Người giữ tiếng pí vang xa

09:01 - Thứ Bảy, 13/02/2021 Lượt xem: 8586 In bài viết

ĐBP - Chiều biên giới những ngày tháng Chạp lạnh thấu da thịt. Về bản Nà Khuyết, xã Chà Cang (huyện Nậm Pồ) tôi bị cuốn hút bởi âm thanh pí pặp lúc trầm, lúc bổng, lúc chậm rãi khoan thai, réo rắt mà say đắm lòng người. Theo tiếng pí pặp, tôi tìm đến nhà Nghệ nhân Lường Văn Mín, người đã có trên 70 năm thực hành, chế tác và truyền dạy pí pặp.

Nghệ nhân Lường Văn Mín (thứ 2 từ trái sang) truyền dạy cách sử dụng pí pặp cho con cháu và người dân trong bản.

Sinh ra và lớn lên trên quê hương Nà Khuyết, có tình yêu với nhạc cụ dân tộc. Năm 1940, ông Mín đến học thổi và chế tác pí pặp của thầy Poòng Văn Sem ở bản Nà Én, xã Chà Tở. Với niềm đam mê, sự hăng say tập luyện, chỉ sau hơn một năm ông Mín đã thổi thuần thục các điệu pí pặp của người Thái. Thường xuyên tham gia biểu diễn trong các dịp tết, lễ hội, các buổi giao lưu văn nghệ ở trong và ngoài bản, nên kỹ năng thổi pí pặp của ông ngày càng thành thục và điêu luyện.

Nói về làm pí, ông Mín chia sẻ: Pí gồm có 2 loại: pí một được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng liên quan đến đời sống tâm linh; còn pí pặp dùng trong các dịp sinh hoạt văn hóa văn nghệ. Ðể làm được pí, trước tiên cần phải chọn cây nứa nhỏ cỡ ngón tay út, thường chọn phần ngọn của cây nứa đem về để khô sau đó mới chế tác. Pí một chỉ gồm một ống còn pí pặp gồm 2 ống (hay còn gọi là ống đực và ống cái) có kích thước bằng nhau, có đường kính từ 4 - 6mm, độ dài khoảng 40 - 45cm; ống cái (ống chính) được dùi 5 lỗ tượng trưng cho 5 âm điệu, còn một lỗ ở đầu trên (đầu thổi ở mặt sau) được gắn lẫy bằng kim loại để phát ra âm thanh. Ống đực cũng được gắn lẫy kim loại như ống cái và được dùi 1 lỗ rất nhỏ. Làm pí cần phải kiên trì, tỉ mỉ, nhất là làm phần lưỡi gà (bộ phận quan trọng để tạo ra âm thanh); phải dát thật mỏng, thật đều thì âm thanh phát ra mới hay…

Với mong muốn con cháu, thế hệ trẻ hiểu được ý nghĩa và giá trị sâu sắc của pí pặp trong đời sống tinh thần của người Thái, ông Lường Văn Mín ngày ngày nỗ lực truyền dạy cách làm và sử dụng pí pặp cho con cháu, cho những người yêu thích đam mê với pí pặp. Ông Lường Văn Phin (con trai ông Mín) người duy nhất trong gia đình có tình yêu với nhạc cụ dân tộc và được cha truyền nghề, tâm sự: Ngày xưa, đàn ông Thái phải biết thổi pí pặp để hát giao duyên, tỏ tình với người mình yêu. Tôi đã được nghe tiếng pí pặp từ ông, cha thổi vào các dịp lễ, hội của bản. Giờ đây, lớp trẻ đang dần quên đi tiếng pí pặp của ông cha. Thổi được pí đã khó, làm thế nào thổi được hồn dân tộc và tâm sự của chính người thổi muốn truyền đạt qua tiếng pí lại càng khó hơn. Nó đòi hỏi người thổi phải thật sự yêu cây pí, thật sự muốn học. Tôi yêu và đã học thổi pí từ cha, để giữ lại những điều mà lớp trẻ đang dần quên lãng.

Hi vọng với những nỗ lực, cố gắng của những người truyền dạy như ông Mín và sự đam mê, nhiệt huyết của thế hệ sau như ông Phin, tiếng pí của dân tộc Thái tiếp tục được vang xa; gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top