Đạo diễn sân khấu vượt khó bằng tư duy mới

10:55 - Thứ Năm, 17/12/2020 Lượt xem: 6342 In bài viết

Mới đây, trong tọa đàm về công tác đạo diễn tại TPHCM, do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, nhiều ý kiến đã đặt lại vai trò và sức sáng tạo của đạo diễn. Trong đó, tự thân đạo diễn phải biết vận dụng cái đang có để làm nên một tác phẩm đột phá nhờ vào tư duy mới, không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh hay điều kiện làm nghề. 

Nghèo nàn và gò bó

Đạo diễn Thái Kim Tùng trăn trở: “Tôi xem nhiều băng đĩa, đi nước ngoài xem các chương trình nghệ thuật quốc tế, nhìn lại thấy nước mình vẫn còn thủ công và thô sơ. Hậu đài vẫn phải cầm cảnh trí chạy ra chạy vô khi sân khấu tắt đèn chuyển cảnh, vậy nên có nhiều sai sót về mặt kỹ thuật là không tránh được. Đứng trước sự bùng phát của truyền hình, gameshow, sân khấu ở thế yếu - không có đủ hình thức, điều kiện để cạnh tranh. Hơn thế, các sân khấu tư nhân không có nhiều kinh phí để đầu tư nên cảnh trí cũ cứ xài đi xài lại, có nhiều nơi còn lược bớt nhân sự (không có nhạc sĩ, kỹ thuật), một mình đạo diễn phải làm hết các công đoạn, dù lẽ ra phải được sự giúp sức của nhiều người. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều vở chất lượng thấp”. 

NSƯT Hữu Châu chỉ đạo dàn dựng chương trình Tài danh đất Việt tái dựng vở cải lương kinh điển Nửa đời hương phấn trên sân khấu Nhà hát Bến Thành

Với nhiều đạo diễn hiện nay, hễ tham gia dựng vở cho các sân khấu xã hội hóa là phải luôn ở tâm thế: Làm sao tiền đầu tư không quá cao, sau bao nhiêu suất diễn thì sân khấu có chút lời để tái đầu tư? Nhiều năm qua, công tác dàn dựng sân khấu chỉ dựa trên tài năng, kỹ xảo diễn xuất của diễn viên để lôi kéo khán giả, còn lại các yếu tố kỹ thuật khác tuy có hỗ trợ nhưng luôn gặp hạn chế. 


Đạo diễn Quốc Thảo có gần 10 năm ở nước ngoài để xem, học, tích lũy kinh nghiệm làm sân khấu. Sau khi về nước, anh muốn làm nhiều thứ, nhưng nhìn vào thực trạng sân khấu, anh lắc đầu: “Tôi bị vỡ mộng, sau nhiều năm xa sàn diễn, khi quay trở lại, tôi vẫn thấy từ kinh phí đến cơ sở vật chất đều y vậy, thậm chí còn xuống cấp hơn. Ở nước ngoài, có nhà hát dành riêng cho từng vở. Mọi sắp đặt cảnh trí chỉ cần nhấn nút là xong. Còn sân khấu mình vẫn phải làm toàn bộ bằng thủ công, lạc hậu vô cùng. Dù nước mình có nguồn nhân lực tốt, diễn viên giỏi nghề, nhưng bị gò bó trong sự nghèo nàn của sân khấu. Đó là sự thiệt thòi quá lớn! Lớp đạo diễn sân khấu lèo tèo, hầu như các bạn chỉ thích học đạo diễn phim, điều này báo động về đội ngũ kế thừa”. 

Không có nghĩa nhiều tiền mới là nghệ thuật

NSƯT Thành Lộc - một nghệ sĩ tài năng của làng kịch nói, một đạo diễn “tay ngang” chưa hề học qua trường lớp chính quy nào mà chủ yếu là tự học, tự đúc kết kinh nghiệm qua việc lĩnh hội từ các tiền bối và đã đạt được sự thành công ở vai trò dàn dựng vở nhạc kịch Tiên Nga cùng một số vở trên sân khấu kịch Idecaf. Anh khẳng định: “Ở hoàn cảnh này, không thể ngồi than thở mãi, phải bắt tay làm thôi. Sân khấu thế giới, không phải đạo diễn nào cũng học hành bài bản, công việc này đòi hỏi nhiều vào năng khiếu và tư duy tích lũy kinh nghiệm. Tôi từng tham gia liên hoan sân khấu quốc tế, diễn trong một nhà hát chỉ 70 ghế. Có những nhà hát cũng chỉ 300 ghế. Vậy nên, làm nghề mình đừng suy nghĩ nhiều quá. Đôi khi trong sự sáng tạo của mình, ai cũng khát khao làm nhiều thứ, nhưng khi không làm được lại đổ thừa cho hoàn cảnh, khó quá không làm được. Người đạo diễn nên sáng tạo hết sức trên những nền tảng có sẵn, trong khả năng có thể. Đặc biệt, ở thời đại này, hình thức quyết định nội dung rất nhiều. Vậy nên giải trí là tiêu chí vô cùng quan trọng, cần phải lôi kéo khán giả đến sân khấu thì nội dung mới chuyển tải, lan tỏa và đi xa được”.

Trên hết, vẫn là tùy vào túi tiền để sáng tạo, đối với hình thức dàn dựng, không có nghĩa là nhiều tiền mới là nghệ thuật, nên phát huy tư duy cá nhân và hiểu rõ trong hoàn cảnh này thì nên làm cái gì. Theo TS Lê Hồng Phước: “Sự hay, dở của công tác dàn dựng đều trong tầm quyết định của đạo diễn, làm sao để hợp lý. Chú ý giữa làm hay và làm mới, cần cân đối. Thực trạng khó khăn (không chỉ Việt Nam) và giải pháp vẫn là cứ làm đi, liệu cơm gắp mắm”.

Đạo diễn Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu Idecaf) nhận định: “Để sân khấu tồn tại, tư duy con người rất quan trọng. Sân khấu chúng ta thua những ngành nghề khác về cơ sở vật chất, đầu tư, vậy thì hãy làm những điều bất thường nhưng hợp lý, làm hài lòng khán giả. Trên cơ sở những điều bất bình thường, hấp dẫn và cuốn hút đó sẽ thấy đạo diễn giỏi như thế nào và cho khán giả có nhiều lựa chọn hơn”.

Bên cạnh công tác dàn dựng, vai trò đạo diễn còn có chỉ đạo diễn xuất, nhưng hiện nay vấn đề này bị lơ là, nhất là khi gặp diễn viên tên tuổi, đạo diễn chiều diễn viên, dù lối diễn xuất thiếu sự tươi mới. Trong rất nhiều vở, đạo diễn buông tay cho diễn viên tự bung chiêu trò, kỹ năng để lôi kéo khán giả. Khi chạy theo dòng chảy giải trí, chiều ý khán giả, đạo diễn tự làm mất dấu ấn riêng mình, khiến vai trò đạo diễn mờ nhạt trong tác phẩm sân khấu. Điều này đáng báo động và cần phải nhanh thay đổi.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top