Xây dựng văn hóa trong Đảng vì sự phát triển bền vững đất nước

17:14 - Thứ Ba, 26/01/2021 Lượt xem: 5447 In bài viết

Xây dựng văn hóa trong chính trị, xét ở một cách tiếp cận nhất định, chính là xây dựng văn hóa trong Đảng. Khi chúng ta đã nhận thức rõ ràng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội thì việc xây dựng văn hóa trong Đảng cũng được xem là nền tảng bảo đảm cho việc thực hiện mục tiêu “xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”.

Khi Đảng là giai cấp tiền phong, lãnh đạo xã hội thì văn hóa trong Đảng cũng phải là văn hóa tiền phong, dẫn dắt sự phát triển văn hóa.

Giá trị chính là sự kết tinh của văn hóa qua thời gian. Đến lượt mình, giá trị trở thành yếu tố định hướng cho sự phát triển của văn hóa nói riêng, xã hội nói chung. Trong khẩu hiệu của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, “dân chủ, kỷ cương” là thông điệp về những giá trị quan trọng. Một xã hội dân chủ sẽ tạo điều kiện thuận lợi phát huy tự do, giúp mọi người dân có thể tham gia tâm sức phát triển đất nước nói chung, phát triển văn hóa nói riêng. Tuy vậy, kỷ cương được thực thi rộng rãi cũng giúp cho dân chủ được phát huy đúng hướng, hợp tình, hợp lý. Bối cảnh dịch Covid-19 vừa qua đã cho chúng ta thấy sức mạnh của sự quyết tâm chính trị trong việc kết hợp giữa dân chủ và kỷ cương, từ đó giúp cho dân tộc ta vượt qua khó khăn của dịch bệnh bằng chính sự đoàn kết của dân tộc. Văn hóa trong Đảng, trong đó đề cao những giá trị của dân chủ và kỷ cương, một lần nữa thể hiện như một sức mạnh lan tỏa thông điệp rõ ràng đến toàn xã hội.

Trong văn hóa, xây dựng môi trường văn hóa là một trong những nhiệm vụ căn bản, quan trọng, vì môi trường văn hóa tạo điều kiện xây dựng con người phát triển toàn diện. Đảng ta khẳng định phải đặt văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, đó cũng là trở lại vấn đề muôn thuở của mọi dân tộc, mọi thời đại: Chăm lo xây dựng, phát triển văn hóa lành mạnh là chăm lo xây dựng, phát triển nhân cách con người có đủ đức, trí, thể, mỹ. Vì thế, muốn góp phần phòng chống sự tha hóa của con người, đạo đức xã hội xuống cấp thì đòi hỏi mỗi gia đình phải trở thành “cái nôi văn hóa” nuôi dưỡng, hình thành đạo đức, lối sống tốt đẹp cho con người; nhà trường phải trở thành “điểm tựa văn hóa” xây dựng, phát triển nhân cách tốt đẹp cho học sinh, sinh viên; xã hội phải có môi trường văn hóa lành mạnh để nhân dân được hưởng thụ đời sống văn hóa bổ ích. Đối với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải trở thành những tấm gương văn hóa để góp phần giáo dục, lan tỏa giá trị đạo đức tốt đẹp cho người dân.

Với mỗi cán bộ, đảng viên, nêu gương là trách nhiệm của bổn phận và đạo lý, thay vì chờ đợi hướng dẫn, chỉ đạo phải chủ động, tự giác thực hành bằng những hành động, việc làm dù nhỏ trong công tác và đời sống hàng ngày, trong ứng xử với chính mình, với công việc và với tập thể cơ quan, đơn vị. Thực hiện tự phê bình và phê bình phải mang mục đích, ý nghĩa trong sáng, vì công việc chung, vì sự đoàn kết của tổ chức và vì sự tiến bộ của từng đảng viên…

Trong nhiệm kỳ vừa qua, chúng ta đã chứng kiến những thành tựu rất lớn, nhận được sự đánh giá cao từ nhân dân qua những hành động quyết liệt của Đảng liên quan đến công tác chỉnh đốn và xây dựng Đảng, chống tham nhũng, lãng phí, làm trong sạch môi trường văn hóa trong Đảng. Niềm tin vào Đảng vì thế không ngừng được nâng lên. Ở một góc nhìn hết sức cụ thể, văn hóa Đảng được thể hiện trong văn hóa của từng cán bộ đảng viên và các tổ chức Đảng. Như thế, chúng ta nhìn thấy mối quan hệ biện chứng giữa xây dựng môi trường văn hóa trong Đảng và văn hóa của mỗi đảng viên, tổ chức Đảng.

Theo đó, khi mỗi đảng viên, từng tổ chức Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh thì môi trường văn hóa trong Đảng sẽ trong sạch, vững mạnh và ngược lại. Chính vì thế, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt và xây dựng văn hóa trong Đảng góp phần xây dựng Đảng vững mạnh. Xây dựng văn hóa Đảng giúp hình thành hệ giá trị căn bản, là sự hiện diện cụ thể của chân, thiện, mỹ của giai cấp tiền phong và từ trung tâm này, lan tỏa và truyền cảm hứng tới các tầng lớp khác trong xã hội.

Để xây dựng và phát huy văn hóa trong Đảng, bên cạnh việc cần nâng cao nhận thức về vị trí và vai trò của văn hóa trong việc xây dựng Đảng thì một trong những trọng tâm là coi trọng văn hóa nêu gương, văn hóa trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân trong Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng giúp chúng ta hiện thực hóa giấc mơ phát triển bền vững đất nước và trong đó, văn hóa trong Đảng sẽ góp phần trở thành tấm gương, giúp định hướng cho sự phát triển văn hóa nói riêng, phát triển đất nước hùng cường nói chung.

PGS-TS BÙI HOÀI SƠN 

Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top