạnh sáng tác, nâng cao chất lượng tác phẩm văn học. Đó là việc nâng  cao chất lượng công tác lý luận phê bình; quảng bá tác phẩm. Đó là công tác xây dựng Hội, “mái nhà chung” của những người viết văn; phát hiện, bồi dưỡng tài năng trẻ;  mở rộng giao lưu, hội nhập quốc tế… Nhìn một cách tổng quan, có thể vui mừng trước một khối lượng công việc rất lớn đã và đang phải tiếp tục thực  hiện, đòi hỏi niềm say mê, tâm huyết, sáng tạo của các nhà văn và các thế hệ cầm bút ở khắp mọi miền đất nước.

Những câu hỏi lớn đã đặt ra trong đời sống văn học: Dòng chủ lưu của văn học nước ta hôm nay? Nhân vật trung tâm trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bước vào kỷ nguyên số, nền kinh tế số? Vai trò dẫn dắt của lý luận phê bình? Làm thế nào để đổi mới tư duy nghệ thuật, mở ra nhiều kênh tiếp cận tác phẩm, hay nói cách khác, làm thế nào để lý luận phê bình đồng hành cùng sáng tác? Và bao trùm lên tất cả: Vì sao chúng ta vẫn chưa xây dựng được những tác phẩm lớn về các cuộc kháng chiến vĩ đại, về những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới, về cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay, như gợi ý của đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư,  phát biểu tại đại hội.

Rất mừng là khi “nhìn lại” chúng  ta thấy lấp lánh những điểm sáng trong bức tranh văn học. Đã nhận rõ, đã khai sáng dòng chủ lưu văn học chính là đề cao lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, dân chủ, nhân văn và hội nhập quốc tế. Đã bám sát nhiệm vụ trung tâm là đấu tranh xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng con người, trong đó nóng bỏng nhất là vấn đề đạo đức xã hội. Nhiều tác phẩm trăn trở tìm tòi, khám phá, cách thể hiện mới, phương pháp mới, phù hợp các vấn đề nóng bỏng trong đời sống xã hội, phù hợp tâm trạng, suy nghĩ của người Việt Nam hôm nay. Những truyện ngắn, bút ký, phóng sự, thơ nóng hổi, sâu sắc, cảm động về cuộc chiến chống “cơn bão” dịch Covid-19, về  thiên tai, lũ lụt thảm khốc ở các tỉnh miền trung trong thời gian qua là những minh chứng sinh động cho sứ mệnh cao cả của văn học; nhà văn không chỉ phản ánh hay chiêm nghiệm hiện thực, mà phải là tấm gương phản chiếu thời đại, luôn “cùng xương thịt với nhân dân tôi” (Xuân Diệu). Về lý luận phê bình, dù còn chưa đáp ứng yêu cầu và thị hiếu người đọc, nhưng đã xuất hiện một số tác phẩm công phu, sâu sắc, mang tính tổng kết, có thể coi là cẩm nang đối với người sáng tác và nghiên cứu văn học. Lý luận phê bình  đã góp phần giải quyết sâu thêm  mối quan hệ giữa truyền thống và cách tân, cảnh báo và phê phán tình trạng làng nhàng, chạy theo số lượng đầu sách, chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận người đọc.

Cùng với những thành tựu đã đạt được, công chúng đòi hỏi  những tác phẩm xứng tầm, với những cái hay mới, cái hay chưa từng có từ trước tới nay, mang tính mở đường, điều đó đòi hỏi ở nhà văn một tầm nhìn xa rộng, một tầm tư tưởng lớn, làm nổi bật vấn đề trung tâm, nhân vật trung tâm trong giai đoạn chuyển tiếp đặc biệt này. Hãy làm mới mình bằng cách ngắn gọn hơn, hàm súc hơn. Điều này đại thi hào Nguyễn Du đã viết: “Tài tri vô tự thị chân kinh”, nghĩa là: Kinh không còn chữ mới là chân kinh. Đâu đó ta vẫn thấy hiện tượng chạy theo số lượng, đầu sách nhiều mà tác phẩm thật sự có giá trị thì ít. Văn xuôi còn chậm chạp, còn có khoảng cách lớn so với sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Thơ còn chênh vênh giữa truyền thống và cách tân, nhiều khi sa vào kể lể, véo von và sa-lông hóa. Tiểu thuyết, truyện ngắn có khả dĩ hơn, nhưng thơ và lý luận phê bình dường như chỉ lưu hành trong giới sáng tác, bạn đọc không hồ hởi đón nhận, kể cả những tác phẩm được tặng giải thưởng.

Nhân nói về việc xét tặng giải thưởng, một vấn đề cộm lên trong  nhiều năm là chất lượng giải thưởng và kết nạp hội viên. Đó là hai điểm phức tạp và nhạy cảm nhất, trong đó mặt yếu kém dễ thấy hơn mặt tích cực. Tại sao không ít tác phẩm được trao giải sau khi vinh danh lại chìm vào quên lãng, hầu như không tác phẩm nào được tái bản, được độc giả tìm đọc? Tại sao không ít tác giả được kết nạp vào Hội Nhà văn mà không ai  biết đến tác phẩm của họ. Ngay cả một số thành viên trong các hội đồng văn học cũng cảm thấy thất vọng khi thấy có những “nhà” chỉ ở tầm hội viên câu lạc bộ (!). Nếu kéo dài tình trạng chất lượng hội viên thấp, trao thưởng cho những cuốn sách chưa xứng đáng thì không thể có một nền văn học phát triển, với những tác phẩm có giá trị cao, được công chúng hồ hởi đón nhận.

Chặng đường mới của văn học Việt Nam đang tiếp tục với hành trang và nội lực mới. Chặng đường ấy được Dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng xác định: “Phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Từ định hướng quan trọng ấy, Đảng ta chủ trương, tạo mọi điều kiện cho sự tìm tòi, sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ để có nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, thấm nhuần tinh thần nhân văn, dân tộc, dân chủ, tiến bộ, phản ánh chân thật, sinh động, sâu sắc đời sống, lịch sử dân tộc và công cuộc đổi mới đất nước.

Tiếp tục đẩy mạnh sáng tác là nhiệm vụ hàng đầu của Hội Nhà văn. Hội cần tạo mọi điều kiện để các nhà văn, các cây bút chuyên nghiệp và không chuyên tiếp tục đổi mới tư duy văn học, đề tài, chủ đề, phương pháp sáng tác, nhằm đem đến một diện mạo văn học đa dạng phong phú, khuyến khích cá tính sáng tạo, tìm tòi thể nghiệm cái mới, cái khác. Giống như một cuộc chạy tiếp sức, người trước biết  khuyến khích và chờ đợi, người sau biết dấn thân, nhưng không nhất thiết đặt đúng bàn chân vào dấu chân người trước. Mỗi cây bút cần vươn tới tầm cao tư tưởng, phong cách nghệ thuật độc đáo, trung thực, dấn thân như chính cuộc đời mình, điều đó gian truân, vất vả  vô cùng,  nếu không muốn  làm người “hát nhép” trong dàn đồng ca.

Bạn đọc luôn mong muốn các nhà văn thâm nhập sâu hơn vào các lĩnh vực của đời sống, nhất là các trung tâm công nghiệp, các vùng nông nghiệp - nông thôn - nông dân, các đơn vị bộ đội, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Đó là cách tốt nhất để đi tìm nhân vật trung tâm của ngày hôm nay: những người lao động sáng tạo trong tất cả các thành phần kinh tế; những người nông dân, công nhân đang ở tuyến đầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; những nhà khoa học, nhà giáo, bác sĩ, nhà doanh nghiệp; những chiến sĩ dũng cảm, tận tụy nơi biên giới, hải đảo và trên các mặt trận nóng bỏng trong thời bình,... Những vấn đề này đã được tân Chủ tịch Hội Nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ: “Chúng tôi lúc này nhận thấy sứ mệnh thật vinh quang, hạnh phúc thật lớn lao, nhưng trách nhiệm cũng vô cùng nặng nề. Chúng tôi xin tiếp bước các nhà văn chân chính đã chọn đi, đồng hành cùng cách mạng, đất nước. Chúng tôi nguyện làm tốt hơn nữa trách nhiệm ấy”.

Các nhà văn Việt Nam đang âm thầm và quyết liệt, nỗ lực tìm đến và làm nên cái “hay” trong văn học. Cái hay ấy chỉ có ở những trang văn có giá trị. Mà “Một tác phẩm thật giá trị phải làm cho con người gần người hơn” (Đời thừa - Nam Cao).

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top