Ðón tết cùng người Kháng

08:39 - Thứ Tư, 10/02/2021 Lượt xem: 9105 In bài viết

ĐBP - Chiều cuối năm, trong cái se lạnh của những ngày áp tết, chúng tôi có dịp đồng hành cùng cán bộ văn hóa xã về bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông (huyện Tuần Giáo). Là bản có gần 100% hộ là dân tộc Kháng nên những nét văn hóa đặc trưng ngày tết hầu như vẫn được bà con nơi đây lưu giữ trong sinh hoạt cộng đồng.

Phụ nữ dân tộc Kháng sửa soạn chuẩn bị đi chơi tết.

Ngôi nhà chúng tôi dừng chân là nhà ông Cà Văn Bôn, người có uy tín của bản. Hôm nay là ngày đặc biệt bởi anh em họ hàng của ông đang tập trung tại đây chuẩn bị mổ lợn đón tết. Xung quanh nhà là vợ ông Bôn cùng con, cháu sơ chế các loại rau củ, đồ xôi... Tiếng cười nói rộn ràng mang không khí ngày tết bao trùm ngôi nhà nhỏ. Vừa sửa soạn lại trang phục để chuẩn bị cúng tất niên, ông Bôn vừa chia sẻ: Người Kháng ăn tết chung với tết Nguyên đán của cả nước chứ không có tết riêng của dân tộc mình. Và đã thành truyền thống, trong ngày tết, mỗi gia đình người Kháng nếu có điều kiện mổ một con lợn hoặc khó khăn hơn thì mổ một con gà để cúng tổ tiên. Người Kháng thường gói nhiều bánh chưng (mả miệt) trong ngày tết, bánh được gói bằng gạo nếp, nhân thịt lợn với đỗ, gói bằng lá dong, cách gói giống như bánh chưng của người Kinh nhưng bé và dài hơn. Ngoài ra còn có các món như thịt nướng, cá nướng, xôi, cá ướp chua... Hầu hết món ăn truyền thống trên mâm cơm của người Kháng đều lấy nguyên liệu từ trên rừng, trên nương hay ngay trong vườn nhà, nhờ đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ Kháng được chế biến thành món ăn với các hương vị rất đặc trưng.

Trong ngày tết của người Kháng trước đây không thể thiếu chum rượu cần (hả háy). Rượu cần không chỉ là thứ đồ uống hấp dẫn mọi người từ chủ nhà đến khách mà còn là đặc sản mang hương vị riêng của người Kháng. Mỗi gia đình thường có từ 3 - 5 chum rượu ủ sẵn. Có những gia đình có cả chục chum, to nhỏ các loại để đợi đến dịp là mời khách hoặc làm quà biếu. Nếu gia chủ làm tết vào ngày nào thì mời bà con trong bản tới dự và ăn Tết cùng gia đình, mọi người cùng nhau ăn, uống rượu cần, múa hát, chúc tụng nhau những điều tốt lành. Giờ đây cuộc sống đã khấm khá hơn, rượu, nước ngọt đóng chai các loại đa dạng nên những chum rượu cần cũng ít dần đi... Thời gian ăn tết của người Kháng kéo dài đến khoảng mùng 10 tháng giêng, mỗi ngày sẽ đến ăn tết ở một nhà, rằm tháng giêng lại tổ chức một lần nữa là hết tết. Sau đó, người Kháng trở lại với cuộc sống thường ngày, tất bật công việc lao động sản xuất.

Với người Kháng, từ xưa đến nay, ngày tết không chỉ là dịp để mặc đẹp, thưởng thức các món ăn ngon, mà còn là thời gian để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng bản. Mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày tết, qua câu hát giao duyên và lời chúc tụng vui vẻ với ước nguyện về một năm mới nhiều may mắn, sum vầy.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top