Giữ nét đẹp lì xì ngày Tết

20:03 - Thứ Sáu, 12/02/2021 Lượt xem: 8306 In bài viết

ĐBP - Từ nhiều đời nay, lì xì là một trong những tục lệ tốt đẹp của dân tộc ta mỗi dịp Tết đến xuân về. Những phong bao lì xì đỏ thắm cùng những lời chúc tốt đẹp, may mắn của người lớn dành cho con trẻ khiến không khí ngày xuân của các bạn nhỏ trở nên vui tươi, háo hức. Trước những thay đổi của nền kinh tế thị trường hiện nay, việc làm cho trẻ hiểu và trân trọng nét đẹp văn hóa truyền thống này là điều cần thiết trong mỗi gia đình.

Người lớn mừng tuổi trẻ vào dịp Tết để mong một năm may mắn đến với con cháu.

Nét đẹp văn hóa Việt

Tết nay và Tết xưa của người Việt đã có ít nhiều thay đổi, nhưng có một nét văn hóa đặc sắc chưa đổi thay đó là tục lì xì ngày Tết. Những phong bao lì xì đỏ thắm, xinh xắn như thay lời chúc may mắn và hạnh phúc đầu năm. Bắt đầu từ thời khắc giao thừa chính thức bước sang năm mới đến khi hết Tết, những người lớn tuổi trong gia đình sẽ phát lì xì mừng tuổi cho con cháu để lấy may, kèm theo là lời chúc làm ăn phát đạt, vạn sự như ý, học giỏi, ngoan ngoãn… Con cháu cũng biếu ông bà, cha mẹ những phong bao lì xì để chúc sức khỏe và trường thọ. Tùy theo mỗi gia đình, số tiền mừng tuổi được chuẩn bị sẵn trong mỗi phong bao lì xì là khác nhau, có thể là tiền lẻ hoặc tiền chẵn nhưng dù số tiền nhiều hay ít thì tiền lì xì đều tượng trưng cho tài lộc đầu năm.

Rất thích phong tục lì xì đầu năm, chị Trần Thị Mai Anh, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Lúc nhỏ, mỗi lần vào dịp tết, mình chỉ mong đến ngày mùng 1 Tết để được ba mẹ lì xì. Không cần biết số tiền lì xì là bao nhiêu, chỉ cần được cầm phong bao lì xì là mình đã thấy rất vui rồi. Vì đó là món tiền sở hữu đầu tiên của mình trong năm nên mình rất trân trọng nó.

Ý nghĩa của phong bao lì xì không nằm ở số tiền mừng mà quan trọng là ở thiện ý, ý nghĩa tốt đẹp của hành động, với lời chúc mong muốn sự hạnh phúc và tất cả những gì tốt đẹp nhất sẽ đến với người thân của mình trong suốt một năm. Mừng tuổi không giới hạn trong ngày mùng 1 mà còn có thể kéo dài sang ngày mùng 2, mùng 3 cho tới mùng 10, thậm chí tới tận Tết Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng).

Dạy trẻ văn hóa lì xì

Nói về chuyện lì xì đầu năm mới, ông Trần Văn Hiếu, xã Thanh Hưng (huyện Điện Biên) kể cho chúng tôi câu chuyện “dở khóc, dở cười” của chính mình: Năm ngoái, đến chúc Tết gia đình một người họ hàng ở quê, tôi có mừng tuổi con chủ nhà 1 phong bao lì xì. Cậu bé lúc đó đang học lớp 2 rất nhanh chóng nhận và bóc luôn phong bao. Điều khiến tôi ngại chín mặt là cậu bé hồn nhiên chê “ít tiền thế”, để “chữa cháy” tôi liền tặng bé thêm 1 phong bao nữa. Tưởng rằng cậu bé sẽ không nói gì thêm, không ngờ, cậu bé vô tư nói “Chú ơi, còn em cháu nữa. Em cháu đang đi chơi nhà hàng xóm”.

Có lẽ câu chuyện của chú Hiếu không hề hiếm gặp trong cuộc sống hiện nay bởi thực tế nhiều trẻ tiếp xúc với đồng tiền khá sớm do được bố mẹ cho tiền ăn quà vặt, mua đồ chơi hay lì xì đầu năm… Thế nên, ngày Tết đầu năm không khó bắt gặp hình ảnh những đứa trẻ đang đi chơi bỗng vội chạy về nhà thật nhanh khi thấy có khách đến nhà. Có trẻ khi khách đến chúc Tết thì chạy ngay tới phòng khách chào thật to để nhận tiền mừng tuổi…

Một điều đáng bàn nữa chính là cách dạy con sử dụng tiền mừng tuổi sau Tết. Có gia đình để con tự ý sử dụng tiền mừng tuổi khiến trẻ không cẩn thận đánh rơi hoặc tiêu xài hoang phí, mua những thứ không cần thiết (đồ chơi, đồ ăn vặt độc hại…). Vì thế, cha mẹ nên thỏa thuận và hướng dẫn trẻ tiêu tiền với những mục đích chính đáng như nuôi lợn tiết kiệm, mua sách vở, đồ dùng học tập hoặc làm từ thiện giúp đỡ những bạn nhỏ có hoàn cảnh khó khăn… Qua việc hướng dẫn trẻ cách tiêu tiền, cha mẹ giúp con biết quý trọng đồng tiền được làm ra từ sức lao động, biết trân trọng những giá trị tinh thần từ phong tục mừng tuổi đầu năm.

Giữ gìn và phát huy giá trị nhân văn của tục lì xì đầu năm mới không phải điều gì quá khó bởi tất cả đều xuất phát từ cách ứng xử của chính người lớn chúng ta. Dạy trẻ hiểu ý nghĩa của tiền mừng tuổi đó chính là tấm lòng, lời chúc cầu may mắn của người lớn dành cho trẻ nhỏ. Dạy trẻ khi nhận lì xì cần thể hiện sự biết ơn và trân trọng; dạy trẻ sử dụng tiền mừng tuổi hợp lý… Có như vậy, văn hoá lì xì đầu xuân sẽ được gìn giữ để trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc Việt.

Bài, ảnh: Châu Linh
Bình luận
Back To Top