Vui tận tháng Giêng

17:41 - Thứ Sáu, 29/01/2021 Lượt xem: 6652 In bài viết

ĐBP - Thấm thoắt đã lại giáp tết. Lên thị xã Mường Lay những ngày này không khí tết đã rộn ràng khắp các phố, bản gợi tôi nhớ về những tết xưa, khi Mường Lay còn là thị xã tỉnh lỵ của tỉnh. Vật đổi, sao dời nhưng không khí tết ấy vẫn như mới vừa hôm qua.

Trong ký ức của người Mường Lay, thị xã xưa nhỏ và hẹp. Phố thị xen lẫn bản người Thái trắng với mỗi cụm dân cư được gọi tên gắn với bản như khu Chi Luông có bản Chi Luông; bản Nậm Cản ở khu Nậm Cản; bản Xá, cầu bản Xá được gọi theo tên của bản Xá Ðán... Khi trời vào xuân, người dân các bản đón tết rộn ràng khắp phố thị. Mà tết của người Thái trắng thường bắt đầu từ tháng Chạp cho đến qua rằm tháng Giêng.

Ðầu tiên là tết Soong sịp (tết cơm mới). Người Thái trắng ở Mường Lay quan niệm để có mùa màng bội thu cần sự phù hộ của thần linh, tổ tiên. Do đó trước khi thu hoạch lúa, các gia đình đều làm lễ cúng cơm mới. Lễ vật cúng cơm mới không thể thiếu gà trống và nông sản mới thu hái tại ruộng, nương như: Cơm nấu từ gạo mới, sắn, khoai, hoa quả… Lễ cúng không thể thiếu nghi thức “tam” một nghi thức gọi, cầu bày tỏ lòng biết ơn với tổ tiên xin tổ tiên phù hộ cho các thành viên trong gia đình mạnh khỏe, tấn tới. Dù đi xa hay ở gần, các thành viên trong gia đình quây quần để ông bà, cha mẹ răn dạy giữ nếp nhà, coi trọng lao động và thành quả lao động…

Suốt từ 20 tháng Chạp, pháo đã nổ đì đoàng khắp các phố, bản. Người dân chuẩn bị thức ăn cho những ngày tết. Từng gia đình trong bản bắt đầu thả lưới kéo cá, mổ lợn, những nhà khá hơn thì chung nhau mổ trâu để làm cá sấy, thịt khô, các món truyền thống dành cho những ngày tết. Việc giết mổ dường như cũng được phân công nay mổ nhà này, mai đến nhà khác. Nhà có vật nuôi được mổ sẽ chuẩn bị mâm cơm mời bà con trong bản nên dường như các bản đều ăn tết sớm. Dân bản gọi là tết kim lao mao (tết uống rượu). Cùng với chuẩn bị thực phẩm, nông sản được chọn ra từ sau vụ gặt như nếp nương để dành làm khẩu háng, nếp ruộng chọn để gói bánh gù, rồi khẩu xén, chí chọp; rêu vớt ở suối, đem làm sạch, phơi khô... đều được làm sẵn để khi khách đến nhà ngày tết, chủ nhà ngả cái mâm bên bếp lửa vừa đồ xôi, đồ rau, vừa nướng thịt, nướng cá, làm đến đâu mang lên mâm đến đấy.

Sau tết kim lao mao đến tết nen bươn tiền (tựa như tết Nguyên đán của người Kinh). Người Thái cúng tổ tiên từ ngày 25 tháng Chạp. Ngày 30 tết, các nhà trong bản chuẩn bị mâm cơm cúng với các món không thể thiếu như: Cơm mới, gà, cá nướng, cá chua, thịt nướng khẩu háng, đường, muối... Người Thái trắng Mường Lay quan niệm mâm cỗ cúng tết phải đủ đầy đồ ăn, thức uống, nhất là không thể thiếu thịt, cá thì tổ tiên mới phù hộ cho năm tới được mùa, no ấm quanh năm. Lễ vật được đặt lên ban thờ ngay khi mới làm xong và chủ nhà thực hiện nghi thức cúng tất niên khi mặt trời chưa lặn cho đến những ngày sau. Mọi nhà không để hương trên ban thờ, lửa trên bếp tắt trong suốt những ngày tết bởi người dân cho rằng giữ lửa cũng như giữ sự no ấm, sung túc, may mắn từ năm trước qua năm này. Giữ lửa cũng là để tổ tiên có thể về tụ hội phù hộ, ban may mắn cho con cháu trong nhà.

Ngày đầu tiên của năm mới, đàn ông trong bản mang dao, rựa ra phát quang đường vào bản, phụ nữ ra suối lấy nước mang về như là tích của để dành cho một năm no đủ. Rồi bà con đến từng nhà chúc tết. Ðến nhà nào cũng vào mâm chúc rượu, dùng thức ăn được phụ nữ trong nhà chuẩn bị. Rồi kéo nhau cùng xòe dưới gốc muỗm già đầu bản. Bên vòng xòe, không chỉ dân bản, khách qua đường hiếu kỳ rồi cũng bị cuốn vào vòng xòe mê mải lúc nào không hay. Hết ngày, hết buổi, tối về mai gặp, nhịp chiêng, nhịp xòe dập dìu từ mùng 1, mùng 2 cho đến hết ngày 14 tháng Giêng - tức qua ngày xíp xí của người Thái trắng.

Tết xưa đầm ấm, tết xưa vui. Chẳng thế mà, ngày mới thực hiện di dân, tái định cư Thủy điện Sơn La, có cụ ông bản Nậm Cản rưng rưng chỉ về nơi bản cũ đã chìm trong nước mà cảm thán “bản xưa đó, thênh thang nhà rộng, có bếp lửa hồng, có cây muỗm già. Tết đến, cả bản say trong vòng xòe, vui đến quên mình”… Quãng thời gian ngọt ngào mang hương tết cổ xưa đã xa rồi.

Trở lại Mường Lay những ngày đầu năm mới, cảnh quan đổi thay nhiều nhưng vẫn mang đậm nét đặc trưng văn hóa Thái trắng với cư dân quần tụ ở các thung lũng dưới chân núi, dọc theo suối. Các bản vẫn bảo lưu được nếp nhà sàn. Phụ nữ các bản vẫn thạo làm món cơm lam, thịt nướng, cá chua… truyền thống của dân tộc. Những tết nay, chính quyền thị xã đã nỗ lực để mang lại không khí tết vui tươi. Cùng với tết truyền thống, Lễ hội Ðua thuyền đuôi én được phục dựng. Ngày tết Nguyên đán, các phố, bản tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ thể thao tại nhà văn hóa. Hòa cùng không khí tết nay mà nhớ tết xưa, tôi chợt nhận ra rằng dù có nhiều thay đổi nhưng giá trị về gia đình, yêu thương và sự gắn kết cộng đồng là sợi chỉ gắn với tết. Ðọng lại trong tim mỗi người, tết là để chia sẻ, tết là để yêu thương...

Ðạt Thương
Bình luận
Back To Top