Thêm điều kiện gìn giữ, phát huy nghệ thuật múa dân tộc Khơ Mú

09:01 - Thứ Năm, 08/04/2021 Lượt xem: 6399 In bài viết

ĐBP - Mới đây, nghệ thuật múa của người Khơ Mú tỉnh Ðiện Biên được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ðây không chỉ là niềm tự hào đối với những người con dân tộc Khơ Mú mà còn là cơ sở quan trọng để làm tốt hơn nữa việc gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống này.

Múa “Chọc lỗ tra hạt” của người dân tộc Khơ Mú Ðiện Biên. Ảnh: C.T.V

Người Khơ Mú ở Ðiện Biên có khoảng hơn 22 nghìn người, chiếm 3,9% dân số toàn tỉnh, cư trú ở hầu khắp các địa bàn như: TP. Ðiện Biên Phủ, huyện Ðiện Biên, Ðiện Biên Ðông, Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Mường Chà, Nậm Pồ. Trong sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của người Khơ Mú, múa là phần không thể thiếu. Nó gắn liền với các nghi thức, lễ hội: Cúng bản, cầu mưa, cầu mùa, mừng cơm mới và trong mỗi cuộc vui của bản. Ông Quàng Văn Cá, người chủ trì các lễ hội truyền thống và xây dựng đội văn nghệ bản người Khơ Mú Tọ Cuông, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng) cho biết: Qua các động tác múa khỏe khoắn, vui vẻ, lạc quan, người dân Khơ Mú kể về cuộc sống lao động, sản xuất, mong ước ấm no, đủ đầy và thể hiện sự đoàn kết, gắn bó, nỗ lực của con người trước thiên nhiên. Khi tiếng chiêng đánh càng khỏe, càng nhanh thì các đạo cụ cầm tay của người múa như ống tre dội xuống đất càng mạnh, nhịp múa càng hối hả. Các điệu múa cơ bản để nhận diện được nghệ thuật trình diễn dân gian của người Khơ Mú đó là: Múa chiêng kết hợp với ống tre, ống nứa (tẹ ôm đing); múa đánh đao (tẹ tăm đao); múa sạp (tẹ khiêp); múa chọc lỗ tra hạt (tẹ chư mon); múa lắc eo (tẹ cưn viết guông); múa cá lượn (tẹ gănr cạ); múa vòng tròn (tẹ kưn vong do).

Thông tin từ Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch): Nét đặc trưng trong nghệ thuật múa của người Khơ Mú đó là sử dụng các đạo cụ từ những nguyên liệu tự nhiên như ống tre, ống nứa. Một số đạo cụ được sử dụng đồng thời cũng được coi là nhạc cụ để tạo ra âm nhạc dẫn dắt người múa theo những nhịp điệu, tiết tấu riêng. Như múa dỗ ống thì các ống tre được gõ xuống nền nhà hay mặt gỗ tạo âm thanh, nhịp điệu múa. Múa tăm đao cũng vậy. Tăm đao là dụng cụ được người phụ nữ sử dụng để đi nương, đi rừng có thể tạo âm thanh vui tai. Tăm đao có những lỗ để điều chỉnh âm thanh như điều chỉnh các nốt nhạc, tạo ra nhạc điệu cho người múa. Các động tác trong nghệ thuật múa của người Khơ Mú thường gắn với các hoạt động trong đời sống sinh hoạt như: Chọc lỗ tra hạt, đuổi chim, đi rừng, đi nương... Bên cạnh đó, một số điệu múa còn gắn với các nghi lễ như múa sạp được sử dụng trong lễ cầu mưa - múa để mong trời cho mưa xuống.

Các bản người Khơ Mú ngày nay quan tâm thành lập các đội văn nghệ, thường xuyên duy trì thực hành các điệu múa vào các dịp lễ hội, ngày hội, ngày vui của bản. Thế hệ trẻ có sự học hỏi, tiếp nối, kế thừa và phát huy nghệ thuật truyền thống từ các nghệ nhân, người cao tuổi của bản. Những năm qua, ngành Văn hóa cũng đã tổ chức bảo tồn các lễ cầu mưa, cúng bản, cầu mùa của người Khơ Mú trên địa bàn tỉnh, trong đó có phần hội với nhiều tiết mục múa, qua đó góp phần bảo tồn nghệ thuật múa của người Khơ Mú. Ðồng thời, hàng năm tổ chức hội thi, hội diễn, ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch cấp tỉnh và cấp huyện, xã đã khuyến khích cộng đồng người Khơ Mú tích cực tham gia. Việc gìn giữ, phát huy văn hóa truyền thống của người Khơ Mú, đặc biệt là nghệ thuật múa cũng được triển khai gắn với Ðề án Tiếp tục bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025; và hiện đang được đưa vào xây dựng dự thảo nghị quyết, đề án cho giai đoạn tiếp theo.

Còn tại huyện Mường Ảng, 2 bản Cha Cuông, Tọ Cuông (xã Ẳng Tở) còn lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của người Khơ Mú được quan tâm đặc biệt, hỗ trợ kinh phí tổ chức khôi phục lễ hội cầu mưa, cầu mùa; cử đoàn nghệ nhân tham gia các hoạt động tái hiện không gian sinh hoạt văn hóa người Khơ Mú tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Theo chia sẻ mới đây của bà Nguyễn Thị Thanh, Phó Phòng Văn hóa - Thông tin huyện, huyện đang hoàn thiện các quy trình, thủ tục, lấy ý kiến nơi cư trú để làm hồ sơ đề nghị vinh danh ông Quàng Văn Cá, người am hiểu và thường xuyên thực hành nghệ thuật trình diễn, nghi thức lễ hội người Khơ Mú, bản Tọ Cuông là nghệ nhân ưu tú trong năm 2021.

Năm nay, nhiều hoạt động văn hóa bị hoãn do dịch bệnh, vì thế các điệu múa của dân tộc Khơ Mú cũng không có nhiều cơ hội được thể hiện, trình diễn. Tuy nhiên với việc nghệ thuật múa được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nét văn hóa đẹp này của người Khơ Mú vẫn có thêm nhiều người biết tới, được giới thiệu gần xa, thêm điều kiện, thúc đẩy công tác bảo tồn, gìn giữ văn hóa, dân nhạc, dân vũ truyền thống dân tộc Khơ Mú.

Bảo Anh
Bình luận
Back To Top