Kịp thời xử lý các tình huống chống dịch dịp lễ hội Xuân Tân Sửu

16:05 - Thứ Tư, 13/01/2021 Lượt xem: 5587 In bài viết

Mùa lễ hội Xuân Tân Sửu 2021 diễn ra trong tình hình dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường. Việc tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, giám sát phòng chống dịch bệnh, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm luôn là những giải pháp cần thiết, phải được thực hiện thường xuyên nhằm kịp thời có những giải pháp ứng phó hiệu quả.

Một lễ hội tại Hà Nam. Ảnh VGP/Nhật Thy

Theo Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), trong năm 2020, Bộ VHTT&DL đã thành lập các đoàn kiểm tra về công tác triển khai thực hiện Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong hoạt động lễ hội tại một số địa phương. Qua kiểm tra, các địa phương đều thực hiện nghiêm Công điện, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Công điện và các văn bản chỉ đạo của Bộ VHTTDL trong công tác phòng, chống dịch thuộc lĩnh vực VHTTDL, dừng các lễ hội chưa khai mạc và giảm các hoạt động phần hội đang diễn ra ở địa phương như lễ hội Tịch điền (Hà Nam), Hội Lim (Bắc Ninh), lễ Khai ấn Đền Trần (Nam Định), lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ, Festival Trà Thái Nguyên...

Năm 2021 được nhận định đại dịch COVID-19 sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Trước tình hình này, Bộ VHTT&DL đề nghị các địa phương nghiêm túc triển khai quy trình phòng chống dịch COVID-19 trong lĩnh vực VHTTDL theo các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ VHTT&DL đã ban hành. Đặc biệt, Bộ VHTT&DL yêu cầu thực hiện biện pháp tạm ngừng tổ chức lễhội theo quy định tại Nghị định số110/2018/NĐ-CP trong trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng; giảm quy mô, điều chỉnh hình thức, thời gian tổ chức lễ hội để đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh.

Kịp thời xử lý các tình huống chống dịch, Cục Văn hóa cơ sở đã đưa ra đề xuất cần phân nhóm các địa phương để thực hiện các giải pháp phù hợp.

Cụ thể, đối với các tỉnh tình hình dịch COVID-19 được kiểm soát, nguy cơ lây nhiễm thấp, các giải pháp được quán triệt gồm: Thực hiện nghiêm công tác quản lý nhà nước về lễ hội theo quy định tại Nghị định số 110; đặc biệt cần thống kê, phân loại lễ hội các cấp để có biện pháp quản lý phù hợp. Giảm quy mô, thời gian tổ chức lễ hội; thay đổi hình thức tổ chức các hoạt động hội trong lễ hội. Đảm bảo các điều kiện về phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành y tế; yêu cầu bắt buộc đối người dân phải đeo khẩu trang khi tham gia các hoạt động lễ hội, tham quan di tích. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân và du khách trong việc thực hiện các quy định về tổ chức lễ hội, phòng chống dịch bệnh COVID-19. Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tại địa phương để thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ, chính xác đến người dân và du khách; tổ chức tập huấn các biện pháp phòng dịch.

Đối với tỉnh có nguy cơ cao lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, những giải pháp cần được tăng cường gồm: Thực hiện dừng hẳn khai mạc tổ chức các loại hình lễ hội tập trung đông người trên địa bàn đến khi tình hình dịch bệnh được khống chế. Tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch bệnh, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, xây dựng nhiều biện pháp để ứng phó với mọi tình huống dịch bệnh, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức của người dân về phòng, chống dịch bệnh, cần phát huy vai trò, trách nhiệm của gia đình, dòng họ trong việc phổ biến, tuyên truyền nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân tự giác chấp hành các yêu cầu, biện pháp phòng, chống dịch, tham gia khai báo y tế tự nguyện, thực hiện đầy đủ các biện pháp tự bảo vệ cho gia đình, bản thân, cộng đồng.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top