Sắc màu tết các dân tộc Việt Nam

12:50 - Thứ Sáu, 12/02/2021 Lượt xem: 9113 In bài viết

Nước ta có 54 dân tộc anh em cùng chung sống. Mỗi dân tộc lại có phong tục đón tết riêng, góp phần làm phong phú thêm nét đẹp văn hóa dân tộc, được lưu truyền qua nhiều thế hệ mà vẫn giữ nguyên được bản sắc.

Tết của dân tộc Si La

Trẻ em dân tộc Si La chơi đánh cù trong ngày tết.

Người Si La ở Ðiện Biên đón tết cổ truyền trong 3 ngày và ăn theo dòng họ. Ngày đầu tiên của tết phải là ngày không trùng vào ngày giỗ của tổ tiên đời gần nhất của bất kỳ gia đình nào trong dòng họ, cũng không trùng với các ngày con hổ, con khỉ, ngày tốt được chọn thường là ngày con rồng. Do đó, tết của các dòng họ có thể không trùng nhau.

Ngày tết ngoài việc thực hiện các nghi thức truyền thống và uống rượu chúc tụng nhau, người Si La còn chơi nhiều trò chơi dân gian như: Ðá cầu, bắn quả “lé”, đánh cù...

Tết Yang Pa của người Chơ-Ro

Hai tết lớn của đồng bào Chơ-Ro là lễ cúng thần rừng và lễ cúng thần lúa vào khoảng tháng ba âm lịch.

Ngày cúng thần lúa cũng là lúc các cô gái trình cho buôn làng các loại bánh ngon như bánh tét, bánh ống, bánh dầy... Sau lễ cúng thần lúa tại nhà là bữa ăn tập thể do gia chủ đứng ra khoản đãi tại nơi hành lễ. Thường thường nơi cúng lễ là gốc cây cổ thụ trong buôn làng. Họ quan niệm thần lúa thường đến nghỉ ngơi ở đó.

Tết của người La Hủ

Ðồng bào La Hủ, dân tộc duy nhất chỉ sống ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, với dân số hơn 10 nghìn người. Tết cổ truyền của người La Hủ tập trung vào nửa cuối tháng 12 âm lịch, họ thường chọn ngày đẹp trong tháng để ăn tết ứng với tuổi của từng gia chủ.

Người La Hủ cũng tổ chức gói bánh chưng ăn tết. Bánh chưng gói giống với bánh tét của người Kinh. Khi bánh chín, chủ nhà phát cho các cháu nhỏ cầm đi chơi tết với quan niệm, trẻ em cầm bánh chưng đi chơi đầu năm thể hiện sự no đủ và sung túc.

Tết Cao Lan ngập tràn sắc đỏ

Người Cao Lan vui hát sình ca trong dịp tết.

Cao Lan là một nhánh của tộc Sán sống ở vùng Ðông Bắc Việt Nam. Tết Cao Lan thể hiện rất rõ đời sống văn hóa tinh thần độc đáo của người Cao Lan. Tết Nguyên đán được người Cao Lan chuẩn bị rất chu đáo với sắc đỏ ngập tràn. Các gia đình quét dọn nhà cửa, cắt hoa giấy đỏ để dán lên từ bàn thờ đến cối xay, cối giã gạo, con dao, cái cày, cây cối quanh nhà... Sau một năm làm việc vất vả, đây là dịp mọi người nghỉ ngơi, vui chơi, thăm hỏi và chúc tụng nhau những điều tốt lành.

Các gia đình tụ họp bên bếp lửa hồng, cùng nhau chuyện trò, đánh giá thành quả của gia đình trong năm qua và bàn cách làm ăn trong năm tới. Thời gian ăn tết của người Cao Lan kéo dài từ 27 - 28 tháng Chạp đến rằm tháng Giêng (âm lịch). Món ăn đặc trưng trong ngày tết là bánh vắt vai (bên cạnh bánh chưng, bánh rán, bánh khảo như các dân tộc khác). Ðó là loại bánh được làm từ gạo nếp, gói trong tàu lá chuối, nhân bánh là đỗ và đường.

Tết của người Hrê

Phụ nữ Hrê hát múa trong ngày tết cổ truyền.

Ðồng bào dân tộc Hrê cư trú tập trung ở một số huyện của tỉnh Quảng Ngãi. Tết của đồng bào Hrê kéo dài vài tháng liền. Bởi vậy mỗi gia đình phải nấu thật nhiều bánh tét, ủ thật nhiều rượu và chuẩn bị vài con trâu để đãi buôn làng sau khi cúng lễ xong. Ðối với họ, con trâu là cánh tay đắc lực, giúp kéo cày, bừa, giải quyết lúc gia đình khó khăn... Vì thế, lễ cúng trâu đặc biệt quan trọng. Mọi người đều tề tựu về nhà chủ làng để ăn mừng, chúc tụng lẫn nhau. Sau đó mới lần lượt đến các nhà khác.

Tết của người Nhắng

Người Nhắng ở Lào Cai ăn tết giống người Kinh. Giờ giao thừa, họ có tục đi lấy nước đầu năm về pha trà cúng tổ tiên. Lúc trở về, bao giờ họ cũng đem theo cành lộc để cắm trên bàn thờ. Mồng Một tết, người Nhắng chỉ cúng và ăn đồ chay, họ cũng không ra khỏi nhà mà chỉ chúc tụng những người trong gia đình. Ngày mồng Hai trở đi họ cúng mặn, đi thăm chúc tết bà con họ hàng và đến các đền miếu để cầu xin những điều may mắn, tốt lành cho gia đình.

Mai Ngọc (sưu tầm)
Bình luận
Back To Top